Du học ngành Y tại vương quốc Anh

0

Sẵn sàng du học – Theo thống kê của QS World University Rankings, vương quốc Anh sở hữu gần 100 trường đại học được đánh giá là có chất lượng giảng dạy nhóm ngành Y khoa tốt nhất thế giới. Do đó, chọn du học ngành Y tại Anh thì bạn đang nắm trong tay cơ hội rất lớn để học tập tại những ngôi trường ưu và tấm bằng uy tín nhất thế giới.

Y học là một ngành danh giá được hàng triệu sinh viên trên toàn cầu theo đuổi, và số lượng đó đang ngày càng tăng cao trong những năm gần đây. Sau khi tốt nghiệp ngành Y, các bạn sinh viên sẽ có một tương lai rộng mở với mức lương không nhỏ – đồng thời có một công việc mang tính nhân văn và có ích cho cộng đồng. Tuy nhiên, ngay cả tại Việt Nam hay nước ngoài, điều kiện để được tuyển vào học ngành Y đều không hề dễ dàng. Cũng chính vì thế, tại hầu hết các nước, các bạn học sinh (HS) đều cần phải đặt mục tiêu cho mình rất sớm và nỗ lực cố gắng để đạt kết quả học tập cao.

bac-sy

1. Tại sao nên học ngành Y tại Anh?

Học Y khoa tại Anh sẽ mang lại cho bạn những điều kiện học tập có chất lượng tốt nhất, cùng với hệ thống các trường Đại học luôn nằm vào top 100 của thế giới.

Tại Vương quốc Anh, các cơ quan chuyên môn uy tín như Hội đồng Y khoa (GMC) và Hội đồng Nha khoa (GDC) chuyên giám sát chặt chẽ các chương trình đào tạo, đảm bảo bạn sẽ được học tập trong những môi trường uy tín nhất.

Với những chương trình học được thiết kế thông minh và phù hợp với thực tiễn phát triển của ngành Y trên thế giới, kết hợp với những giờ thực hành, thực tập chuyên nghiệp trong các tổ chức y tế giúp cho sinh viên có cái nhìn tổng quan nhất về ngành, có cơ hội để ứng dụng lý thuyết học thuật vào công việc, qua đó đảm bảo cho sinh viên tốt nghiệp là những ứng viên rất tiềm năng cho thị trường việc làm mang tính cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Ngoài ra, có rất nhiều cơ hội làm việc cho sinh viên Y khoa quốc tế tại đây, chẳng hạn bạn có thể làm việc cho Dịch vụ Sức khỏe Quốc gia của Anh (NHS). Với hơn một triệu nhân viên và là tổ chức lớn nhất ở châu Âu, NHS chính là hình mẫu của hệ thống sức khỏe cộng đồng thế giới.

2. Một số chương trình học tiêu biểu

Về các khóa học nghề ở Vương quốc Anh, có thể kể đến bằng BTEC (Hội đồng Giáo dục Công nghệ và Kinh doanh) về Chăm sóc, Nghiên cứu Sức khỏe, Khoa học Y khoa và Dịch vụ Dược.

Bạn cũng có thể tham dự các khóa học hai năm để trở thành thực tập sinh nhãn khoa, và học các khóa học cấp giấy chứng nhận hoặc bằng diploma được chứng nhận bởi CACHE, Hội đồng Cấp bằng cho việc Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em.

Ngoài ra bạn cũng có thể tham gia các khóa học cấp Chứng chỉ/Bằng hướng nghiệp cao cấp Quốc gia (HNC/HND) và hơn 200 khóa Đại học Đại cương liên quan tới y khoa.

Có 13 trường đại học chuyên ngành ở Vương quốc Anh nơi bạn có thể học để trở thành nha sĩ. Ngoài ra, để trở thành y tá và hộ sinh, bạn cũng có thể tham khảo các khóa học tại hàng chục trường Đại học, Cao đẳng trên toàn quốc.

nganhy

3. Yêu cầu đầu vào của các trường y tại Anh quốc

– Bậc Đại học

Điểm số trong học bạ Trung học phổ thông của bạn quyết định khá cao việc xét tuyển vào các trường Y tại Anh, thông thường bạn phải đạt điểm số cao ở các môn Toán, Tiếng Anh, Sinh học và Hóa học.

+ Học lực:

  • Với học sinh tốt nghiệp THPT thông thường: học lực khá giỏi trở lên (Điểm số cao ở các môn: Toán, tiếng anh, sinh học và hóa học)
  • Với học sinh tốt nghiệp chương trình A level: đạt điểm số AAB/AAA trở lên (Điểm số cao đối với các môn toán, hóa, sinh)
  • Với học sinh tốt nghiệp chương trình IB: đạt điểm số 36 hoặc 38 trở lên.

+ Ngoại ngữ: Chứng chỉ IELTS 6.5 – 7.0 trở lên hoặc trình độ tương đương.

Các trường University of Cambridge, University of Oxford, University of Manchester, UCL và Imperial College London còn yêu cầu các sinh viên trải qua bài kiểm tra Y sinh BMAT. 

