Kinh nghiệm tìm việc làm thêm khi du học Đức

0

SSDH – Có lẽ với những bạn du học sinh ở Đức lâu năm thì việc này hết sức đơn giản vì họ đã có sẵn các mối liên hệ trước đó với chỗ làm cũ hoặc qua bạn bè, cộng thêm kinh nghiệm làm việc.

Nhưng với những bạn du học sinh mới sang thì công cuộc tìm việc hết sức gian nan, nhất là khi không có kinh nghiệm làm việc lao động phổ thông hoặc tiếng Đức chưa tốt, hoặc có vấn đề sức khỏe. Khó khăn là vậy nhưng chúng ta vẫn có cách giải quyết vấn đề.

du-hoc-duc

Kinh nghiệm tìm việc làm thêm khi du học Đức – Ảnh minh họa

1. Tìm việc làm cho người Đức

Việc đầu tiên là nên hỏi thăm bạn bè xem có ai đã đi làm chưa, có chỗ nào còn nhận người làm việc không, hoặc nếu có người thân ở Đức thì đây là nguồn thông tin vô cùng quan trọng vì họ đã có sẵn những mối quan hệ bạn bè ở Đức.

Sau khi tham khảo các nguồn tin trên mà vẫn chưa có kết quả, bạn nên tìm việc trên các trang web của các hệ thống cửa hàng ăn nhanh như của Mc Donald, Burger King, Subwa, KFC vì phần lớn các cửa hàng này đều sẵn sàng nhận hồ sơ của các bạn nếu họ còn thiếu vị trí làm việc. Nếu không có phản hồi tích cực, các bạn nên tìm tại các trang web của các công ty thứ 3 như: Bundesagentur für Arbeit, hoặc Jobmensa.de … Ở đó bạn phải chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ bao gồm: Lebenslauf, Anschreiben.

Để làm Lebenslauf một cách chuyên nghiệp, các bạn nên vào trang: https://lebenslauf.com/ và làm Anschreiben nên vào trang: https://anschreiben.com/. Đây là hai trang web thuộc quản lý của Xing.com, là một mạng xã hội giống như Linkedin.com. (Các bạn học kinh tế có thể quan tâm nhiều đến những mạng xã hội như vậy).

Sau khi hoàn tất một bộ hồ sơ, các bạn gửi email đến các công ty đang cần tìm người làm việc mà đã tìm tại các website như trên. Chờ phản hồi của họ (đa số là bằng điện thoại) xem họ muốn đặt lịch phỏng vấn với mình vào ngày nào. Chờ đến ngày phỏng vấn được thì họ sẽ kí hợp đồng với mình.

Từ kinh nghiệm của mình cho thấy, các công việc có thể nhận được đa số là những việc ngắn hạn làm tại các chương trình hội chợ (Internationale Messe) tại các thành phố lớn chỉ làm từ một đến hai buổi (2-3 tiếng/buổi), hoặc những công việc như giặt đồ, nếu có sức khỏe thì sẽ làm ở các kho hàng, đóng gói và vận chuyển hàng hóa.

Rất tiếc mình không phù hợp với những công việc ngắn hạn như vậy vì mình có gần 6 tháng chờ kì nhập học mùa đông nên mình phải chọn cách khác.

2. Tìm việc làm cho người Việt

Làm cho người Việt thì có mặt lợi mà cũng có mặt hại. Cái được là vì họ sẵn sàng cho mình làm nhiều giờ để trả lương theo tháng, nhưng mặt hại là khi bạn làm trong môi trường nói tiếng Việt bạn sẽ hạn chế lại khả năng sử dụng tiếng Đức. Người Việt trả lương rất rất thấp so với mặt bằng lương cơ bản của người Đức (cái này là chuyện hiển nhiên từ bao nhiêu đời nay rồi, ai làm cũng phải chấp nhận như vậy). Và thời gian làm việc sẽ rất dài (thường là nhiều hơn 8 tiếng/ngày).

Để tìm được việc tại các quán ăn người Việt, các bạn có thể tìm đến tận quán hỏi thăm xem họ còn thiếu người làm việc không. Đa số là liên hệ trực tiếp như vậy.

Mình mới đi làm được gần một tháng nhưng trước đó cũng phải tự mò mẫm để hoàn thiện các loại giấy tờ, mất nhiều tiền chạy đi chạy lại phỏng vấn. Nhưng rồi kết quả cũng không như mong đợi, mọi hy vọng bỗng chốc biến mất và có chút tuyệt vọng. Vì là lần đầu tiên trong đời làm việc lao động phổ thông nên mình chưa hình dung ra khi làm việc sẽ như thế nào. Chuyện kể thì dài dòng nhưng tóm lại, trước khi nhận lời làm việc bạn nên làm rõ tất cả những mong muốn của bản thân và thỏa thuận đúng như theo hai bên cam kết nếu không người chịu thiệt thòi sẽ là bạn chứ không phải bên thuê lao động. Người lớn thường hay vịn vào lý do rằng bạn không có kinh nghiệm, hoặc chưa lao động nên vụng về, cho nên đừng tin vào những lời áp vía đó. Các bạn nên đàm phán xin làm thử một vài ngày trước, nếu hợp thì làm không thì tìm chỗ khác, đừng nên vội vàng gật đầu đồng ý nếu không hậu quả lâu dài sẽ không lường trước được. Với những bạn du học sinh, mình tin chắc các bạn có đủ động lực, sự thông minh và sự khéo léo để học hỏi những công việc như vậy, và có thể làm thuần thục trong tương lai. Mình muốn chia sẻ như vậy để giúp các bạn đi sau có những bước đi vững chắc, và ít gặp khó khăn để không nản lòng trong con đường học tập dài ở phía trước.

Hãy nghĩ rằng, đi làm là cơ hội chứ đừng coi là thách thức bởi vì đi làm tức là bạn đã bắt đầu biết nâng cao giá trị lao động, biết giá trị của đồng tiền, biết quý trọng bản thân và đặc biệt là trân trọng công sức lao động của bố mẹ. Không chỉ vậy mà khi đi làm, các bạn sẽ biết nhiều việc mới, mở rộng kinh nghiệm sống rồi dần trưởng thành hơn. Ai rồi cũng đến lúc phải lao động cho nên đừng sợ sệt. Kiến thức không chỉ nằm trong trường học mà nằm ở ngoài trường đời, cho nên đừng xem nhẹ những công việc hiện tại. Chúc các bạn thành công trong cuộc sống du học ở Đức!

Đông Đức (SSDH) – Theo Hotrosv.de

Share.

Leave A Reply