Cách tiết kiệm tiền mua sách khi du học Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Nếu bạn là sinh viên Việt Nam đang có kế hoạch du học Mỹ thì hãy chuẩn bị một khoản ngân sách riêng cho sách giáo khoa, bởi khoản chi này là không hề nhỏ. Nhưng đừng quá lo lắng! Bởi SSDH sẽ giúp bạn liệt kê những bí quyết hữu hiệu để tiết kiệm chi phí sách giáo khoa trong thời gian du học Mỹ nhé!

ssdh-sinh-vien-book-sach

 

1. Đừng mua sách trước khi vào học

Hầu như tất cả các giáo sư đều bắt buộc phải thông báo cho sinh viên tên của những tài liệu sẽ được dùng trong lớp. Vậy nên, trong buổi học đầu tiên, hãy mạnh dạn hỏi giáo sư của mình rằng có nên mua sách hay không, họ sẽ cho bạn câu trả lời thật lòng.

Lưu ý: Mẹo này rất tốt cho những môn đại cương nhưng khi vào đến chuyên ngành thì bạn hầu như sẽ phải có sách.

2. Kiểm tra sách tại thư viện trước khi mua/thuê sách

Đối với một số lớp học, bạn có thể sẽ được yêu cầu đọc thêm sách như tiểu thuyết hoặc một cuốn sách nổi tiếng nào đó. Trong trường hợp này, hãy thử tìm trong thư viện trường có hay không. Nếu thư viện trường vẫn không có, bạn nên tìm ở thư viện thành phố, bởi đó là có bộ sưu tập sách đồ sộ và phong phú hơn rất nhiều.

3. Hãy mua sách cũ hoặc cân nhắc đến việc thuê sách

Cứ 1 vài năm là các nhà xuất bản lại thay đổi 1 vài chi tiết trong nhiều cuốn sách để đưa ra những phiên bản mới nhất. Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất mà họ làm như vậy là để nâng cao giá bìa của sách trong khi nội dung sẽ không thay đổi mấy. Đây chính là lý do tại sao rất nhiều sinh viên sẽ chọn mua hoặc thuê sách cũ để tiết kiệm hơn. Nếu bạn không yên tâm là sách cũ có được giáo sư chấp nhận hay không, bạn nên hỏi thẳng họ để chắc chắn. Thay vì mua sách cũ, bạn cũng có thể thuê sách 1 hoặc 2 học kỳ để khi nào học xong sẽ trả lại. Giá để mướn 1 cuốn sách có thể rẻ hơn 50% số tiền trên giá bìa.

Ngoài ra, bạn có thể mua sách cũ online tại các trang như: Chegg và Amazon hoặc thuê sách tại Textbooks.com và CampusBooks.com.Cách này được nhiều sinh viên lựa chọn bởi vô cùng thuận tiện và dễ tìm – với chỉ vài ba cú nhấp chuột.

4. Tìm hiểu xem: Trường của bạn có học bổng sách hay không?

Không phải tất cả nhưng sẽ có những trường có một quỹ học bổng để dành mua sách giáo khoa và laptop cho học sinh mỗi học kỳ. Quỹ này thường không được đăng tải hay đề cập nhiều, do đó, bạn nên tham khảo và hỏi han các sinh viên khóa trên xem sao nhé.

5. Tìm sách giáo khoa miễn phí trên mạng

Đa số các sách giáo khoa không có bản miễn phí qua mạng, nhưng không phải là hoàn toàn không có, vì vậy bạn có thể tìm thử xem vận may có đứng về phía mình không. Một số website để tìm sách giáo khoa miễn phí qua mạng là Open Library, Project Gutenberg, Google Books, và OpenStax.

6. Dùng chung sách với bạn thân hợp cạ

Bạn có bạn thân hay bạn cùng phòng học chung một lớp? Vậy thì hai người hoàn toàn có thể chung tiền mua một cuốn sách rồi chia nhau sử dụng. Với cách này, hai bạn cần thống nhất thời gian sử dụng ngay từ đầu để tránh xảy ra mâu thuẫn về sau.

