Du học xong về nước xin việc bạn có lợi thế hay không có lợi thế

0

SSDH – Được đi du học tại các nước ngoài Việt Nam, học xong trở về nước xin việc bạn có lợi thế hơn các bạn tốt nghiệp đại học trong nước không. Hãy tìm hiểu cùng chúng tôi nhé.

Đây là chia sẻ của tác giả Mai Minh Tuấn, cựu du học sinh Singapore. Hi vọng, bài viết mang lại cho bạn cái nhìn sâu hơn về vấn đề này. Có 1 bài viết không lâu trước đây của Vnexpress về vấn đề du học sinh Việt Nam không tìm được việc sau khi tốt nghiệp. Sau khi đọc bài này, mình quyết định đi nói chuyện với du học sinh ở rất nhiều nước bao gồm Hà Lan, Singapore, Anh và Phần Lan thì vấn đề này là có thật ở một số nhóm ngành nhất định mà thực ra sinh viên Việt Nam lại có lợi thế hơn ví dụ như marketing.

Ngoài ra, mình cũng có nói chuyện với các chủ doanh nghiệp thì biết rằng kinh tế Việt Nam vẫn có khó khăn và việc trả lương cũng còn khá hạn chế. Đây cũng là điều dễ hiểu.

Mọi người hay có suy nghĩ rằng mọi người du học đều có kinh tế giàu có nhưng sự thật là không phải ai cũng vậy. Đại đa số mọi người đi du học đều có khó khăn về tài chính và đều đi làm thêm.

Ở trường mình, các bạn thường hay không về hè mà đi làm bán thời gian ở các tập đoàn tại Singapore để giúp cho bố mẹ chi trả một phần chi phí sống hoặc phải cố gắng rất nhiều để có 1 suất học bổng hay trợ cấp của trường. Trong khi đó đại học ở Việt Nam đang không ngừng phát triển với nhiều trường vào trong bảng xếp hạng quốc tế. Một số nhà tuyển dụng có nói với mình là nếu trường bạn tốt nghiệp ở vị trí 300+ trên bảng QS Ranking thì trường đó sẽ coi dưới hạng trường tốt tại Việt Nam.

Vậy câu hỏi mà nhiều người sẽ đặt ra là du học để làm gì khi vẫn phải bỏ một khối tiền to như vậy?

Mình sẽ phân tích theo 3 hướng khác nhau, có thể phù hợp hoặc không phù hợp với bạn suy nghĩ của bạn nhưng bạn vẫn có thể đọc để tham khảo.

Về mặt kinh tế

Mặc dù học ở nước ngoài về Việt Nam lương chỉ na ná với sinh viên tốt nghiệp ở Việt Nam, nhưng nếu bạn xin việc ở nước sở tại bạn đang học thì lại dễ hơn so với từ học Đại Học ở Việt Nam qua lại. Nó còn liên quan tới vấn đề xin visa khi nước sở tại ưu tiên chính sách visa với người học nước đó thay vì từ Việt Nam.
Và nếu bạn đủ giỏi để xin được việc, thì nếu tính tổng tiền bỏ ra trong lúc tiêu đại học sẽ thấp hơn và sẽ hoàn lại được vốn khá sớm (3-8 năm với du học tại Singapore) so với mức chi tiêu ban đầu. Ngoài ra là do chênh lệch chi phí sống ở nước ngoài với Việt Nam, bạn có thể làm ở nước ngoài vài ba năm, tiết kiệm đủ tiền và quay lại Việt Nam phát triển sự nghiệp. Lúc này thì bạn đã có kinh nghiệm và lương chắc chắn sẽ cao (do kinh nghiệm là làm ở công ty nước ngoài).
Tuy nhiên cái này chỉ đúng nếu năng lực của bạn giỏi lúc xin việc.

Về mặt tư duy/lối sinh hoạt

(Mình sẽ chỉ nói ở Singapore ở khúc này)
Singapore là quốc gia đa văn hóa. Nếu ở lâu, bạn sẽ biết văn hóa của người Trung, Ấn và Mã Lai, thậm trí biết cả một số tiếng địa phương. Ở Singapore, mọi người hay gọi cà phê là kopi O (không sữa) và kopi (có sữa) thay vì coffee và đây được gọi là Singlish. Tư duy đa văn hóa giúp mình thấu hiểu tốt hơn về suy nghĩ của người khác và từ đó lúc về Việt Nam, dù chưa quen làm việc lúc đầu nhưng học hỏi về văn hóa sẽ rất nhanh. Cách làm của người Singapore thì chuộng hiệu quả, nên cái gì làm cũng nhanh và thường phải có dẫn chứng cụ thể chứ không dùng cảm xúc để đo đạc. Tuy việc này sẽ dẫn đến cạnh tranh khá khốc liệt khi làm việc nhưng đồng nghĩa với việc bạn đã quen với việc phải làm nhiều thứ cùng một lúc và sẽ chịu đựng được áp lực tốt hơn khi làm ở nơi khác.

Bạn cũng có thể so sánh và biết được hệ thống giáo dục, văn hóa, công nghệ ở mỗi nước châu Á như thế nào vì Singapore là nơi du học của nhiều sinh viên châu Á, có 1 số ít đến từ châu Âu.

Về mặt bản thân

Du học là lúc mình tự biết mình là ai vì khi đi ra nước ngoài không ai có thể giúp mình được. Đó là sự trưởng thành của bản thân và thường tự thân vận động sẽ giúp mình nhiều hơn. Giả sử ở Việt Nam thì mình luôn có bố mẹ lo việc này việc kia nhưng lúc đi du học, kể cả việc nhỏ nhất như ăn gì ngày mai thì mình cũng phải lo.
Mình sẽ có trách nhiệm với bản thân hơn và sẽ có góc nhìn khác. Mình để ý rằng các bạn học sinh tại Singapore khi đi du học từ cấp 2 và không có bố mẹ đi kèm thường sẽ dẫn chững chặc khi lúc vào đại học và biết rằng mình đang làm gì. Đây là điều tốt vì khi ra xã hội thì thân ai nấy lo và nếu mình không giỏi, không tốt thì mình sẽ khó trụ được trong xã hội.

SSDH (tác giả Mai Minh Tuấn – Scholarship Hunters)

Share.

Leave A Reply