SSDH – Việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn là một trải nghiệm cực kì căng thẳng đối với sinh viên quốc tế. Kết quả thi cũng như bài luận cá nhân chỉ chứng minh mức độ phù hợp của mình đối với chuyên ngành học của mình, đặc biệt là đối với những ngành có mức cạnh tranh cao, vì vậy hãy thể hiện một cách tốt nhất trong buối phỏng vấn.
Tuy vậy, việc thắt 1 chiếc cà vạt thật đẹp hay ghi nhớ những câu trả lời phỏng vấn mẫu từ trước khi buổi phỏng vấn diễn ra chưa chắc đã đảm bảo cho bạn 1 suất vào học tại ngôi trường mơ ước. Mỗi quốc gia sẽ có những nét văn hóa giao tiếp riêng biệt và bạn cần phải thể hiện thật khéo để làm mình nổi bật trước mặt ban giám khảo. Dưới đây là một số lời khuyên để có một buổi phỏng vấn thật tốt cũng như văn hóa giao tiếp của từng nước.
Nhật Bản
Quy tắc giao tiếp tại Nhật Bản vượt ra khỏi cái bắt tay đơn thuần. Nhật Bản là một đất nước giàu văn hóa và truyền thống đặc biệt, và người dân địa phương mong muốn các du khách nước ngoài tôn trọng nết truyền thống đó của họ – và ở đây không chỉ là về việc làm sao để sử dụng đũa đúng cách để gắp sushi.
Đến muộn là điều không thể chấp nhận được ở Nhật Bản. Tại châu Âu, một số người phỏng vấn sẽ nhắm mắt làm ngơ khi ứng viên đến trễ năm phút tại một cuộc họp vì lí do liên quan đến vấn đề giao thông hay lời phàn nàn về sự chậm trễ của hệ thống tàu điện ngầm – nhưng điều này sẽ không được chấp nhận ở Nhật Bản. Ở đây, đến đúng giờ cho một cuộc phỏng vấn đại học có nghĩa là đến tối thiểu 10 phút trước thời gian phỏng vấn của bạn.
Khi bạn lần đầu tiên đến với một cuộc phỏng vấn đại học tại Nhật Bản, hãy bắt tay với các thành viên của đội ngũ nhân viên hiện tại và hãy luôn nhìn thẳng vào mắt họ trong khi chào hỏi. Sau đó, bạn sẽ được mời ngồi – nhưng đừng nên ngồi xuống cho đến khi họ đã ổn định chỗ ngồi. Cử chỉ nhỏ như thế này được đánh giá cao ở Nhật Bản và sẽ thể hiện bạn là một người có thái độ tôn trọng người khác và rất lịch sự.
Nếu một giảng viên có mặt trong buổi phỏng vấn của bạn, hãy kết hợp tên họ của người đó với các từ như ‘sensei’ hoặc ‘kyouju’ – nghĩa là giáo viên và giáo sư tương ứng. Hãy nhớ rằng, sử dụng tên họ của ai đó cũng rất quan trọng trong nghi thức Nhật Bản. Cố gắng không chỉ gọi tên giáo viên của bạn bằng cách nói “sensei” – hãy tìm hiểu trước về chương trình học của bạn và tìm hiểu trước những người sẽ tiến hành phỏng vấn bạn.
Đức
Để tạo ấn tượng tốt trong một buổi phỏng vấn đại học ở Đức, bạn được khuyến khích nên tiếp cận các buổi phỏng vấn một cách tỉ mỉ và cẩn trọng. Mở rộng cơ hội học tập của bạn tại Đức phải là thành quả của 1 kế hoạch chi tiết – không phải là do may mắn hay ngẫu nhiên. Khả năng làm theo một kế hoạch cụ thể đã định sẵn cũng như phát huy sở trường của mình là những yếu tố giúp bạn ghi điểm trong mắt người Đức, và tạo ấn tượng tốt đối với các giáo sư.
Hãy chuẩn bị phần giới thiệu bản thân bằng tiếng Đức để mở đầu cho buổi phỏng vấn. Đây là dấu hiệu của sự lịch thiệp và cho thấy bạn đã rất nỗ lực trong việc chuẩn bị cho buổi phỏng vấn đó. Sau khi giới thiệu xong, hãy đưa ra yêu cầu một cách lịch sự rằng liệu bạn có thể tiếp tục cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh được không (giả sử bạn không phải là người nói thông thạo tiếng Đức). Để làm được điều này, chỉ cần ghi nhớ 1 cụm từ tiếng Đức đồng nghĩa với: “Chúng ta có thể nói chuyện bằng tiếng Anh được không?” Đó là “dürfen wir bitte englisch sprechen?” Bạn sẽ gây ấn tượng với đối phương ngay lập tức.
