Sẵn sàng du học – Không ai muốn lo lắng về tiền bạc khi đang đi du học hoặc thực tập ở châu Âu. Hi vọng với những thông tin dưới đây, bạn sẽ không phải bận tâm chuyện này nữa.
Khi tôi đi du học, tôi chưa hề nghĩ mình phải mở một tài khoản ngân hàng, bởi chẳng có thông tin nào về điều này trong cuốn sổ hướng dẫn du học của trường. Tất cả chúng tôi, hàng tuần đều phải chạy ra cây ATM đặt bên ngoài khu tôi ở và rút số tiền mình cần vào lúc đó. Điều này đồng nghĩa với việc chúng tôi phải cất tiền mặt ở trong nhà, và phải trả phí rút tiền đều đặn mỗi lần đến cây ATM. Cách này cũng được, nhưng chắc chắn chả hiệu quả mấy.
Lúc tôi đang nghiên cứu để viết bài này, tôi thấy khá kì lạ khi các thông tin cho người ngoại quốc mở tài khoản ngân hàng tại Mỹ phong phú và dễ tìm hơn nhiều so với thông tin cho người Mỹ muốn mở một tài khoản quốc tế. Có vẻ như nhiều người cho rằng cuộc sống xa nhà chính là việc bạn mang tiền mặt theo người, và trả phí rút tiền mỗi lần bạn muốn rút từ các cây ATM. Với những thông tin dưới đây, chúng tôi sẽ giúp bạn thay đổi suy nghĩ đó, và cho bạn biết cách mở tài khoản ngân hàng khi đi học hoặc đi thực tập ở nước ngoài.
Nếu bạn đang thực tập ở nước ngoài, có khi bạn còn phải cần tài khoản ngân hàng hơn ai hết, để nhận phụ cấp (hoặc lương, nếu bạn may mắn được trả lương) và trả tiền thuê nhà. Vậy nên, nếu cảm thấy cần thiết phải mở tài khoản ngân hàng khi đang thực tập ở châu Âu, bạn hãy tiếp tục đọc nhé.
Tôi cần mang theo những giấy tờ gì?
Các giấy tờ cần thiết sẽ được quy định tùy thuộc vào quốc gia bạn đang theo học. Ví dụ, ở Anh, ngân hàng thường không đòi hỏi giấy tờ gì đặc biệt, nhưng ở Ý, ngoài những giấy tờ cần thiết như yêu cầu của các ngân hàng ở Anh, bạn còn phải có mã số thuế.
Sau đây là 4 loại giấy tờ phổ biến bạn cần chuẩn bị:
- Hộ chiếu.
- Visa đi học/đi làm còn thời hạn.
- Giấy xác nhận sinh viên của trường.
- Hợp đồng thuê nhà (hoặc những giấy tờ chứng minh bạn có địa chỉ tạm trú ở nước sở tại), hoặc nếu chưa thuê được nhà, bạn cần chứng minh khoảng thời gian bạn sẽ lưu trú tại nước đó (có thể là thư mời nhập học của trường).
Sau đây là thông tin ở một vài nước để bạn có thể dễ dàng hình dung hơn:
Chọn ngân hàng
Tốt nhất bạn nên hỏi giáo sư và nhân viên phụ trách ở trường, hoặc đồng nghiệp của bạn ở cơ quan, để biết xem họ mở tài khoản ở ngân hàng nào. Vì là người địa phương, họ sẽ biết thêm một số thông tin khác, và thậm chí có thể đưa địa chỉ một ngân hàng cụ thể để bạn liên lạc. Bạn cần đọc kĩ những điều sau:
Đọc thật kĩ các giấy tờ hướng dẫn
Khi lựa chọn ngân hàng và mở tài khoản, bạn có thể phải đọc những giấy tờ chẳng thú vị gì. Và nếu bạn không giỏi với những con số, não bạn có thể sẽ nổ tung vì những thuật ngữ như tỉ lệ bội chi, lãi suất, phí quản lý tài khoản, nhưng hãy bình tĩnh. Những thông tin này đều rất quan trọng. Có nhiều loại tài khoản chẳng tốn đồng phí nào, rất hấp dẫn đúng không, nhưng cũng giống như thẻ tàu hỏa miễn phí, dù nghe rất tuyệt vời nhưng lại không dành cho bạn.
Ghi hẳn ra kế hoạch tài chính cho cả khoảng thời gian bạn ra nước ngoài, và phải xác định rõ bạn sẽ dùng tiền vào những mục đích gì. Bạn không giỏi quản lý chi tiêu và cần thêm một khoảng dự phòng kha khá? Hay bạn là người tính toán giỏi, cái thẻ tàu hỏa miễn phí kia chỉ thêm vào cho vui thôi, hay nó làm bạn phân tâm, chi thêm vào những khoản không cần thiết?
