Sẵn sàng du học – Trước những thay đổi liên quan đến chính sách nhập cảnh vào Mỹ, nhiều học sinh VN có ý định đi du học Mỹ đang hết sức dè dặt nộp hồ sơ.
Chuyển hồ sơ đăng ký qua nước khác
Tiến sĩ Trần Duy Nam, giảng viên nghiệp vụ tư vấn du học Trường Cán bộ quản lý giáo dục TP.HCM, cho biết ông có cố vấn cho một số công ty du học và thấy việc hoang mang của phụ huynh, học sinh (HS) là có thật. Số lượng hồ sơ du học Mỹ tuy chưa giảm nhiều nhưng đã có nhiều phụ huynh chuyển đổi hồ sơ cho con đăng ký học ở nước khác.
Hồ sơ chuyển đổi nhiều nhất là từ Mỹ qua Canada vì Canada đang áp dụng chương trình CES, HS không cần chứng minh tài chính tại VN khi đăng ký học ở các trường thành viên của Hiệp hội Các trường CĐ và học viện Canada. Yêu cầu IELTS 5.0 của chương trình này cũng là ưu thế để HS lựa chọn.
Bà Huỳnh Thị Tuyết, Phó giám đốc Công ty du học Quốc Anh, cũng cho biết số lượng hồ sơ du học Mỹ chưa giảm nhiều. Tuy nhiên, thái độ của phụ huynh đang khá dè dặt. Nhiều người đã đăng ký nhưng giữ hồ sơ lại, chưa quyết định. Một số khác quyết định cho con chuyển sang học tại Canada và Úc. Theo bà Tuyết, đây là tâm lý bình thường của phụ huynh. Thông tin liên quan đến chính sách nhập cảnh có ảnh hưởng đến du học tại Mỹ sẽ khiến phụ huynh cân nhắc trước khi có quyết định cuối cùng.
Theo đại diện Tập đoàn du học Mỹ, nhiều phụ huynh lưỡng lự trước việc đăng ký cho con du học tại Mỹ. Tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào không giảm nhiều. Những người cân nhắc chọn cho con học nước khác là cùng một lúc tìm hiểu nhiều thị trường du học khác nhau. Còn những HS có bà con, họ hàng… tại Mỹ đa phần đều xác định qua nước này học dù chính sách thay đổi như thế nào.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nam cũng cho biết thời gian qua có vẻ thị thực du học Mỹ cấp khó khăn hơn. Số lượng HS rớt thị thực tại Công ty du học Vĩ Nam (nơi ông làm cố vấn) nhiều hơn trước kia. Trong khi đó, thị thực du lịch thì khả quan hơn.
Chính sách du học chưa thay đổi
Theo Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM, hiện chưa có bất kỳ thay đổi nào trong quá trình cấp thị thực du học cho người VN đến Mỹ. Việc nhập cảnh hoặc quay lại Mỹ của công dân VN cũng sẽ không bị ảnh hưởng. Hiện có hơn 20.000 du HS VN tại Mỹ và con số này sẽ còn được tăng lên.
Tuy nhiên, theo một thông báo mới đây từ đơn vị này, nếu những người có thị thực du học (hoặc du lịch) đã hết hạn hơn 12 tháng thì không được gia hạn mà phải xin cấp thị thực mới và phỏng vấn lại. Trước đây, theo quy định cũ, đối tượng này còn hạn hoặc hết hạn thị thực không quá 48 tháng có thể được gia hạn qua đường bưu điện, mà hầu hết trường hợp đều được miễn phỏng vấn.
Đối với du HS đang học tại Mỹ, theo ông Trần Thắng, Chủ tịch Viện Văn hóa – Giáo dục VN (IVCE), số lượng thị thực du học F1 (học toàn thời gian hoặc dài hạn) hay J1 (các chương trình trao đổi, giao lưu, tư vấn, đào tạo, nghiên cứu, giảng dạy, hoặc được làm việc với hình thức Au Pair và được phê chuẩn hoặc làm việc tạm thời) cho HS và sinh viên quốc tế sẽ không có gì thay đổi.
Các vấn đề khác như học bổng, xét duyệt đơn nhập học, làm việc thực tập, làm việc nghiên cứu… là do trường điều hành và chính phủ Mỹ không can thiệp. Vì thế, việc học của HS và sinh viên trong thời gian tại trường sẽ không bị ảnh hưởng dưới chính sách của chính phủ mới. Cũng theo ông Thắng, nếu HS và sinh viên ở lại Mỹ học thì không cần gia hạn visa F1, không bắt buộc hè phải về VN gia hạn visa. Nếu người học ra khỏi nước Mỹ thì khi vào Mỹ phải có visa mới. Khi có kết quả học tập kém, khi gia hạn visa có thể bị từ chối, trường hợp này nên ở lại Mỹ đợi có kết quả học tốt.
Ngoài ra, du HS đang ở Mỹ có I20 (mẫu đơn chính thức của chính phủ Mỹ do các trường đã được chứng nhận cấp) bị hủy, hoặc sinh viên tốt nghiệp ÐH không có OPT (chương trình thực tập không bắt buộc), hoặc có OPT mà không có việc làm, là những diện có thể bị trục xuất về nước trong năm 2017 – 2018.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Thanh Niên