7 lời khuyên làm cách nào để giật được học bổng du học

0

SSDH – Kì thực, tất cả những chuyên gia săn học bổng sau đây đều đã từng phải nhận hàng chục bức thư từ chối trước khi có thể giành được thành công đầu tiên. Vì vậy, hãy cứ nộp hồ sơ đi. Bạn sẽ không bao giờ biết được liệu học bổng nào sẽ dành cho mình. Để kết thúc, hãy nghe những điều sau mà Thuy muốn nhắn nhủ: “Quan trọng nhất là đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ.”

 

7 lời khuyên làm cách nào để giật được học bổng du học

 

1. Nộp hồ sơ càng sớm càng tốt

 

Đây có lẽ là một trong những lời khuyên mà bạn cảm thấy phiền phức mỗi khi được nhắc đến, vì đơn giản là bạn đã nghe về tầm quan trọng của nó quá nhiều lần rồi. Nhưng thực sự, việc nộp hồ sơ sớm đóng 1 vai trò vô cùng quan trọng trong thành công của các sinh viên đã được nhận học bổng.

 

Alexis Csizmazia, học bổng Đại học QS-IE năm 2015, đúc kết: “Các trường sẽ có 1 quỹ tài chính nhất định dành cho học bổng, vì vậy nếu hồ sơ của bạn đến càng sớm thì bạn có thể kiếm được học bổng giá trị hơn và theo một cách dễ dàng hơn.”

 

2. Lên trang web của trường để tìm kiếm học bổng

 

Nếu đã xác định được ngôi trường mà mình muốn theo học thì việc ghé thăm trang web chính thức của trường là một lựa chọn khôn ngoan để tìm hiểu về các chương trình học bổng của trường.

 

Doris Fang, học bổng Thạc sĩ Kết nối QS 1-2-1 năm 2015, khẳng định: “Tôi thực sự khuyên bạn nên tìm kiếm thông tin học bổng trên trang web chính thức của trường Đại học mà bạn muốn theo học. Thường thì trên đó sẽ có đầy đủ thông tin liên quan đến các chương trình hỗ trợ học phí, học bổng hoặc các khoản hỗ trợ sinh viên khác.”

 

3. Tìm học bổng từ những trang web giáo dục khác

 

Các chuyên gia săn học bổng cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các trang web trang bị dịch vụ hỗ trợ tìm kiếm học bổng, chẳng hạn như hệ thống học bổng QS.

 

Thuy Phamova Thanh, học bổng của Trường Kinh doanh Manchester, đã từng nói: “Cốt lõi chính là kĩ năng tìm tòi nghiên cứu.” “Hãy nói chuyện với mọi người, thậm chí sử dụng tất cả các nguồn học bổng khác nhau, từ thư viện, Internet, đến giáo trình.”

 

4. Chú ý đến tiêu đề của câu hỏi viết luận

 

Một khi bạn đã chọn ra được những học bổng mà mình muốn đăng kí, bước tiếp theo bạn cần làm là đảm bảo hồ sơ học bổng phù hợp với tiêu chí xét tuyển. Một lời khuyên đến từ Salimatou Balde, một chủ nhân khác của học bổng Đại học QS-IE năm 2015, là: “Hãy dành thời gian phân tích kĩ tiêu đề của câu hỏi bài luận. Gạch chân những từ trọng tâm, dành thời gian ngẫm nghĩ thật kĩ về ý nghĩa của chúng và sau đó hãy đảm bảo bài viết của bạn bám sát nội dung câu hỏi.”

 

5. Hãy tìm một người để đọc và soát lại hồ sơ cho bạn

 

Bên cạnh việc giúp bạn phát hiện lỗi sai hoặc lỗi đánh máy trong hồ sơ học bổng, những lời nhận xét mang tính xây dựng của người khác có thể giúp bạn đánh giá một cách chính xác hơn về điểm mạnh và điểm yếu của mình. “Hồ sơ của tôi trở nên sáng sủa và ấn tượng hơn khi có một người bạn kiểm tra và soát lỗi giùm”, Stephen Jarvis, chủ nhân học bổng Thành tích Học tập Xuất sắc QS năm 2015. “Một người hiểu rõ về bạn sẽ luôn nghĩ đến những điều mà chính bạn chưa bao giờ để ý tới, bên cạnh việc giúp bạn chỉnh sửa lại bố cục bài luận hoặc soát lỗi giúp bạn.”

 

6. Quản lí thời gian hiệu quả

 

Kĩ năng quản lí thời gian là vô cùng cần thiết khi bạn muốn đăng kí nhiều học bổng cùng một lúc. Hãy xây dựng 1 thời gian biểu cụ thể ghi rõ hạn chót nộp hồ sơ cho từng loại học bổng, dành thật nhiều thời gian để làm từng bộ hồ sơ một và kiểm tra xem hồ sơ đã đầy đủ các tài liệu theo yêu cầu chưa. Valentina Sandulova, người giành chiến thắng trong cuộc thi học bổng trường Kinh doanh EDHEC – QS năm nay, đã phải làm hồ sơ học bổng trong thời gian đi làm toàn thời gian. Lời khuyên của cô ấy là: “Luôn giữ cho mình kiên nhẫn, tiếp tục nộp hồ sơ đi và luôn đảm bảo bạn có thể quản lí thời gian của mình để nộp hồ sơ trước khi hạn chót kết thúc.”

 

7. Cuối cùng, hãy nộp hồ sơ thôi!

 

Lời khuyên chân thành cuối cùng, đơn giản đó là đừng nghi ngờ bản thân mình nữa, hãy nộp hồ sơ đi thôi. “Tôi cũng đã từng có khoảng thời gian lo lắng về những chương trình học bổng mà mình tham gia, vì cảm giác chúng vô cùng cạnh tranh.”, Lee MacPherson, học bổng Nhà Lãnh đạo QS. “Tuy vậy, tôi không bao giờ hối tiếc về quyết định cố gắng hết sức theo đuổi con đường học bổng của mình.”

 

Nguồn: Topuniversities

Share.

Leave A Reply