Trung Quốc
Người Trung Quốc tuân thủ một cách rõ ràng các quy tắc xã giao với mức độ lịch sự gần giống với Nhật Bản. Cả hai nền văn hóa đều coi trọng những giá trị như lễ phép, lịch sự và tôn trọng người lớn tuổi – đây là những điều mà sinh viên cần lưu ý khi gặp gỡ với các giáo sư và các thành viên của hội đồng tuyển chọn.
Cúi chào hay gật đầu là một cách chào hỏi phổ biến ở Trung Quốc. Tuy vậy, bạn hoàn toàn có thể được mời bắt tay. Nếu bạn không chắc chắn về cách mở lời với ai đó ở Trung Quốc, hãy để họ mở lời với bạn trước. Khi ngồi xuống, cần chú ý đến tư thế ngồi sao cho đúng. Chéo chân, cúi đầu và khoanh tay khi ngồi trước mặt người phỏng vấn đều được coi là bất lịch sự. Ngồi thẳng và không mất đi sự tập trung của bạn. Nếu bạn đang được phỏng vấn bởi nhiều hơn một thành viên của hội đồng tuyển sinh đại học, bạn nên cúi nhẹ đầu với mỗi người trong số họ trong khi nói chuyện để thể hiện sự tôn trọng của bạn.
Hãy nói súc tích và đi vào trọng tâm khi trả lời câu hỏi phỏng vấn ở Trung Quốc. Cố gắng không để làm cho câu trả lời của bạn quá riêng tư hoặc quá nhạy cảm khi trả lời phỏng vấn và tránh sử dụng quá nhiều cử chỉ không cần thiết. Điều quan trọng là hãy tỏ ra khiêm tốn và ngắn gọn là khi nói về phẩm chất và thành tích học tập của bạn.
Trước khi phỏng vấn, kiểm tra xem buối phỏng vấn sẽ được thực hiện bằng tiếng Trung hay tiếng Anh. Dù vốn tiếng Trung của bạn còn yếu và nó cũng không quá cần thiết cho quá trình học tập của bạn, bạn vẫn được khuyến khích nên biết một vài cụm từ tiếng Trung cơ bản để bạn có thể chào hỏi người phỏng vấn bạn bằng ngôn ngữ của họ.
Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)
Nguyên tắc đầu tiên tại các quốc gia khắp Trung Đông và hầu hết các nước Hồi giáo là không bao giờ sử dụng tay trái của bạn cho bất cứ điều gì khác ngoài việc vệ sinh cá nhân của riêng bạn. Vì vậy – trừ khi bạn đang muốn biến mình trở thành một kẻ ngốc trong buổi phỏng vấn đại học – một lời khuyên cho bạn là hãy giữ cho tay trái của bạn ở sát người.
Nếu tham dự một cuộc phỏng vấn đại học ở một đất nước như UAE, bạn phải sử dụng tay phải của bạn khi bắt tay, ăn với tay phải của bạn và cầm tất cả các tài liệu bằng tay phải. Hãy luyện cho bản thân thói quen không dùng tay trái trong mọi việc!
Sinh viên là nữ giới nên lưu ý rằng các thành viên nam của hội đồng phỏng vấn sẽ có thể không sẵn sàng chủ động bắt tay bạn. Đây không phải là một dấu hiệu của sự thô lỗ; thay vào đó, nó được coi là điều lịch sự khi chào hỏi một người phụ nữ và nhằm tỏ thái độ tôn trọng. Sinh viên là nam giới nên có gắng chào hỏi tất cả những người đàn ông khác trong phòng riêng với một cái bắt tay – nhưng hãy chắc chắn rằng bạn không nắm tay họ quá chặt. Điều này nhằm thể hiện sự lịch thiệp trong khi bắt tay và tạo cơ hội để giao tiếp bằng ánh mắt được duy trì trong suốt cuộc trao đổi ngắn ngủi đó.
Câu hỏi phỏng vấn có thể sẽ liên quan đến các chủ đề về học vấn của bạn và sẽ hiếm khi đề cập đến các yếu tố cá nhân. Sinh viên cần trả lời lưu loát và tự tin về những phẩm chất khiến bạn trở thành 1 sinh viên lý tưởng cho các chương trình học cụ thể, nhưng hãy cố gắng tránh không tỏ ra khoe khoang hay trả lời quá dài dòng. Việc đặt câu hỏi ngược lại người phỏng vấn được khuyến khích và hoan nghênh, nhưng tránh không nên cắt ngang cuộc phỏng vấn trong khi họ đang nói hoặc chuyển hướng chủ đề của cuộc trò chuyện sang những vấn đề ngoài lề khác quá nhiều lần – điều này sẽ được coi là thô lỗ và một sự lãng phí thời gian quý báu của người phỏng vấn.
Nguồn: Topuniversities