Nếu không thỏa mãn được các yêu cầu tuyển sinh, bạn nên tham dự một khóa dự bị kéo dài từ 1 đến 2 năm để được nhận vào các khóa học Cử nhân ở các trường Đại học.

– Bậc sau Đại học

Để học ngành Y tại Anh, bạn nên tham khảo các khóa Thạc sỹ lên lớp hoặc các chương trình MPhil, MD hoặc PhD.

Thông thường, hai yêu cầu cơ bản đối với việc đăng ký nhập học ngành Y dược bậc Sau Đại học tại Vương quốc Anh là:

+ Học lực: Tốt nghiệp Đại học chuyên ngành y khoa loại khá giỏi trở lên

+ Ngoại ngữ: Chứng chỉ IELTS 7.0 trở lên hoặc trình độ tương đương (chẳng hạn chứng chỉ của Cambridge)

+ 2 năm kinh nghiệm làm việc trở lên

 

Thông tin được nêu tại phần trên thực tế chỉ là những điều kiện tối thiểu; việc bạn được nhận vào học hay không còn do sự xét tuyển của mỗi trường. Chính vì điều kiện khó khăn như vậy, nên để chuẩn bị tốt hơn cũng như có cơ hội chắc chắn hơn, các bạn học sinh muốn du học tại Anh Quốc ngành ythường lựa chọn các lộ trình học bổ trợ/dự bị như sau:

– Lựa chọn 1: Theo học khóa A-level đúng chuyên ngành

A-level là chương trình học theo tiêu chuẩn quốc gia tại Anh Quốc với chất lượng đào tạo được công nhận trên toàn thế giới. Chương trình học A-level kéo dài 2 năm (có chương trình học nhanh trong vòng 1 năm) dành cho học sinh từ 16 tuổi trở lên. Theo học A-level, các bạn học sinh sẽ lựa chọn ngành học mong muốn của mình ngay từ khi đăng ký khóa học và học tập trung 3-4 môn học nền tảng cho chuyên ngành đó. Vói ngành Y, những môn quan trọng sẽ là Sinh – Hóa – Lý/Toán. Thực tế, A-level là một lựa chọn hàng đầu để cung cấp kiến thức nền cho khóa học cử nhân của học sinh.

Với học sinh tốt nghiệp chương trình A-levels, các bạn sẽ có lộ trình đăng ký học như sau:

Vào đầu năm 2 của chương trình A-levels, học sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký học vào các trường Đại học thông qua hệ thống UCAS (Universities and Colleges Admissions System) – hệ thống đăng ký học chung của toàn bộ các trường Đại học Anh Quốc. Hồ sơ nộp sẽ bao gồm những giấy tờ cá nhân, thành tích học tập và chứng chỉ ngoại ngữ của học sinh. Thông thường, hạn chót đăng ký vào các trường Y là ngày 15/10 của năm trước đó.

Các trường sẽ xét đơn và hồ sơ xin học của từng học sinh, sau đó mời học sinh tham gia phỏng vấn. Tùy thuộc vào chính sách tuyển sinh của mỗi trường mà việc phỏng vấn có thể diễn ra từ 1 – 3 lần.

Do thời điểm nộp hồ sơ, các bạn học sinh vẫn chưa hoàn thành khóa A-levels của mình, nên sau khi vượt qua vòng phỏng vấn, trường sẽ cấp cho học sinh Conditional Letter of Offer (thư chấp nhận học có điều kiện) – với nội dung chính là trường chấp nhận cho học sinh vào học với một điều kiện nào đó (thông thường điều kiện này là học sinh phải tốt nghiệp khóa A-levels với số điểm nhà trường yêu cầu)

– Lựa chọn 2: Theo học khóa Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate – IB)

Tú tài Quốc tế (IB) cũng là một chương trình dành cho học sinh THPT kéo dài 2 năm, tương tự như A-levels. Tuy nhiên, khi học chương trình Tú tài, các em học sinh sẽ học 6 môn học về 6 nhóm môn khác nhau, cung cấp kiến thức đầy đủ trên nhiều phương diện. Chương trình học IB được đánh giá là khó hơn nhưng toàn diện hơn so với A-levels, bởi khóa học không chỉ đào tạo kiến thức nền tảng, mà còn yêu cầu học sinh tham gia chương trình học về nhận thức (Theory of Knowledge) hay những hoạt động cộng đồng/thể thao/..

Về lộ trình đăng ký học Cử nhân từ khóa IB sẽ tương tự như khóa A-levels.

