Những điều cần thiết nhất khi du học

0

SSDH – Quyết định du học vốn không phải là một chuyện đơn giản, quá trình đi du học lại càng nhiều thử thách hơn. Trong đó, thời điểm khởi đầu khi vừa đặt chân sang xứ lạ luôn khiến du học sinh lo lắng nhiều nhất.

 hanh-trang-du-hoc.jpg

 

Làm sao để đừng quá bỡ ngỡ, gặp quá nhiều khó khăn trong cuộc sống, mất tự tin không dám kết bạn hay tệ nhất là mất đà học tập là bài toán khó với nhiều du học sinh.

 

Ngôn ngữ – Hành trang đầu tiên khi đi du học

 

Khi sang một đất nước xa lạ để du học, điều đầu tiên cần trau dồi chính là ngôn ngữ của đất nước đó. Các du học sinh có nhiều ngôn ngữ để lựa chọn, tùy thuộc vào đất nước mình lựa chọn. Tuy nhiên, tiếng Anh vẫn là ngôn ngữ thông dụng nhất. Đối với ngôn ngữ, không có sự chuẩn bị nào là thừa. Càng đọc thông viết thạo, sự hòa nhập của các bạn khi đi học sẽ càng tốt hơn.

 

Mỗi trường thường có những yêu cầu tiếng Anh đầu vào khác nhau, nhưng đa phần ở mức IELTS 6.5 hoặc TOEFT iBT 79. Đây cũng là mức sàn để sinh viên có thể cảm thấy tự tin và thoải mái trong việc tiếp thu kiến thức cũng như giao tiếp hằng ngày trong cuộc sống. Một số điểm quan trọng cần ghi nhớ về chủ đề này là:

 

– Tìm hiểu thật kỹ yêu cầu tiếng Anh của trường định nhập học từ sớm để có sự chuẩn bị tốt nhất.

 

– Lên kế hoạch học tiếng Anh trước khi cần thi lấy bằng khoảng một năm.

 

– Tham khảo “chiến lược” học tập của các anh chị đi trước.

 

Làm sao để đạt được kết quả IELTS hay TOEFL cao? Hãy cùng nghe chia sẻ của Nguyễn Tất Thành Nhân, thí sinh thi đạt điểm IELTS 8.0 trong kỳ thi tại Hội đồng Anh:

 

– Kỹ năng nghe: Làm quen với giọng Anh, làm quen với cách phát âm và phiên âm của các loại tên người, địa danh, số, luyện tập viết tên đường, số điện thoại v.v… để nghe và viết được thật nhanh và chính xác. Sử dụng các khoảng thời gian nghỉ ngắn giữa các phần nghe để đọc trước câu hỏi của phần tiếp theo để chuẩn bị tốt hơn.

 

– Kỹ năng đọc: Dùng câu hỏi của bài đọc để tóm tắt ý chính của bài, nắm chắc cách đọc nhanh và đọc lướt để dò bài đọc, tìm kiếm thông tin cho câu trả lời thật hiệu quả. Luyện tập với nhiều bài thi đọc để luyện sức bền và làm quen với các dạng chủ đề và từ ngữ dùng trong các chủ đề này.

 

– Kỹ năng viết: Tập viết biểu đồ bằng cách làm quen với cách viết và các từ ngữ sử dụng để miêu tả biểu đồ. Làm dàn ý cẩn thận trước khi viết bài luận.

 

– Kỹ năng nói: Tìm một người bạn để luyện nói cùng. Không nên lo lắng về giọng nói hay cách phát âm của mình. Nói to, rõ và phát âm theo cách tốt nhất bạn có thể làm được. Khi được cho thời gian để suy nghĩ về những gì mình sẽ nói, hãy viết ra càng nhiều từ vựng hay và liên quan đến chủ đề càng tốt.

 

Tâm lý

 

Ngoài tiếng Anh, tâm lý cũng là một vấn đề rất quan trọng các bạn phải chú ý trước khi quyết định đi du học. Đi du học là cả một cuộc hành trình dài, gần như tất cả mọi thứ trong cuộc sống của bạn sẽ bị đảo lộn và cần một bản lĩnh đủ vững để sắp xếp lại. Bạn hãy tự hỏi xem liệu mình đã sẵn sàng để đi du học chưa?

 

Hay nói cách khác, có mong muốn đi du học đến mức sẽ cố gắng hết sức để vượt qua mọi thử thách hay chưa? Để làm điều này, hãy bắt đầu với những câu hỏi nhỏ nhất: “Liệu mình có đủ sức khỏe để thích nghi với cuộc sống mới, nhất là cái lạnh về mùa đông? Liệu mình có thể tự lập làm những việc cá nhân mà không cần bố mẹ, có thể tự nấu ăn một vài món đơn giản hay tự lo chuyện di chuyển từ nhà đến trường?…”.

 

Khi còn ở Việt Nam, hãy cố gắng lên mạng tìm hiểu trước môi trường sống và làm quen với các anh chị đang theo học ở nơi mình sẽ đến. Khác biệt văn hóa là một trong những vấn đề các bạn phải khắc phục thật nhanh để không bị bỡ ngỡ: Ví dụ như văn hóa nói cảm ơn – xin lỗi trong nhiều tình huống giao tiếp, văn hóa xếp hàng…

 

Trong quá trình hòa nhập vào một môi trường mới, hãy cố gắng tự tin và kết bạn càng nhiều càng tốt. Thầy Ian Kitching – Trưởng điều phối giáo viên, Giảng viên IELTS tại Hội đồng Anh, chia sẻ: “Trong những ngày đầu trên xứ người, hãy tìm hiểu về đất nước và thành phố nơi bạn sắp đến. Tạo một danh sách những việc bạn muốn làm trong ba tháng đầu tiên.

 

Hãy cởi mở làm quen với những người bạn mới và cùng họ trải nghiệm đất nước nơi bạn đến học tập như thử những món ăn mới, tham dự những sự kiện xã hội, tham quan danh lam thắng cảnh… Hãy tận dụng cơ hội trải nghiệm những điều mới lạ như một cách để học hỏi và thích nghi với văn hóa địa phương nơi bạn đến sinh sống và học tập”.

 

Ngoài ra, sinh viên ở các nước phát triển vốn rất năng động và có nhiều tài lẻ như thể thao, văn nghệ… Các bạn, vì thế, cũng nên chuẩn bị “hành trang” một vài tài vặt lẻ, tập một môn thể thao, một loại nhạc cụ nào đó. Để các bạn sinh viên bản xứ thấy rằng sinh viên Việt Nam không chỉ biết học mà thôi.

 

Tài chính

 

Tài chính là một phần rất quan trọng mà chắc chắn không gia đình nào có thể bỏ quên. Giành được học bổng là ước mơ của tất cả các bạn có ý định du học. Không dễ để giành được một suất học bổng nhưng cũng không có nghĩa là không thể. Nếu không đạt được một suất học bổng toàn phần thì một khoản hỗ trợ 75%, 50% hay thậm chí là 20% cũng có giá trị. Nên lên kế hoạch du học từ sớm để có kế hoạch chuẩn bị và đánh bóng cho bộ hồ sơ để nâng cao khả năng nhận được học bổng.

 

Nguồn: Báo mới

Share.

Leave A Reply