SSDH – Tối 25/6, Công ty CP Yola đã tổ chức chương trình YOLA SEND-OFF SAILING AWAY. Đây là chương trình được ví như chiếc tàu ra khơi, chở theo những học sinh đã có kết quả tuyển sinh, đạt được học bổng của các trường ĐH nước ngoài.
Hãy cùng nghe những bí kíp của các bạn đạt được học bổng khủng trong đợt này nhé.
Bài luận từ trại giam Chí Hòa
Ngoài điểm số thì bài luận là một yếu tố cực kỳ quan trọng và mang tính chất quyết định việc bạn có được nhận học bổng của trường hay không và nhận được bao nhiêu phần trăm. Nhưng viết bài luận luôn là việc không hề đơn giản. Vậy các chủ nhân học bổng du học đã viết thế nào?
Bùi Hồng Minh Thư, cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn vừa đạt được học bổng của trường Trinity College (Mỹ) có xuất thân rất đặc biệt. Thư lớn lên trong khu dành cho cán bộ ở trại tạm giam Chí Hòa. Đây là nơi giam giữ phạm nhân, họ bị tước quyền công dân và phải lao động công ích, trước khi đưa ra xét xử.
Thư kể: “Hồi nhỏ, mình rất sợ mỗi khi nhà giam áp giải thêm một phạm nhân mới vào và mỗi sáng đều mình đều nhìn thấy họ kêu gào công bằng trong tuyệt vọng. Nhận thấy điều đó, trong những lần đi thăm nhà tù, ba đều dẫn mình theo và dạy mình một điều: “Không phải ai vào tù cũng là người xấu!”.
Có một lần, ba đưa cho mình một bài báo viết về một phạm nhân bị tội oan và phải ở tù 10 năm. Lúc bác đó được trả lại danh dự và tự do, ba và mình cũng có mặt ở đó, bác ấy khá rụt rè và ánh mắt thật sự rất xúc động, mình đã nhận ra tự do đối với mỗi con người là một trong những tài sản đáng quý nhất và không ai có quyền cướp mất đi tài sản ấy của họ một cách không thỏa đáng. Vì vậy, mình muốn là một người giúp bênh vực những người yếu thế bị chịu tội oan và bảo vệ công lý cho tất cả mọi người!”.
Hoàn cảnh đặc biệt này giúp cho Thư có một bài luận xuất sắc để giành được học bổng. Dù trước đó, Thư tự nhận không biết nên viết về chủ đề gì khi bản thân cũng không thấy được mình có điểm gì đặc biệt so với các bạn khác, học hành thì làng nhàng, hoạt động ngoại khóa cũng không có gì quá nổi bật. May mắn là Thư được chính anh Phạm Anh Khoa, Giám đốc Yola tư vấn nên viết về nơi mình sinh ra, lớn lên mà anh cho rằng đó là điều hết sức đặc biệt và sẽ giúp Thư xin được học bổng.
Phạm Minh Đức, chủ nhân học bổng trường Hamilton University (Mỹ), cũng có “bí kíp” rất đặc biệt. Đầu năm 12, trường Phổ thông năng khiếu cuả Đức lần đầu tiên quyết định lập đội tuyển thi quốc gia môn Địa lý. Tuy gần sát ngày nhưng hầu như không ai tham gia và Đức quyết định đăng ký tham gia. Quyết định này đã mở cánh cửa diệu kỳ cho bạn. Vì khi vào đội tuyển, Đức bắt đầu thích môn Địa lý, thích mọi thứ xung quanh và muốn hiểu tường tận nhiều thứ mà đôi khi mọi người không để ý. Bạn yêu thích việc hiểu mọi thứ trên thế giới này. Điều đó giúp Đức viết một bài luận xuất sắc về việc tại sao mình chọn tham gia đội tuyển Địa mà trước đó không ai tham gia. Cũng điều đó giúp Đức thích đọc sách du ký, và trong đó, cuốn sách “Một mình ở châu Âu” (Phan Việt) là cảm hứng bất tận cho bạn viết các bài luận phụ của mình.
Chọn trường vì đam mê
Anh Bùi Quang Minh (Minh Beta), Chủ tịch HĐQT Công ty CP Beta, cựu học viên ĐH Harvard, kể rằng khi mình học cử nhân ở Úc về, đã từng mở một chuỗi cửa hàng ăn uống và khá thành công. Nhưng đến một ngày, anh bỗng tự hỏi: “Mục đích sống của mình là gì?”. Anh thấy rằng dù mình kiếm được nhiều tiền nhưng chưa tìm ra mục đích sống. Và anh bỏ hết tất cả để đi Mỹ học. Anh trở về, mở công ty phục vụ chiếu phim mà đối tượng hướng đến là những nơi mà người bình dân ít được xem phim rạp.
“Các bạn hãy tự hỏi đi du học để làm gì? Ngoài việc lấy kiến thức, có công việc, thu nhập thì điều quan trọng nhất là tìm cho mình một mục đích sống. Mục đích sống của tôi là muốn góp phần phục vụ cho xã hội và tôi quyết định đi học để làm điều này” – anh Minh nói.
Chị Ngô Thùy Ngọc Tú, đồng sáng lập Yola, chia sẻ: “Các trường học thường dùng sai những thước đo để đánh giá. Chính chúng tôi ở Yola đôi khi cũng vấp phải điều đó khi đồng hành trong quá trình nộp hồ sơ của bạn. Khi bạn vào đại học, không ai quan tâm điểm SAT bạn bao nhiêu. Khi bạn đi làm sau học đại học, không ai quan tâm đến điểm trung bình GPA trong học bạ. Vì vậy, thay vì tập trung vào cách chúng tôi đánh giá bạn, hãy tập trung lắng nghe bản thân mình.
Mình có đang học được những điều mới hay không? Mình có một nhóm bạn bè đa dạng hay không? Mình sẵn sàng trải nghiệm mới ngoài khu vực thoải mái trước giờ không? Và quan trọng nhất, minh có đang tự chăm sóc mình tốt hay không, có đang để những người quan tâm đến mình yêu thương mình không? Mình theo đuổi mọi thứ vì áp đám đông và sự hào nhoáng, hay là vì một niềm đam mê thực thụ mãnh liệt đằng sau nó?”.
Chị Tú cho biết đó là điều mà Yola luôn khuyên các bạn học viên. Thậm chí, có bạn đợt này còn xin học bổng từ một trường ở Nhật Bản, vượt qua định hướng của bố mẹ và ngăn cản của nhiều người. Chỉ vì bạn đam mê rất nhiều thứ ở nước này.
Thái Hải (SSDH) – Theo Khám Phá