Tìm ngân hàng gần nhà
Địa điểm của ngân hàng là quan trọng nhất. Cho dù ngân hàng này cho ra một gói tài khoản ưu đãi cho sinh viên, nhưng mà các phòng giao dịch ở tận bên kia thành phố, mất đến 45 phút đi bộ thì chắc bạn cũng chẳng hào hứng nổi khi ngoài trời mưa nắng thất thường, còn bạn thì thở hổn hển đi vào phòng giao dịch để gửi tiền.
Ngoài ra, cũng chẳng có chuyện chuyển tiền vào tài khoản qua các cây ATM ở bãi đỗ xe đâu. Hầu hết giao dịch ở các ngân hàng châu Âu vẫn thực hiện tại ngân hàng, vậy nên, khi đang tìm cách mở tài khoản sinh viên, bạn nên chọn ngân hàng nào có dịch vụ tốt và ở gần nhà, như vậy sẽ tiện cho bạn hơn, và cũng đỡ vất vả hơn, nhất là khi có gì không may.
Rào cản ngôn ngữ
Ngôn ngữ cũng là một vấn đề khi bạn ra nước ngoài sống. Hầu hết ngân hàng ở các thành phố lớn trong châu Âu đều có ít nhất một nhân viên biết tiếng Anh đủ tốt để giúp bạn mở tài khoản thành công. Tuy khác biệt ngôn ngữ có thể làm mọi thứ khó khăn hơn, nhưng hãy xem nó như một sự trải nghiệm. Bạn nên học những từ ngữ cơ bản, thường dùng trong ngân hàng để thuận tiện khi giao dịch, và phải chắc chắn tìm được một nhân viên có thể nói tiếng Anh trước khi bạn tiến hành các thủ tục mở tài khoản, nếu không, bạn có thể nhờ đến thông dịch viên.
Quy trình mở tài khoản
Sau khi bạn đã chọn được ngân hàng, hãy đến đó và nói rằng bạn muốn mở tài khoản sinh viên. Sau khi nghiên cứu các thông tin trên mạng, có thể bạn đã chọn được một loại tài khoản cho mình rồi. Tuy nhiên, nếu bạn chưa biết gì cả, bạn vẫn có thể hỏi và xem qua các chọn lựa có sẵn tại phòng giao dịch.
Là người ngoại quốc, để có thể được mọi người quý hơn, bạn nên “lận lưng” vài câu tiếng bản địa, hỏi cách mở tài khoản, rồi sau đó hỏi xem ở đây có ai nói được tiếng Anh không. Cử chỉ tuy nhỏ thôi nhưng sẽ giúp bạn rất nhiều đấy, vì nó cho thấy bạn đang cố gắng để hòa nhập vào môi trường ở đó.
Tuy giao dịch qua ngân hàng dường như đã thành quy ước chuẩn mực trên toàn thế giới, cách thức giao dịch ở mỗi quốc gia lại không giống nhau hoàn toàn. Ở Mỹ, mở tài khoản ngân hàng chỉ là chuyện nhỏ, thậm chí là điều mặc định. Điều quan trọng nhất bạn cần mang đến phòng giao dịch chỉ là sự kiên nhẫn thôi.
Nhớ nhé, dù những dịch vụ này áp dụng cho sinh viên, bạn vẫn là người ngoại quốc, và giao dịch viên có thể cũng chưa quen lắm với quy trình này. Hãy kiên nhẫn, thắc mắc khi không rõ, và bạn sẽ có ngay một chiếc thẻ ATM trong tay.
Còn khi bạn đã học xong hoặc kết thúc thực tập thì các thủ tục khóa tài khoản cũng tương tự vậy. Bạn phải trực tiếp đến ngân hàng và yêu cầu khóa tài khoản.
Nhưng thật sự tôi có cần phải có tài khoản không?
Không phải tất cả sinh viên đều mở tài khoản khi đi học hoặc thực tập ở châu Âu. Điều này càng đúng hơn nếu bạn chỉ đến đây trong vòng 1 tháng. Lúc này, mở tài khoản là không cần thiết.
Nếu bạn biết trước bạn sẽ không được nhận biên lai gì cả, thì tốt nhất trả tiền thuê nhà thông qua trường hoặc công ty bạn đang thực tập, và dự phòng thêm một thẻ tín dụng, hoặc một hình thức nào đấy giúp bạn có được tiền, để khi có vấn đề gì thì cũng không phải rối lên.
Tuy vậy, có một vài lý do giải thích tại sao mở tài khoản ngân hàng là điều cần thiết và hữu ích:
Tiền lương
Ở nhiều nước châu Âu, sinh viên được đi làm thêm tối đa 20 tiếng 1 tuần, theo quy định thị thực cho sinh viên; nên bạn có thể vừa đi học vừa đi làm.
Nếu bạn là thực tập sinh, bạn có thể hi vọng kiếm thêm được một ít nữa ngoài giờ làm việc.
