SSDH – Tìm hiểu mọi thông tin về trường, lập danh sách những điều cần làm và sẵn sàng tinh thần và kiến thức cho một môi trường mới đầy lạ lẫm là điều mà các bạn ai muốn có được những suất học bổng cần phải lưu ý và thực hiện ngay hôm nay.
Tích cực tìm kiếm thông tin và điều đầu tiên mà bạn cần làm khi muốn nhận học bổng du học.
Nắm càng nhiều thông tin càng tốt
Đó là chia sẻ của bạn Dương Nguyên Khang, sắp là tân sinh viên của trường ĐH Minerva Schools at KGI tại Mỹ với suất học bổng toàn phần trong 4 năm.
Khang chia sẻ: “Các bạn cần biết mình thích gì và cần một môi trường nào để học tập. Nếu ở Pháp là đào tạo chuyên sâu một ngành học thì ở Mỹ các bạn được học tập mở rộng. Mỗi nơi có những điều hay khác nhau và đi kèm là những yêu cầu điều kiện học bổng mà các bạn cần có”.
Với cô bạn Huỳnh Như, du học sinh Hà Lan thì việc tìm kiếm thông tin và nuôi dưỡng ước mơ du học nên được đầu tư càng sớm càng tốt, vừa có đầy đủ thông tin, vừa để bạn có đủ thời gian phấn đấu đạt được những yêu cầu mà trường đưa ra.
“ Ví dụ như việc tất cả các học bổng của các trường ĐH ở Mỹ đều cấp học bổng thông qua hồ sơ online có mẫu chung. Những thông tin này đều có trên các trang tư vấn du học và các bạn có thể cập nhật và luyện viết để làm quen tốt”, khang chia sẻ.
Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn cho rằng các anh chị du học sinh Việt Nam ở các nước hay ở các trường mà bạn đang định xin học bổng là những người sẽ cho bạn vô vàng kinh nghiệm mà bạn đừng nên bỏ qua.
Quỳnh Như khuyến khích, nếu bạn đang là học sinh cấp 3, đặc biệt hãy đầu tư về Tiếng Anh thật tốt và thi lấy bằng IELTS ngay khi bạn có nguyện vọng đi du học, đồng thời liên hệ trực tiếp với trường hoặc với trung tâm nhanh nhất có thể, bởi thủ tục xin học bổng và làm hồ sơ sẽ tốn khá nhiều thời gian.
Du học: Không đắt đỏ như bạn nghĩ
Nhiều người vẫn cho rằng du học là chuyện hết sức tốn kém, dù là dành được học bổng thì việc ăn uống, chỗ ở cũng là mối lo ngại của nhiều gia đình. Thế nhưng nếu tình trung bình mỗi du học sinh ở Mỹ sẽ tiêu tốn khoảng 2.500 USD/năm cho việc ăn uống thì Nguyên Khang cho rằng mức phí này còn thấp hơn việc học tập ở nhiều trường ĐH quốc tế tại Việt Nam.
Còn với cô bạn Huỳnh Như, chọn Hà Lan với mức chi phí sinh hoạt cao hơn là 4.800 euro/năm thì đây vẫn là con số mà gia đình có thể hỗ trợ được. “Chi phí các trường Quốc tế tại Việt Nam lên đến hàng trăm triệu 1 năm, trong khi đó bằng số tiền đó, với sự nỗ lực của bản thân thì việc đi du học sẽ mở ra nhiều chân trời mới hơn, nhiều điều hay hơn”, Như chia sẻ.
Và nếu bạn thật sự xuất sắc và giành được học bổng tại ĐH Harvard danh tiếng thì mọi chi phí ăn ở đều được trường hỗ trợ toàn bộ. Việc của bạn ở đây chỉ là học và đi theo ước mơ của mình.
Tại các nước như Pháp và Đức, nếu bạn nhận được học bổng ở các trường công lập, bạn sẽ được miễn phí tiền học, trường còn được hỗ trợ tiền ăn ở hàng tháng, đáp ứng từ khoảng 50 – 70% chi phí trong năm.
Tích cực học tập và lạc quan
Đi chính xác là những gì bạn cần làm khi bước qua một nền giáo dục hoàn toàn mới. Minh Luân, du học sinh tại Úc chia sẻ, chương trình giáo dục và phương pháp học là điều cần thích nghi nhanh. Nếu ở VN các bạn sinh viên khá bị động thì ở các nước khác sinh viên phải tự tìm đường đi cho mình, thầy cô đóng vai trò quan sát, hướng dẫn và đỡ học sinh khi họ vấp ngã.
Bạn Duy, du học sinh tại Pháp chia sẻ, việc qua môn ở các trường không khó nhưng muốn điểm cao thì phải bỏ nhiều công sức, thời gian để đầu tư cho việc học. Ở một số trường, thành quả học tập còn quyết định đến học bổng của các bạn. Ví dụ như bạn phải luôn đạt điểm khá trở lên mới được xét cấp học bổng kì sau, nếu bị học lực trung bình lần 2 thì bạn bị buộc thôi học.
Ngoài việc tích cực học tập thì sự khác nhau về văn hóa cũng là điều các bạn nên chuẩn bị tinh thần. Nên ở những khu nhiều người Việt, kết bạn với những du học sinh Việt hoặc là châu Á sẽ giúp bạn đỡ bỡ ngỡ nhưng cũng nên tích cực bắt chuyện và giao lưu với các bạn nước khác vì họ sẽ là những bạn học trong nhiều năm đến của bạn. Các học sinh nước ngoài khá thân thiện nên đừng ngại làm thân.
Nhiều du học sinh chọn việc làm thêm để có thêm chi phí và trải nghiệm cuộc sống. “Tuy nhiên bạn phải cân bằng được giữa học và làm. Vì đôi khi áp lực từ môn học, bài tập, deadline, việc nhóm và sự mệt mỏi vì đi làm khiến bạn khá là kiệt sức”,Huỳnh Như chia sẻ.
Sự khác biệt ngôn ngữ là thứ bạn nên để ý vì phát âm của người Việt khác rất nhiều so với ngừoi nước ngoài nên giao tiếp đôi khi trở nên khó khăn. Việc quan sát là một phương pháp để học văn hóa, cách sống hằng ngày ở nơi bạn ở là điều rất hiệu quả.
Đi học xa nhà cũng là lúc bạn phải vượt qua chính mình, đặc biệt là nỗi nhớ nhà vào những ngày lễ tết. Sinh hoạt ở các cộng đồng người Việt sẽ giúp bạn phần nào vơi đi nỗi buồn đó. Bên cạnh đó, hãy đảm bảo sức khỏe để học tập tốt nhất.
Nguồn: PLO