SSDH – Đã là đầu tháng 7, thời điểm chạy nước rút với nhiều bạn sẽ du học vào tháng 9 này. Đã có một quá trình dài để chuẩn bị cho việc du học nhưng chính vào thời điểm bận rộn này, bạn sẽ càng phải lưu ý nhiều hơn.
Sau đây là “checklist” những việc bạn phải chuẩn bị xong trước khi du học.
1. Hộ chiếu
Tưởng chừng đây là điều mà ai cũng hiểu, nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người “không hiểu”. Để có thể xin được visa – thị thực, bạn cần phải có hộ chiếu. Tuy nhiên, ít bạn để ý đến ngày hộ chiếu của mình hết hạn.
Rất nhiều quốc gia yêu cầu trong đơn xin thị thực, hộ chiếu của bạn phải còn hạn nhiều hơn ít nhất sáu tháng so với ngày bạn hoàn thành chương trình học. Chính vì vậy, bạn phải tính thời gian học, cộng với thời gian du lịch nếu có ý định và cuối cùng là cộng thêm sáu tháng nữa để ra được thời gian hộ chiếu còn hạn tối thiểu.
Nếu như hộ chiếu của bạn không còn đủ thời hạn này, hãy cố gắng nộp đơn xin hộ chiếu mới càng sớm càng tốt để không làm ảnh hưởng đến quá trình nộp đơn xin thị thực. Một việc chậm trễ sẽ kéo theo hàng loạt việc chậm trễ khác.
2. Thị thực
Tùy thuộc vào nước mà bạn chọn để du học mà bạn sẽ phải nộp đơn xin visa – thị thực. Nếu như chọn theo học tại các nước trong khu vực ASEAN, bạn không phải lo lắng chuyện này. Tuy nhiên với những nước khác, đặc biệt là Anh, Mỹ, Úc hay các nước châu Âu, thị thực là việc mà bạn cần quan tâm và phải chuẩn bị từ sớm.
Để chuẩn bị cho kỳ nhập học tháng 9, bây giờ chính là giai đoạn nóng nhất để bạn xin thị thực. Vào thời điểm này, tất cả hồ sơ chuẩn bị xin thị thực phải được hoàn thành, thậm chí đã được nộp. Những giấy tờ cần thiết để xin thị thực bao gồm hộ chiếu, thư mời nhập học, chứng minh tài chính.
Ngoài ra, bạn cũng phải chuẩn bị tinh thần để tham gia một cuộc phỏng vấn với tổng lãnh sự/đại sứ nơi thành phố bạn sinh sống.
3. Tài chính
Tài chính là một phần rất quan trọng trong kế hoạch du học, hãy bảo đảm mình có một nguồn tài chính đủ để trang trải suốt thời gian du học.
Mang theo loại tiền của nước mình du học là điều cần thiết. Tuy nhiên đừng chỉ mang theo tiền mặt hay rút một số tiền lớn từ tài khoản. Cũng đừng đợi đến sân bay mới đổi tiền vì như vậy bạn sẽ khá thiệt về tỷ giá.
Với các bạn trẻ Việt Nam chỉ quen sử dụng tiền mặt thì việc làm quen với tài khoản ngân hàng sẽ có những bỡ ngỡ ban đầu. Tuy nhiên, sử dụng thẻ lại là điều sống còn với du học sinh, không chỉ giúp bạn chi tiêu một cách linh hoạt mà còn là phương thức gần như duy nhất để gia đình có thể dễ dàng gửi trợ cấp cho bạn.
Ngay một lúc phải tự hoạch định việc chi tiêu cũng là một điều khá nguy hiểm. Nếu bạn chưa có kinh nghiệm chi tiêu một cách hợp lý và khoa học thì chỉ cần mỗi một khoản bị “lố”, cộng rất nhiều khoản lại như nhà ở, đi lại, ăn uống, sách vở…, ngân sách của bạn sẽ bị hao hụt đáng kể.
Vì vậy, trong thời gian đầu khi chưa biết chi tiêu như thế nào cho “vừa tay”, hãy chuẩn bị bên mình một cuốn sổ để ghi chú lại tất cả những khoản chi.
4. Học bổng
Khi bạn đã được nhận làm sinh viên của trường đại học mà mình mong muốn, hãy tìm hiểu tất cả các chương trình học bổng của trường dành cho sinh viên quốc tế.
Đa phần các trường đều có chương trình học bổng dành cho sinh viên đã được nhận. Nhiều khi các khoản hỗ trợ chỉ dao động trong khoảng 1.000 – 4.000 USD nhưng đây cũng sẽ là một khoản hỗ trợ rất hữu ích cho việc du học của bạn.
Nơi đầu tiên bạn nên tìm kiếm chính là trên trang web của trường. Ở trang web thường liệt kê đầy đủ các chương trình học bổng, điều kiện nộp đơn và thời gian nộp đơn.
Đa phần các chương trình học bổng đều dành cho những đối tượng, môn học nhất định. Có học bổng dành cho sinh viên quốc tế, có học bổng chỉ dành cho sinh viên bản xứ hoặc một số nước nhất định và cũng có học bổng chỉ dành cho sinh viên theo học một số ngành được liệt kê.
Hãy bảo đảm rằng bạn đã đọc thật kỹ điều kiện nộp đơn và chỉ chọn ra những chương trình phù hợp. Đừng miên man và cố gắng nộp đơn cho tất cả để khỏi tốn thời gian và công sức.
5. Thẻ học sinh – International Student Identity Card (ISIC)
Đó là loại thẻ học sinh được công nhận trên khắp thế giới. Với tấm thẻ này, bạn sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, giảm giá dành riêng cho sinh viên tại 106 nước trên khắp thế giới.
Bạn có thể tìm hiểu xem ở thành phố nơi bạn sinh sống, ISIC có thông dụng hay không trước khi nộp đơn xin cấp thẻ.
6. Bảo hiểm
Tưởng chừng bảo hiểm là thứ không cần thiết và tốn kém vô ích nhưng khi bạn đi xa và phải sống tự lập, không biết chuyện gì có thể xảy ra, bảo hiểm là một khoản đầu tư quan trọng.
Đó là chưa kể, chi phí giải quyết tai nạn, bệnh tật và các rủi ro khác ở các nước phát triển là rất cao. Chỉ cần một tai nạn xảy ra mà không được bảo hiểm chi trả, bạn và gia đình có thể bị “phá sản” và không đủ khả năng trang trải tiếp việc học.
7. Y tế
Việc kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi du học là việc làm rất cần thiết. Hãy bảo đảm rằng bạn đã chích ngừa đầy đủ các loại bệnh có thể phòng chống được.
Nếu như có tiền sử bị các bệnh nghiêm trọng, hãy bảo đảm hồ sơ bệnh án của bạn được dịch lại bằng tiếng Anh và gửi sang nước ngoài cùng với bạn.
Hãy đảm bảo chuyến du học của mình luôn luôn an toàn và chuẩn bị tốt sức khỏe tinh thần cũng như thể chất để có thể tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất.
Nguồn: DNSG