Ngoài ra, bạn có thể dùng máy scan thông minh tự lật trang (đa số các thư viện trong trường đại học ở Mỹ đều có loạn máy scan này) để scan cuốn sách và một trong hai người có thể dùng bản ebook.

Mặc dù đây không phải lúc nào cũng là giải pháp tốt nhất nhưng điều này có thể cắt giảm chi phí của cuốn sách xuống còn một nửa, và cũng có thể giúp bạn phát triển các kỹ năng quản lý thời gian vì bạn sẽ phải lập kế hoạch học tập xung quanh người mà bạn đang chia sẻ cuốn sách chung.

7. Tham gia nhóm trao đổi sách giáo trình của trường

Nhiều khả năng rằng sinh viên tại trường đại học của bạn đã thành lập một nhóm Facebook trao đổi sách với mục đích mua và bán sách với giá rẻ hơn tại hiệu sách trường học. Có nhiều lợi ích từ nhóm Facebook này, một trong số đó là các sinh viên khác có thể có sách hiếm mà bạn cần hoặc sách khoa học mà bạn không thể tìm thấy trên mạng với mức dưới 200 đô la.

Phần lớn các sinh viên trong nhóm chỉ muốn dọn đi những cuốn sách trước khi về nhà hay chuyển vào một căn hộ mới hoặc rời đi du học. Điều đó có nghĩa là bạn sẽ nhận được những mức giá cực kỳ rẻ (hoặc thậm chí miễn phí!) nếu tham gia vào trong các nhóm này.

8. Sử dụng trang web so sánh giá

Để đảm bảo rằng bạn không phải trả giá cao cho một bạn cùng lớp, hiệu sách trường học hoặc người bán hàng trực tuyến, hãy tận dụng các trang so sánh giá sách giáo khoa như TextSurf, SlugBooks hoặc BookFinder để đảm bảo bạn nhận được mức giá tốt nhất. Các trang web này cũng hữu ích trong việc xác định số tiền bạn nhận được khi bán lại sách của bạn trên các trang web như Amazon và Chegg, điều mà từng đôi khi khiến bạn thấy mệt mỏi.

9. Mua sách e-book cũng là một cách hay đấy chứ!

Hiện nay nhiều đầu sách giáo khoa đã ra mắt bản e-book, với giá bán thường rẻ hơn so với sách giấy. e-book vừa gọn nhẹ để đem đi khắp nơi và bạn không phải lo kiếm chỗ để sách hay bán lại sách. Trên các trang web Amazon, Chegg, hay Textbooks đều có bán e-book.

10. Tìm kiếm sách tại cửa hàng địa phương

Một số tiệm sách địa phương có thể có quyển giáo trình bạn cần với mức giá rẻ hơn. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra nếu bạn theo học ở một trường thuộc “thị trấn đại học” (college town – nơi tập trung phần lớn các sinh viên sinh sống). Các cửa hàng này đôi lúc còn mua lại sách, thế nên, khi kết thúc kỳ học, hãy ghé đến và hỏi xem liệu họ có muốn mua lại sách của bạn không.

Phần lớn các sinh viên sẽ khuyên: đừng nên mua sách ở tiệm sách của trường. Trong đa số trường hợp, điều này đúng, vì vậy, nếu bạn tìm hiểu và nghiên cứu trước thì cũng có thể tiết kiệm cả trăm đô la đấy. Với những bí quyết kể trên, SSDH hy vọng bài viết đã giúp bạn có cái nhìn cận cảnh hơn về đời sống du học Mỹ cũng như cho bạn thêm vài ý tưởng hay ho để tiết kiệm khoản chi mang tên sách giáo khoa.

Cá Domino (SSDH)

Share.

Leave A Reply