Các trường nghề Úc phản đối quy định mới về visa sinh viên

0

SSDH – Các trường nghề cho rằng quy định mới của chính phủ Australia trong việc nới lỏng quy trình xét duyệt và cấp visa cho sinh viên quốc tế là thiếu công bằng bởi nó chỉ chủ yếu tập trung vào các trường đại học mà bỏ qua khối cao đẳng và dạy nghề.

 

 tt-22-10-112

Các sinh viên đại học sẽ được hưởng lợi từ chính sách visa mới của chính phủ Australia. (ABC)

 

Nền giáo dục Australia là lựa chọn phổ biến của nhiều sinh viên quốc tế bởi đây là một đất nước thanh bình và bằng cấp được công nhận ở nhiều nơi trên thế giới.

 

Tuy nhiên, trong khoảng hai năm qua, lượng sinh viên đăng kí các khóa học ở Australia đã giảm xuống và theo dự đoán, nó sẽ còn tiếp tục giảm thêm 20% trong năm 2012.

 

Một trong những nguyên nhân của sự sụt giảm là do tác động tiêu cực của một số cuộc tấn công nhằm vào sinh viên Ấn Độ trong thời gian qua. Bên cạnh đó, việc đồng đô-la Australia tăng giá và chính sách visa thắt chặt cũng là những nguyên nhân chính.

 

Hơn nữa, việc chính phủ thay đổi luật về về Thường trú Australia – PR (Permanent Residency) dành cho những di dân có tay nghề kể từ năm 2010 được coi là một động thái ‘thêm dầu vào lửa’ bởi các sinh viên quốc tế sẽ còn rất ít cơ hội nhập cư vào đất nước này sau khi tốt nghiệp khóa học.

 

Lượng sinh viên quốc tế giảm mạnh khiến các cơ sở giáo dục phụ thuộc vào nguồn tiền học phí của sinh viên quốc tế cảm thấy lo lắng.

 

Để bảo vệ ngành công nghiệp giáo dục Australia vốn có doanh thu lớn thứ ba, vào cuối tháng 9/2011, chính phủ nước này đã công bố việc nới lỏng quy trình xét duyệt visa cũng như chứng minh tài chính cho các sinh viên quốc tế tiềm năng.

 

Ngoài ra, các sinh viên quốc tế tốt nghiệp đại học, sau đại học sẽ được phép ở lại Australia làm việc từ 2-4 năm sau khi hoàn thành khóa học.

 

Theo ông Simon Marginson từ Đại học Melbourne, trước đây, quy trình xin visa Australia khá phức tạp và kéo dài từ 3 – 4 tháng, thậm chí lâu hơn nếu đương đơn xin cấp visa từ Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, việc cấp visa cho người nước ngoài sang Australia được thực hiện khá nhanh chóng theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Đại học hưởng lợi, trường nghề thiệt thòi

 

Thượng nghị sĩ Evans, Bộ trưởng Giáo dục Australia, cho rằng chính sách mới sẽ tạo điều kiện cho các trường đại học Australia có thể cạnh tranh với các nước khác.

 

Theo ông Simon từ Đại học Melbourne, visa cấp cho người nước ngoài tới Australia hiện được xử lý khá nhanh chóng theo tiêu chuẩn quốc tế. Trước đây vài tháng, quy trình này phức tạp và kéo dài đến 3 – 4 tháng, thậm chí lâu hơn nếu đương đơn xin cấp visa từ Ấn Độ, Trung Quốc hoặc Việt Nam. Quy trình đã thay đổi và những yêu cầu giờ đây hợp lý hơn.

 

Tuy nhiên, một số cơ sở giáo dục tại Australia cho rằng quy định mới là thiếu công bằng và có thể ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích của các trường cao đẳng và đào tạo nghề (VET).

 

Ông Stephen Nagle, Giám đốc Học viện Holmes (thành phố Melbourne), một trường VET lớn với 5 cơ sở tại Australia, cho biết chính sách mới của chính phủ chỉ tập trung vào các trường đại học mà bỏ qua khối VET mặc dù khối này được chính phủ công nhận cũng như đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục Australia.

 

Vì vậy, sinh viên quốc tế chọn học VET sẽ chuyển hướng sang các nước khác, nơi họ được phép ở lại làm việc sau khi tốt nghiệp.

 

Ông Stephen Nagle đã viết một bức thư gửi tới chính phủ Australia để bày tỏ ý kiến cho rằng luật visa mới đã gây ra những bất lợi đối với các trường VET chính thức được công nhận, trong đó có Học viên Holmes.

 

Trong thư, ông Nagle viết: “Nếu trường chúng tôi đã vượt qua các đợt sát hạch tiêu chuẩn, các cuộc kiểm tra gắt gao và được công nhận thì tại sao sinh viên của chúng tôi không nằm được hưởng chính sách visa mới sau tốt nghiệp? Tại sao chúng tôi lại bị loại ra ngoài cuộc chơi trong khi chúng tôi cũng cung cấp các khóa học tương đương với bậc đại học?”

 

Chính quyền bang Victoria cũng lo ngại chính sách visa mới sẽ ảnh hưởng tới khối trường VET và khối này mong muốn chính phủ liên bang cải tổ chính sách, giảm những yêu cầu đối với 36% sinh viên quốc tế muốn theo học chương trình đào tạo nghề.

 

Ông Marginson cũng cho biết những sinh viên xin học đại học được xử lý hồ sơ nhanh chóng, còn những người nộp hồ sơ vào các trường VET sẽ phải chờ lâu hơn. Điều này là thiếu công bằng và có thể làm giảm sức cạnh tranh của các trường VET của Australia so với các nước khác.

 

Lí do của chính phủ

 

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, sở dĩ chính phủ Australia chỉ muốn áp dụng luật visa mới với 39 trường đại học thay vì hàng trăm trường dạy nghề là nhằm giúp việc quản lí trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn.

 

Hơn nữa, chính phủ cho rằng các trường đại học ‘đáng tin cậy’ hơn và muốn tránh lặp lại sai lầm trước đây, khi các trường VET tại Australia được thành lập ồ ạt, tận dụng chính sách nhập cư mở cửa của chính phủ để thu hút sinh viên quốc tế nhằm mục tiêu lợi nhuận trong khi chất lượng đào tạo lại đi xuống.

 

Theo ông Simon Marginson, trong thời gian qua danh tiếng của ngành giáo dục Australia đã bị ảnh hưởng chủ yếu bởi các trường VET vốn thường sử dụng PR như một ‘mồi nhử’ để giúp sinh viên quốc tế ‘nhập cư cửa sau’ mà bỏ qua chất lượng giáo dục.

 

Ông Nagle cũng cho rằng các trường VET thiếu minh bạch đã làm tổn hại tới danh tiếng của khối trường tư thục. Kể từ sau năm 2000, các trường VET ‘mọc như nấm’ do sự thiếu chặt chẽ trong quy định của chính phủ. Theo đó, rất nhiều doanh nhân đã lấn sân sang lĩnh vực giáo dục, làm phương hại tới lợi ích của những cơ sở giáo dục uy tín.

 

Tuy nhiên, nếu chính phủ không phân cấp các trường cao đẳng kỹ thuật thì điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh tiếng của cả các trường tư và công tại Australia.

 

 Theo bayvut

Share.

Leave A Reply