– Lựa chọn 3: Theo học khóa Dự bị Đại học

Chương trình Dự bị Đại học là chương trình kéo dài 1 năm, được cung cáp và thiết kế theo chương trình đào tạo của từng trường Đại học. Chương trình dành cho học sinh từ 17 tuổi trở lên – phù hợp với các em học sinh đã học hết lớp 11 hoặc hết lớp 12 tại Việt Nam. Trong khóa học, các em cũng sẽ học 3-4 môn nền tảng với kiến thức tập trung vào ngành Y sẽ học tại bậc Cử nhân. Thông thường, các bạn học sinh hay lựa chọn học Dự bị ngành Y tại Đại học St.Andrews hoặc tổ chức Giáo dục Quốc tế INTO; sau đó chuyển tiếp lên chương trình Cử nhân Y học.

du-hoc-nganh-y-khoa

Chương trình học Dự bị Thạc sĩ

Với các bạn sinh viên muốn học Thạc sĩ ngành Y tại Anh Quốc, thông thường các bạn sẽ cần học thêm 1 khóa Dự bị Thạc sĩ để có kiến thức vững chắc hơn cho việc nghiên cứu sau đại học. Lưu ý rằng các trường sẽ chỉ chấp nhận bạn vào học nếu bạn tốt nghiệp bậc Cử nhân 4 năm từ các ngành liên quan.

Các bạn SV tốt nghiệp ngành Sinh hóa (Biochemistry), Khoa học Y sinh (Biomedical Sciences), Khoa học Sức khỏe (Health Sciences) và một số ngành liên quan có thể đăng ký lên học chương trình Sau đại học về Y Dược (Graduate Entry Medicine) kéo dài 3 năm

Lưu ý

Sinh viên có thể lựa chọn học lấy bằng ‘Intercalated Degree’ trong 1 năm (vào giữa năm học thứ 4 và thứ 5), nghĩa là học thêm một năm để nhận thêm một bằng, có thể là BSc (Cử nhân Khoa học – Bachelor of Sciences), BMedSci (Cử nhân Khoa học Y dược – Bachelor of Medical Sciences), BA (Cử nhân Nghệ thuật – Bachelor of Arts) hoặc MMedSec (Thạc sĩ Khoa học Y dược) theo chuyên ngành liên quan đến Y.

Sau khi hoàn thành khóa học đại học, sinh viên có thể chuyển tiếp lên chương trình đại cương 2 năm (đây là khóa đào tạo y tổng hợp, kết hợp làm việc với đào tạo), vào sau đó đăng ký với GMC (General Medical Council – Hội đồng y tổng hợp) để xin phép làm việc trong ngành y tại Vương quốc Anh. Sau khi hoàn thành thời gian này, đa số sinh viên sẽ dành 3 năm để học thực hành đa khoa (General Practice – GP), hoặc từ 5 – 8 năm đào tạo chuyên khoa.

4. Các trường có giảng dạy ngành Y tại Anh

Theo BritishCouncil, có khoảng 30 trường Y khoa tại Anh, trong đó bao gồm 4 trường mới được thành lập gần đây là University of East Anglia, Hull York Medical School, Brighton and Sussex Medical School và Peninsula Medical School

Ngoài ra, những trường Đại học hàng đầu ở Anh có giảng dạy ngành Y cũng đã được thống kế trong danh sách dưới đây của SI-UK:

  • University of Aberdeen
  • University of Edinburgh
  • University of Newcastle
  • University of St Andrews
  • University of Glasgow
  • University of Southampton
  • University of Leicester
  • Brighton and Sussex Medical School
  • Queen Mary, London
  • King’s college London
  • Queen’s Belfast
  • University of Sheffield
  • University of East Anglia
  • University of Bristol
  • University of Warwick
  • University of Cardiff

5. Cơ hội nghề nghiệp khi học ngành Y tại Anh

Theo đuổi ngành y, sinh viên phải xác định trước rằng con đường học tập dài hơn và chông gai hơn. Tuy nhiên, cơ hội việc làm sau này sẽ vô cùng rộng mở cho các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành y từ trung cấp, cao đẳng đến đại học, thạc sĩ. Các bạn tốt nghiệp Trung cấp/Cao đẳng có thể làm về Y sĩ, Y tá, Điều dưỡng; các bạn tốt nghiệp Cử nhân sẽ có rất nhiều chuyên ngành liên quan. Bên cạnh đó, ngoài làm việc trong các bệnh viên, các bạn còn hoàn toàn có thể mở thêm phòng khám tư nhân/hiệu thuốc tư nhân/… để phát triển trình độ của bản thân mình

Làm việc trong lĩnh vực y tế đem lại cho các bạn sinh viên sau khi ra trường một công việc có thu nhập khá cao và ổn định. Tỉ lệ sinh viên ngành y thất nghiệp thấp hơn hẳn so với các ngành đào tạo khác.  Tại Việt Nam, các bệnh viện lớn, nhỏ, vừa đều đang thiếu những bác sĩ giỏi có kinh nghiệm sâu trong nghề. Vì thế, họ luôn mở rộng cửa chờ đón các thế hệ trẻ du học sẽ cống hiến được những kiến thức sâu sắc, những điều mới mẻ trong việc cứu chữa và chăm sóc sức khỏe công dân tại chính quốc gia mình.

Thái Hải (SSDH) – Theo MegaStudy

Share.

Leave A Reply