Sẵn sàng du học – Tham gia nhiều lần thực tập trước đó, tới nhiều sự kiện, làm việc tại nước ngoài…là những kinh nghiệm mà Valerie Pang chuẩn bị cho việc trở thành thực tập sinh tại Google.
Zing.vn lược dịch chia sẻ của Valerie Pang, cựu thực tập sinh Google về quá trình chuẩn bị để đến với hãng công nghệ khổng lồ.
Tôi là sinh viên ngành nghiên cứu môi trường tại trường Cao đẳng Yale-Nus (trường Cao đẳng về nghệ thuật tự do và khoa học giáo dục). Do đó bạn có thể thấy lạ khi tôi đăng ký thực tập tại một công ty công nghệ như Google. Nghiên cứu môi trường, nghệ thuật tự do thì liên quan gì đến công nghệ hay kinh doanh phải không nào?
Tôi sẽ giải thích và chia sẻ một số kinh nghiệm nếu như bạn muốn tham gia thực tập tại công ty công nghệ hàng đầu thế giới này.
Từng 9 lần thực tập
Dưới đây là 9 tổ chức mà tôi đã từng tham gia thực tập trước khi trở thành thực tập sinh tại Google:
- Trước khi học đại học: The Thought Collective (doanh nghiệp xã hội).
- Kì nghỉ hè đầu tiên: Tình nguyện viên tại Motion (startup phi lợi nhuận).
- Học kỳ đầu năm 2: Thực tập sinh bán thời gian tại Flare Communications (công ty huấn luyện hành pháp)
- Tháng 12 năm 2: JFDI.Asia/QLC.io và Clickstream Ventures (nay là Cocoon Capital).
- Học kỳ II năm 2: Đại sứ sinh viên tại Glints và thực tập sinh bán thời gian tại Green Pea Cookia (startup về đồ ăn).
- Năm 3: Thực tập sáu tháng tại Founder Institute và năm tháng tại Tilt.
Tôi biết bạn đang nghĩ làm cách nào mà tôi có thể làm được chừng ấy việc. Nhưng như bạn đã thấy, tôi đã làm một số việc thực tập bán thời gian ngay khi bắt đầu học đại học.
Hãy thực tập càng nhiều càng tốt để có thêm kinh nghiệm làm việc. Bạn thậm chí có thể làm bán thời gian ngay khi còn đang học. Các startup thường có xu hướng linh hoạt và sẵn sàng nhận bạn làm thực tập sinh ngay cả khi không có kinh nghiệm.
Hầu hết công việc thực tập tôi đều có thể tìm kiếm qua mạng, vì vậy hãy đi đến các sự kiện, nói chuyện với người sáng lập startup để họ biết bạn quan tâm và có mong muốn thực tập tại công ty họ.
Mở doanh nghiệp xã hội và gây quỹ 70.000 USD
Trong năm đầu tại đại học, tôi đã đồng sáng lập một doanh nghiệp xã hội mang tên SDI Academy cùng hai sinh viên khác. Tổ chức của chúng tôi có mục đích giúp đỡ lao động di cư bằng cách dạy tiếng Anh và tạo điều kiện cho họ hoà nhập xã hội.
Với tư cách là đại diện SDI Academy, tôi tham gia hai chương trình tên là NTU Ideas Inc. Business Challenge và SIF Young Social Entrepreneurs Program. Tôi được học hỏi rất nhiều về cách phát triển kinh doanh, cụ thể là viết kế hoạch, tạo ra mô hình, tiếp thị, phát triển quan hệ đối tác…và gặp gỡ nhiều cá nhân trong môi trường startup cũng như entrepreneurship.
Mặc dù đây là môi trường tuyệt vời để học tập, không nhất thiết bạn phải trở thành một startup như tôi. Thực sự rất khó và tôi không khuyến khích tham gia nếu như mục đích của bạn là kiếm lợi nhuận. Tuy nhiên, có thể bắt đầu từ các dự án nhỏ mà bạn thực sự đam mê, tham gia nhiều cuộc thi về kinh doanh và cố gắng xây dựng mạng lưới quen biết.
