SSDH – Ngoài những thế mạnh về khoa học xã hội, kiến trúc, nghệ thuật, y học…, các trường của Pháp đang vươn lên mạnh mẽ ở nhóm ngành kinh tế.
Tại bảng xếp hạng công bố mới đây của báo Financial Times về các trường quản trị kinh doanh tại châu Âu, Trường Thương mại cao cấp (HEC) của Pháp lần thứ 6 liên tiếp giữ vị trí quán quân. Một trường khác đến từ xứ hình lục giác, Viện Quản trị kinh doanh châu Âu (INSEAD) đã vượt qua đại diện danh tiếng của Anh là London Business School để xếp thứ 2. Tổng cộng Pháp chiếm đến 18/75 trường có mặt trong bảng xếp hạng, trong đó có 3 trường nằm ở top 10.
Bảng xếp hạng của Financial Times rất có uy tín và được xem là giá trị tham khảo có trọng lượng đối với các nhà tuyển dụng của các công ty hàng đầu thế giới. Những trường đầu bảng sẽ thu hút được nhiều sinh viên ưu tú và mời được các giáo sư danh tiếng. Ngược lại, sinh viên tốt nghiệp từ những trường này phần lớn đều được các hãng lớn trải thảm đỏ mời về. Financial Times tính điểm dựa trên các hạng mục đào tạo: MBA; Executive MBA (EMBA, chủ yếu học bán thời gian, dành cho những nhà lãnh đạo có ít nhất 10 năm kinh nghiệm); thạc sĩ về kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính, thương mại…; Executive Education (đào tạo ngắn hạn đặc biệt dành cho giới quản lý của các công ty).
Sinh viên tốt nghiệp Trường Thương mại cao cấp (HEC) của Pháp luôn được các hãng lớn săn đón – Ảnh: Le Figaro |
HEC giành vị trí dẫn đầu nhờ xếp cao nhất ở chương trình EMBA và có thứ hạng rất cao ở những phần còn lại. Theo tờ Le Nouvel Economiste, các lãnh đạo tốt nghiệp EMBA tại HEC trong vòng 3 năm được tăng lương khoảng 71%, đạt trung bình 314.470 USD/năm. Về mặt chất lượng, chương trình này là sự phối hợp đào tạo giữa HEC với 2 trường về kinh tế hàng đầu thế giới là Business School thuộc Đại học New York (Mỹ) và London School of Economics (Anh). Chương trình học sẽ được trải đều ở cả 3 trường để học viên có thể thu thập được kinh nghiệm thực tế từ nền kinh tế của 3 nước, phục vụ cho mục tiêu toàn cầu hóa của công ty.
Không chỉ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các trường về tài chính, thương mại của Pháp còn có lợi thế là thuộc hệ đào tạo “trường lớn” (grandes écoles) với kỳ thi tuyển gắt gao. Để được dự thi, thí sinh, vốn là những học sinh ưu tú từ thời phổ thông, phải học lớp dự bị trong 2 năm, với một chương trình có chất lượng rất cao cả về kiến thức tổng quát lẫn kiến thức chuyên ngành. Nhờ vậy, khi thi đậu vào trường, sinh viên đã có nền tảng căn bản vững chắc, đáp ứng được đòi hỏi cao của môi trường học tập và làm việc sau này.
Dù vẫn giữ được thế mạnh về lý thuyết như truyền thống của Pháp nhưng những “trường lớn” về thương mại, quản trị kinh doanh có mối quan hệ rất chặt chẽ với các công ty. Nhờ đó, sinh viên sẽ có cơ hội trau dồi kinh nghiệm thực tế thường xuyên. Không chỉ thế, không ít lãnh đạo những hãng lớn của Pháp xuất thân từ HEC, INSEAD… nên hiểu rất rõ giá trị chương trình đào tạo của những trường này và thường ưu tiên tuyển dụng “thế hệ đàn em”.
Theo Giáo Dục