Sẵn sàng du học – Đã có không ít người cho rằng nhiều người trẻ chọn "gap year" là bởi họ lười biếng, thích ăn chơi…Tuy nhiên, những bạn trẻ này đã phản pháo lại.
Chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, Phạm Thị Thu Trang (SN 1996), hiện đang sinh viên của một trường đại học tại Hà Nội cho biết nữ sinh này đã từng nghỉ một học kỳ, bảo lưu kết quả để “gap year”. Trước ý kiến trái chiều “gap year” là dành cho những người lười học, ham hưởng thụ, Thu Trang đáp trả: “Cách đây 2 năm, tôi quyết định bảo lưu kết quả học tập một kỳ trong sự bất ngờ, phản đối của bố mẹ. Hồi đó bố mẹ tôi cũng không hiểu “gap year” là gì, tôi cũng nghe nhiều người bàn ra tán vào là tôi thích chơi trội, thích ăn chơi nên mới bảo lưu kết quả.
Thế nhưng, mọi người không biết rằng, thời điểm đó tôi cảm thấy không có hứng thú với những bài giảng, đó là lý do tôi quyết định tạm ngừng học một thời gian để trải nghiệm. Tôi làm những việc mình thích, tham gia hoạt động thiện nguyện, xã hội đến với các bản làng mà tôi chưa từng đặt chân đến…
Vậy thì, không phải tôi lười biếng mới “gap year” mà là bởi trong một giai đoạn nào của tuổi trẻ, cũng có lúc bạn mất phương hướng và “gap year” chính là nơi giúp tôi có nhiều trải nghiệm để sau đó, khi quay trở lại công việc đời thường tôi đã nỗ lực hơn trước gấp nhiều lần. Vậy nên, đừng đánh đồng tất cả những người “gap year” là lười biếng, ăn chơi”.
Tố Như cho biết: “Tôi thực hiện “gap year” sau 3 năm học sư phạm tại một trường đại học ở Hà Nội. Không như các bạn khác học xong đi làm, bản tính của tôi khá bướng bỉnh, thích trải nghiệm, thích khám phá, học hỏi những điều mới lạ. Nên tôi quyết định làm mọi thứ theo ý mình muốn dù gặp phải sự ngăn cản của bố mẹ và bạn bè”…
Là một người sống khép kín, ít nói thế nên Tố Như (SN 1994, Hà Nội) quyết định “gap year” mặc cho sự phản đối của bố mẹ. Không giống như Khánh Toàn là lựa chọn tham gia một chương trình tổ chức quy mô, bài bản để tham gia “gap year”, cô gái này lại quyết định tự khám phá, tự trải nghiệm bản thân mình.
Tố Như trải qua quãng thời gian “gap year” trong vòng gần một năm. Khoảng thời gian đó, cô gái này vẫn đi làm thêm để có thu nhập như bán hàng quần áo, đi dạy thêm… Số tiền mà Tố Như kiếm được từ việc làm thêm cô dành đi du lịch. Trải qua thời gian khám phá những điều mới mẻ, thú vị không thông qua khuôn phép. Tố Như chia sẻ thêm rằng đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với cô.
“Trước đây tôi là người sống khá khép kín, tôi cũng ít được trải nghiệm, giao tiếp xã hội nên nhiều khi rất ngại ngùng. Thế nhưng, khi trải qua kỳ “gap year” tôi thấy mình tự tin hơn, hiểu biết thế giới xung quanh nhiều hơn, được gặp gỡ kết bạn với nhiều người cùng chung sở thích, và tại đây tôi cũng tìm được tình yêu đích thực của đời mình”, Tố Như chia sẻ trong niềm hạnh phúc.
Tố Như cũng cho rằng nếu bạn trẻ nào thích sự ổn định thì “gap year” không phù hợp. Còn ai có cá tính mạnh mẽ hoặc muốn thử thách bản thân thì “gap year” là một lựa chọn không thể bỏ lỡ.
“Gap year” sẽ buộc bạn phải đánh đổi nhiều thứ, nhưng bạn cũng nhận được nhiều điều mà sau này rất khó có thể đạt được như: Sự ngông cuồng của tuổi trẻ, những trải nghiệm đặc biệt, hay kỳ nghỉ dài không có sự âu lo… khi đã đi làm và trưởng thành rồi thì phải chăng đây chính là những điều người ta mong muốn nhất? Lựa chọn là ở bạn, và tôi đã chọn gap year”.Cũng chia sẻ với PV, chàng trai Khánh Toàn cho rằng “gap year” là một lựa chọn tuyệt vời cho bản thân chàng trai 9X nói riêng và cho nhiều bạn trẻ nói chung: “Tôi rất trân trọng những trải nghiệm văn hóa thực tế vì nó khiến tôi trở nên cởi mở hơn, khiến bạn trẻ dám học hỏi những điều mới lạ hơn và nó chính là bước đà cho tôi làm những điều khác biệt. Tuổi trẻ là hữu hạn, vậy tại sao lại bỏ phí nó trong quãng thời gian đẹp nhất của cuộc đời? Việt Nam có rất nhiều cảnh đẹp mà chắc chắn các bạn chưa đặt chân đến hay bạn muốn tận hưởng cảm giác đến một quốc gia khác mình chưa bao giờ tới.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Người Đưa Tin