SSDH – Bỏ công sức và nhiều tiền của du học thì nên ở lại làm việc hay trở về Việt Nam là sự trăn trở khó nhất đối với bất kì du học sinh nào? Hãy xem chia sẻ dưới đây nhé. Hi vọng các bạn sẽ tìm được câu trả lời.
“Thực ra, với cái bằng hóa sinh, em nghĩ là vẫn có thể kiếm được một việc làm. Nhưng em vẫn muốn ở lại Pháp, và tạo lập một cuộc sống mới, có thể không bằng những kiến thức đã học được ở đây” – N. nói thêm.
Và những câu hỏi tiếp theo nữa, “ở lại thì làm thế nào để được ở lại, và trở về thì làm gì?”. Những người “có nơi có chốn” rồi, hoặc đi học theo dạng được cử đi có lẽ không lo lắng nhiều lắm, nhưng N., mới tốt nghiệp cách đây chưa lâu, thì thực sự trăn trở…
Đối với N., ở lại châu Âu theo kiểu cứ lấy học bổng rồi học để kéo dài thời gian tồn tại, và trong thời gian học tranh thủ “đánh quả” – làm hướng dẫn viên du lịch cho những đoàn Việt Nam sang chẳng hạn – là một cuộc đánh cược, cũng không quá khó với những người tháo vát, nhanh nhẹn.
[Du học xong về nước xin việc bạn có lợi thế hay không có lợi thế]
Nhưng để ở lại lâu hơn, có giấy cư trú thì không thể cứ thế mãi. Cậu đã nghĩ đến việc thuê dài hạn một căn hộ, mở công ty kinh doanh tour và thậm chí thi lấy bằng hướng dẫn viên để không bị mang tiếng làm chui, có nguy cơ bị cảnh sát văn hóa phạt nặng. Tất cả chỉ để có một giấy cư trú dài hạn. Việc ở lại đã trở thành mục tiêu hàng đầu từ sau ngày cậu đặt chân đến đây.
Những người có tài xoay xở như N. không quá nhiều. Những sinh viên “quá trí thức” chỉ có thể ở lại bằng tài năng thực tế của họ trong một cuộc đua tranh không hề đơn giản.
Những quán quân Đường lên đỉnh Olimpia không về nước hoặc làm cho các công ty nước ngoài chỉ là một con số rất nhỏ. Điều phải đối mặt lớn nhất khi ở lại là vượt qua những rào cản về văn hóa, lối sống và bao trắc trở trong cuộc sống bon chen nhiều hơn lúc đi học. Và nữa, sự phản đối của gia đình, một cuộc sống cô đơn hơn, khi xung quanh rất ít hoặc gần như không có bạn bè, người thân…
“Nhưng đấy là điều mà bọn em phải chấp nhận”, Th., một sinh viên cao học khác nói với tôi. “Em không muốn về nước ngay bây giờ, bởi kiểu gì bố mẹ cũng bắt lấy chồng và kiếm việc ở nhà cũng không dễ dàng”. Tôi có quen một nữ sinh cao học như Th. May mắn học xong thì có việc làm, được nhận vào các công ty, cô không về nữa.
Cô đã ở lại châu Âu nhiều năm, trải qua một vài mối tình với người bản địa và nghe đâu sắp lấy chồng, một người tử tế. Cô cũng rất ít giao du với người Việt, bởi một số người đặt điều về cô, rằng cô kiếm một ông Tây chỉ để khỏi phải trở về.
[Du học sinh học xong về nước, tại sao không?]
Tôi chợt nhớ đến truyện Nội quy cho những người bán chả rong của Aziz Nesin, kể về một anh sinh viên người Thổ đã học ở Đức, rồi Mỹ và trở thành một chuyên gia về quang học. Thế rồi, anh phải về nước vì Chính phủ yêu cầu anh trải qua một thời kỳ “phục vụ bắt buộc”. Anh không muốn về, vì tin rằng tri thức mà anh học được không thể áp dụng được tại quê hương. Nhưng gia đình vẫn bắt anh trở về, với lý do “bố ốm nặng”.
Anh về nước, và bắt đầu một hành trình khổ ải của người trí thức bắt đầu ở tòa thị chính, khi phải làm đủ mọi thứ việc linh tinh không đúng chuyên môn ở những phòng ban của một hệ thống quan liêu vô cùng cồng kềnh. Một kỹ sư quang học đã bị điều từ phòng… quản lý nghĩa trang, xí nghiệp dệt cho đến việc cùng một loạt người không đúng chuyên môn khác soạn thảo một bản nội quy cho những người bán chả rong!
Một truyện hài hước, nhưng không phải để cười. Nhưng tôi tin, là nhiều trong số những người sẽ trở về đang sợ phải đối mặt với những điều tương tự, ở đủ mọi dạng thức khác nhau…
Tôi không gặp lại N. nữa kể từ ngày vô tình gặp cậu trên một con phố ở Paris. Nhưng tôi tin là cậu vẫn sống tốt. Mấy người bạn chung kể lại là cậu đã đưa vợ con sang, và rất muốn thuyết phục cha mẹ rằng, cậu ở lại là đúng. Họ không muốn sang ở cùng gia đình nhỏ của cậu sau khi cậu ổn định cuộc sống xong. Họ muốn cậu trở về để phụng dưỡng họ những năm cuối đời.
SSDH (tác giá Trương Anh Ngọc từ Rome, Italy)