SSDH – Đi chợ ở Phần Lan chưa bao giờ là một việc dễ dàng đối với du học sinh Việt Nam. Trong hai năm qua, không biết bao nhiêu lần tôi mở tủ lạnh và ngao ngán vì không biết hôm nay phải mua cái gì, ăn cái gì (tập nói giống kiểu bác Nông – nuôi con gì, trồng cây gì). Đấy là tôi còn thuộc loại ít “thèm” ăn đồ ở nhà nên đỡ hơn, chứ cô bạn gần nhà tôi cứ kêu nhớ đồ ăn ở nhà suốt ngày để rồi phiền muộn…
Một khu chợ tại Phần Lan
Lúc chuẩn bị qua Phần Lan, tôi chỉ mang theo một ít bánh đa nem, nấm khô và mộc nhĩ – những món đồ truyền thống và dễ mang đi nhất. Nhưng khi đến nơi, thời tiết quá khô nên bánh đa vỡ hết, nhìn mà thấy đau xót. Sau này đi chợ Việt ở đây tôi mới biết họ bán bánh đa rất dày và cứng để chống lại khí hậu ở Phần Lan – mỗi lần dùng cần phải nhúng bánh vào nước cho mềm ra trước khi gói.
Hồi đầu mới sang, tôi chỉ biết đến cái chợ S ở gần nhà và cứ vài ngày lại qua đó vác về bịch nước hoa quả, một ít hành tây, hành tươi, khoai tây, cà chua, thịt, xúc xích, bánh mì, thịt nguội, trứng và bắp cải. Gần như cả học kỳ đầu tôi không biết đến ăn cá và thịt bò là gì bởi thịt bò thì đắt còn cá hồi vừa đắt lại chẳng chế biến được nhiều món lắm. Chẳng lẽ cứ cho vào nướng và rán mãi. Haizz…
Rồi khi biết đến chợ Lidl (Đức) là chợ rẻ nhất ở Phần Lan (vì thế mà phải nằm ngoài rìa thành phố), tôi cũng cuốc bộ khoảng 2 km hàng tuần tới đó để mua đồ ăn. Bánh mì, bánh quy, xúc xích và thịt hun khói ở Lidl ngon vì là sản phẩm của Đức chứ không phải Phần Lan. Xúc xích Phần Lan thực sự là … khó nuốt. Tuy nhiên, không phải cái gì cũng nên mua ở đó, đặc biệt là thịt gà.
Được một thời gian tôi mới chịu đi chợ Tàu và chợ Ả rập ở ngay cạnh chợ Tàu (cả hai nơi này đều do người Việt Nam làm chủ). Tất nhiên, ở đây tôi mua được mì, nước mắm, bột nêm và những nguyên liệu cần thiết khác như bánh tráng và hải sản đông lạnh, thế nhưng vẫn thấy thiếu thiếu gì đó. Rau quả Việt Nam cũng có nhưng mà khá đắt. Sau này, khi đã quen với nhịp sống ở đây, tôi mới thường đến và mua nhiều hơn. Trên Helsinki thì có chợ Việt Nam lớn hơn và hầu như người ta có mọi đồ ăn ở đó.
Do điều kiện thời tiết lạnh quanh năm nên hoa quả và thực phẩm ở Phần Lan ít đa dạng, không như những nước Nam Âu như Tây Ban Nha và Ý. Rau củ quả ở đây quanh năm chỉ có khoai tây, salad, cà chua, cải thảo, bắp cải, súp lơ, dưa chuột… Sang mùa hè thì phong phú hơn nhưng về căn bản chỉ có thế.
Mấy chợ Châu Á đều nằm ngay chính trung tâm và Kauppatori nên tôi cũng chạy qua Kauppatori ngó xem họ bán rau quả thế nào. Tôi ngạc nhiên lắm vì mọi thứ ở đây phần lớn đều rẻ hơn ở trong siêu thị và đa dạng hơn nữa, đặc biệt là nho nhập từ khắp nơi (giá thậm chí còn rẻ hơn ở Việt Nam nữa) và dưa chuột nhỏ ruột đặc rất ngon. Vì thế mỗi lần ra Kauppa, tôi thường vác về cả vài kg toàn hoa quả. Vậy là tôi ăn hoa quả bù cho rau.
Ở Phần Lan, nếu bạn là tín đồ của đồ ăn nước ngoài như Ý, Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico… bạn có thể dễ dàng tìm được nguyên liệu để nấu bởi nó bao phủ hầu như toàn bộ giá để gia vị. Thực ra đây cũng là một cơ hội tốt để tìm hiểu và thử nấu các món ăn nước ngoài. Tôi để ý thấy sinh viên người Phần ăn ở nhà rất đơn giản lắm, họ chỉ luộc một gói nui hay pasta lên rồi đun sôi gói nước sốt cà chua với thịt băm hoặc cá hộp, thế là xong cho “một bữa no”. Sinh viên Việt Nam mình thì thường ăn cầu kỳ và dành nhiều thời gian nấu ăn hơn.
Theo thời gian tôi dần dần tìm hiểu được sự khác nhau giữa các loại thực phẩm bày bán ở các chợ. Ở Phần Lan, có nhiều nhãn hiệu thực phẩm lớn với giá tiền cũng khác nhau. Tuy nhiên, kinh nghiệm của tôi đó là không phải cứ thấy đồ rẻ là mua hoặc đồ đắt tiền thì mới là ngon. Ban đầu mình nên thử tất cả để phân biệt và chọn lựa sản phẩm vừa miệng và phù hợp với túi tiền của mình nhất.
Nguồn: Bloger Trang Vivi