10 cuộc thi hackathons và chiến thắng 4 lần
Thành thực mà nói, tôi không biết nhiều về code, nhưng bí quyết của tôi là tìm cho mình đội ngũ với ý tưởng tốt. Một đội ngũ tốt thường bao gồm hai lập trình viên, một thiết kế và một người giỏi thuyết trình. Ngoài ra, một ý tưởng tốt là khi nó giải quyết vấn đề một cách chính xác, tương đối độc đáo nhưng không phức tạp và có thể tạo ra lợi nhuận.
Nếu không giỏi về code, bạn nên cố gắng trở thành người thuyết trình giỏi, viết kịch bản và thiết kế trang trình chiếu khiến người nghe bị thuyết phục. Đôi khi việc thuyết trình cũng quan trọng như chính sản phẩm, do đó cần đảm bảo rằng bạn phải làm tốt. Bản thân tôi luôn là người thuyết trình trong các hackathon mà tôi tham gia, và bằng cách đó, tôi cũng đã có ích cho đội của mình.
Hãy tham gia hackathon bất kể trình độ của mình. Bạn chắc chắn sẽ học hỏi được điều gì đó, hoặc ít nhất là cũng có thêm nhiều bạn bè mới. Và biết đâu đấy, lại có thể giành chiến thắng và nhận được giải thưởng.
Tôi đã ở một năm tại Silicon Valley
Tôi đã trải qua một năm ở Thung lũng Silicon khi tham gia chương trình NUS Overseas College. Ngoài ra, tôi cũng học hỏi các nhà đầu tư mạo hiểm và nhiều doanh nhân nổi tiếng, bao gồm cả Elon Musk khi tham gia lớp kinh doanh tại Đại học Stanford.
Tôi cũng sống và quản lý một ngôi nhà chung mà người ở đến từ hơn 80 quốc gia trong 10 tháng. Rất nhiều công việc phải làm như trả lời tin nhắn và trông nom nhà, song cũng thật thú vị.
Dành nhiều thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài. Điều này giúp bạn có được trải nghiệm trong môi trường hoàn toàn mới. Rất nhiều công ty đa quốc gia tìm kiếm những cá nhân từng làm việc trong môi trường quốc tế, bởi họ dễ dàng thích ứng với các nền văn hoá khác nhau.
Tôi tham dự hơn 300 sự kiện
Tôi rất thích tham dự sự kiện. Việc đi đến nhiều sự kiện công nghệ và startup giúp tôi rất nhiều thứ, chẳng hạn như:
- Rèn kỹ năng mềm bằng cách tiếp cận, trò chuyện với mọi người.
- Tìm hiểu về những xu hướng công nghệ mới.
- Tiếp xúc với các startup.
- Kết bạn với nhiều người trong môi trường công nghệ và startup.
- Khám phá thêm nhiều cơ hội thực tập tại các startup.
Hãy tham gia nhiều sự kiện để học hỏi, mở rộng mạng lưới quan hệ và tìm kiếm cơ hội cho bản thân.
Tuy nhiên, tôi không thể chỉ liệt kê những gì làm được mà không nói đến những thứ tôi đã đánh đổi:
- Tôi phải hy sinh bớt thời gian cho việc học ở trường.
- Việc là thành viên của nhiều câu lạc bộ trong năm đầu đại học khiến tôi dành ít thời gian cho các hoạt động ngoại khoá.
- Rất hiếm khi được đi chơi với bạn bè.
Hãy chắc chắn rằng việc thực tập tại những công ty công nghệ hàng đầu là ưu tiên của bạn. Nếu không, bạn cần có điểm số cao tại trường đại học để có công việc ổn định.
Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News