Dù bạn là sinh viên, hay thực tập sinh, tài khoản ngân hàng của bạn sẽ giúp công ty trả lương cho bạn giống như cho người bản địa. Nó cho phép bạn kiếm tiền hợp pháp, an toàn, và bạn có thể biết chế độ lương bổng ở nước ngoài như thế nào.
Tiền thuê nhà
Ở Ý, việc dùng tiền mặt trị giá trên 1000 euro để trả tiền thuê nhà là phi pháp. Luật này được ban hành nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế, nên thật ra bạn đang được bảo vệ khỏi những kẻ cho thuê nhà nhiều mánh khóe. Tuy nhiên, nếu bạn chia tiền thuê nhà với mọi người trong nhà thì chẳng phải dễ dàng hơn hay sao? Lúc trước, mỗi người trong nhà phải thay phiên nhau thực hiện thanh toán quốc tế bằng tài khoản ở Mỹ (cái này tính phí quy đổi ngoại tệ khá nhiều), sau đó mới đi lấy lại tiền từ các thành viên khác ở chung.
Còn nếu bạn đã có tài khoản ngân hàng ở châu Âu, bạn chỉ cần thu tiền mặt của mọi người trong nhà, gửi vào tài khoản của bạn ở đây, rồi yêu cầu ngân hàng chuyển khoản cho chủ nhà mà không phải mất một đồng phí quốc tế nào. Thế là xong.
An ninh
Nếu bạn định đi du lịch vào cuối tuần, mang theo thẻ tín dụng sẽ tối ưu hơn nhiều so với mang một đống tiền mặt. Đơn giản, dễ dàng. Thêm vào đó, nếu bạn có bị mất thẻ thì chỉ mất cái thẻ thôi chứ chả mất gì nữa.
Không phải thẻ chỉ có tác dụng đảm bảo an toàn khi đi du lịch đâu, mà ngay ở chính thành phố bạn sống, bạn cũng cần phải rút tiền mặt trong vài trường hợp cần thiết (ở nhiều nước, tiền mặt vẫn phổ biến hơn thẻ trong các hoạt động hằng ngày, bạn sẽ dần quen thôi). Hiện tại, tôi đang làm cho một chương trình du học, một trong những vấn đề đáng lo nhất ở sinh viên mà tôi thấy là:
- Thẻ tín dụng/thẻ ghi nợ của sinh viên tại ngân hàng ở Mỹ bị khóa vì sinh viên không hiểu đúng hạn mức thẻ.
- Thông tin thẻ bị đánh cắp vì sử dụng ở các máy ATM mà ai đó đã cố tình ghi lại để lấy cắp thông tin.
Kết quả là sinh viên không thể sử dụng được tiền của họ khi ra nước ngoài. Sau đó, để sửa lỗi này, bạn phải gọi điện thoại quốc tế về ngân hàng ở nhà, yêu cầu cấp thẻ mới, và sau đó ngân hàng mới chuyển phát quốc tế tấm thẻ đó cho bạn.
Các mẹo nhỏ khi giao dịch nếu bạn không mở tài khoản ngân hàng
Sau tất cả những điều trên, nếu bạn không muốn mở tài khoản ở nước ngoài, bạn có thể xem xét những mẹo sau đây:
1. Thêm tên của một thành viên đáng tin tưởng trong gia đình vào tài khoản ngân hàng của bạn ở nhà.
Để hạn chế những rắc rối khi mất thẻ, tôi nghĩ bạn nên thêm tên bố/mẹ, hoặc bất cứ ai trong gia đình bạn có thể tin tưởng, vào tài khoản của bạn ở nhà, để họ có thể thay mặt bạn yêu cầu ngân hàng cấp thẻ mới, và gửi đảm bảo thẻ đến cho bạn nếu có gì trục trặc.
2. Luôn có tiền trong tài khoản Skype
Trong trường hợp bạn muốn gọi về ngân hàng ở nhà, tốt nhất nên để sẵn trong tài khoản Skype của mình tối thiểu 20 đô để gọi điện thoại, như vậy sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều so với việc bạn gọi theo cách thông thường.
3. Bạn có thể gọi về ngân hàng ở nhà tạm thời nâng hạn mức rút tiền
Điều này rất cần thiết nếu bạn phải dùng tiền mặt trả tiền đặt cọc thuê nhà. Bạn hãy gọi cho ngân hàng của bạn ở nhà, và yêu cầu tạm thời nâng hạn mức rút tiền trước khi bạn rút tiền trong tài khoản.
4. Xem xét mở tài khoản ở ngân hàng nào có thể hoàn trả cho bạn phí giao dịch quốc tế
Với nhiều chi nhánh ở cả Mỹ và trên toàn châu Âu, ngân hàng HSBC cho phép bạn rút tiền mà không tính phí giao dịch quốc tế. Trên trang Nerdwallet có danh sách đầy đủ các loại phí giao dịch quốc tế qua ATM theo từng ngân hàng.
Hãy tận hưởng kì thực tập hoặc kì học ở nước ngoài!
Thái Hải (SSDH) – Theo Go2uk.vn