SSDH – Những yếu tố này sẽ đồng hành cùng bạn trong suốt hành trình du học và chinh phục kiến thức.
1. Ước mơ:
Chỉ cần bạn có một ước mơ, ước mơ được học tập, được trải nghiệm, sống tự lập, được thấy mình thực sự lớn lên nơi miền đất lạ. Ước mơ chính là điểm khởi đầu cho mọi sự thành công trong tương lai.
2. Chọn đất nước:
Sinh ra tại một quốc gia đang phát triển, đa số các bạn trẻ sẽ chọn những đất nước hiện đại, tiên tiến hàng đầu thế giới như Mỹ, Anh, Canada… là điểm đến du học. Điều này là hoàn toàn chính xác! Tuy nhiên việc “chốt” sẽ du học tại đất nước phát triển nào còn phụ thuộc vào cá nhân mỗi người. Các yếu tố khiến cho bạn phải cân nhắc nhiều nhất là: tình hình an ninh, ổn định xã hội, chi phí du học, điều kiện sống và làm thêm của du học sinh, các môn học và ngành học.
Ví dụ, nếu bạn muốn học về tài chính, thích những giá trị cổ điển, gia đình bạn lại rất “có điều kiện” nữa thì Anh Quốc là sự lựa chọn hàng đầu. Còn nếu bạn thích một đất nước cực kì hiện đại nhưng không thể thiếu khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp, nơi đó có một xã hội tiên tiến, ôn hoà, cùng nền giáo dục hiện đại hàng đầu thế giới, cộng với mức chi phí sinh hoạt và học tập vừa phải thì Canada là sự lựa chọn hoàn hảo.
3. Chọn thành phố:
Không chỉ là nơi có các cơ sở giáo dục tốt, điểm đến du học của bạn còn phải là một nơi thật sự đáng sống. Đây là danh sách 10 thành phố đáng sống nhất trên thế giới do tạp chí The Economist bình chọn, dựa trên 3 tiêu chí: độ an toàn, dễ thích nghi (hoặc dễ sống) và chi phí sinh hoạt:
- Toronto (Canada)
- Montreal (Canada)
- Stockholm (Thụy Điển)
- Amsterdam (Hà Lan)
- San Francisco (Mỹ)
- Melbourne (Australia)
- Zurich (Thụy Sỹ)
- Washington, D.C (Mỹ)
- Sydney (Australia)
- Chicago (Mỹ)
4. Chọn ngành học:
Để xác định được ngành học, hãy trả lời những câu hỏi: “Bạn thích trở thành ai? Bạn mạnh về lĩnh vực học tập nào? Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp? Làm việc ở nước ngoài hay tại Việt Nam?”. Nếu bạn vẫn chưa tìm được câu trả lời cho chính bản thân mình, hãy tìm gặp những người đã và đang du học để “hỏi han” kinh nghiệm và để nhận những lời khuyên bổ ích.
5. Cơ hội được ở lại:
Được ở lại làm việc vài năm sau khi tốt nghiệp để lấy kinh nghiệm – đó chính là mục tiêu của hầu hết các du học sinh Việt Nam. Trong Top các nước công nghiệp hàng đầu thế giới thì Canada được đánh giá là quốc gia tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho du học sinh ở lại. Du học sinh có thể làm việc hợp pháp tại các công ty ở Canada 3 năm sau khi tốt nghiệp mà không có bất cứ ràng buộc nào. Chưa hết, khả năng xin lưu trú để định cư tại Canada cũng dễ dàng hơn nhiều quốc gia khác. Du học sinh quốc tế tìm được việc làm, hoặc có kinh nghiệm làm việc có thể xin thẻ lưu trú. Ngoài ra, Canada cũng cho phép người dân có 2 quốc tịch. Chính điều này tạo sức hút lớn cho du học sinh quốc tế, trong đó có Việt Nam.
6. Thuyết phục phụ huynh:
Do sự khác biệt về quan điểm của 2 thế hệ nên việc thuyết phục phụ huynh bao giờ cũng là một trong những “quả núi” mà bạn phải vượt qua. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên trao đổi, tâm sự và “rủ” phụ huynh đi cùng đến các triển lãm, hội thảo tư vấn du học thì việc này sẽ dễ dàng hơn nhiều.
7. “Chốt” trường học và chuẩn bị các thủ tục:
Đây là khâu cực kỳ quan trọng, bởi nó sẽ ảnh hưởng đến tương lai của bạn cũng như ngân quỹ của gia đình bạn. Để giảm thiểu những rủi ro, cách tốt nhất là bạn nên thông qua các tổ chức giáo dục có uy tín hàng đầu.
8. Trau dồi thêm kiến thức, kĩ năng sống:
Dù biết là sẽ học được thật nhiều tại nơi mà bạn sẽ đến, tuy nhiên việc trau dồi thêm kiến thức cũng như các kĩ năng sống là vô cùng cần thiết. Chưa kể, có nhiều trường đòi hỏi sự sát hạch khá khó khăn đối với những ứng viên du học.
9. Tham dự các triển lãm, hội thảo tư vấn du học:
Ở những triển lãm du học luôn có nhiều đại diện của các trường. Cùng một lúc, bạn có thể nhận được rất nhiều sự tư vấn bổ ích và chính xác từ những chuyên gia về giáo dục, đại diện ban giám hiệu hay cả cựu sinh viên đến từ các trường tham gia triển lãm.
Nguồn: Tri Thức Trẻ