10 điều bạn cần biết trước khi du học Nhật Bản

0

Sẵn sàng du học – Nhật Bản là một nền văn hóa đặc sắc với những thói quen cùng nguyên tắc cư xử vô cùng đáng ngưỡng mộ. Có câu “nhập gia tùy tục”, hôm nay hãy cùng SSDH tìm hiểu 10 quy tắc mà bạn nên biết và tuân thủ khi đến với đất nước xinh đẹp này nhé!

ssdh-hoa-anh-dao-nhat-ban2

Đừng bao giờ đi muộn

Việc xuất hiện đúng giờ trong mọi cuộc hẹn là nền tảng của văn hóa Nhật Bản. Nếu có một sự kiện nào đó sẽ diễn ra vào lúc 8:00 sáng, bạn sẽ phải có mặt trước đó 15 phút, tức là lúc 7h45.

Nếu bạn để ý một chút, trên các chuyến tàu điện ngầm luôn có những đặc biệt vội vã khi chuyển tiếp giữa các chuyến. Việc đến muộn không phải là một điều gì đó dễ dàng được bỏ qua và chấp nhận. Nếu bạn cảm thấy mình sẽ không thể đến kịp giờ hãy nhắn tin hoặc gọi điện cho người mà bạn có hẹn cùng. Một trong những quy tắc tuyệt vời giúp bạn xây dựng một hình ảnh chuyên nghiệp trong mắt mọi người chính là luôn đến sớm hơn giờ hẹn khoảng 5 đến 10 phút.

Sẵn sàng tâm lý phải bỏ giày ra thường xuyên

Bất kì lúc nào khi bạn bước vào một nơi riêng tư, chẳng hạn như phòng khách nhà host hay phòng học, bạn sẽ phải cởi giày ra trước khi bước vào. Hãy luôn mang tất bởi vì đi chân đất sẽ là một cử chi rất “no – no” đấy.

Ở Nhật mọi nơi đều rất sạch, thực sự sạch ấy!

Một trong những điều đầu tiên khiến bạn cảm thấy bị ấn tượng khi đến với Nhật Bản chính là sự sạch sẽ và ngăn nắp ở nơi đây. Tất cả mọi điều bao gồm cả sự gọn gàng của các hàng quán và sự tỉ mẩn, vệ sinh của người Nhật.

Gần như là không có rác rưởi bị vất bừa bãi trên đường phố hoặc có những hình graffiti vẽ trong đường hầm hay tòa nhà vắng người. Tuy nhiên, bạn cũng sẽ sớm nhận ra rằng, trên đường phố không có nhiều thùng rác công cộng hay nói cách khác là chúng không tồn tại. Bạn sẽ phải giữ rác mà mình thải ra trong ngày (ví dụ như cốc cà phê giấy, vỏ kẹo, chai nước, lon nước…) cho đến khi trở về nhà và bỏ chúng vào nơi phân loại rác của chính nhà mình. Vì thế hãy suy nghĩ kĩ trước khi vào xếp hàng ở Starbucks nhé!

ssdh-sinh-vien-nhat-ban

Mọi thứ đều được “thu nhỏ”!

Là một trong những quốc gia với phần lớn diện tích là đồi núi, diện tích đất liền ở Nhật Bản tương đối hạn chế chính vì thế người Nhật luôn tìm cách tiết kiệm tối đa không gian. Họ quan tâm tới sự ngăn nắp, tận dụng triệt để cách sắp xếp khoa học. Diện tích của một ngôi nhà cỡ trung bình ở Nhật nhỏ hơn nhiều so với nhà ở Mỹ. Bạn sẽ phải làm quen dần với điều này. Đặc điểm này cũng đúng với cả các nơi công cộng ở Nhật. Các phương tiện giao thông vì thế mà luôn vô cùng đông đúc và bạn phải gần như là “chiến đấu” để có một vị trí trên tàu điện ngầm vào giờ cao điểm.

Kì vọng của họ là rất cao nhưng cũng không sao nếu bạn không thể đáp ứng được chúng

Từ khi còn nhỏ, trẻ em ở Nhật đã được cha mẹ, người thân hay thậm chí là xã hội đặt cho những kì vọng rất cao, bao gồm thành tích xuất sắc trong cả việc học tập, chơi thể thao và cả ngoại hình. Điều này đồng nghĩa với việc không có chỗ cho sai lầm và nếu bạn mắc lỗi thì sẽ khó mà có lại cơ hội thứ hai. Chính vì thế, người Nhật được đánh giá đưa ra những phán đoán và đánh giá về năng lực của ai đó khá nhanh. Đây là đất nước mà bạn chỉ có một cơ hội duy nhất để ghi lại ấn tượng đầu tiên!

Tuy nhiên, bạn cũng không cần quá áp lực bởi vì người Nhật cũng rất coi trọng sự nỗ lực của mỗi cá nhân. Người Nhật yêu thích việc đưa ra những lời khuyên cuộc sống, họ coi đó là một trách nhiệm để chỉ ra những “lỗi sai” ở những người xung quanh.

Phép lịch sự, phép lịch sự và phép lịch sự

Người Nhật rất lịch sự và luôn nói chuyện rất nhẹ nhàng. Trẻ em được dạy dỗ để tôn trọng người lớn từ khi còn rất nhỏ.

– Người Nhật luôn cúi chào nhau, đặc biệt là trong lần đầu gặp mặt và với người ở cấp trên hoặc lớn tuổi hơn mình. Ví dụ nếu là bạn bè, bạn có thể sẽ nhận được một cái cúi chào 30 độ nhanh. Với ông bà, hiệu trưởng trường bạn học, bạn sẽ phải cúi chào 70 độ và với tốc độ chậm hơn.

– Cách mà bạn gọi ai đó rất quan trọng. Ví dụ, thông thường thì trẻ em được gọi bằng tên của chúng nhưng bạn cũng có thể thêm hậu tố “chan” hoặc “kun” vào sau đó, tùy vào giới tính của bé.

– Gây chú ý giữa chốn đông người là một điều tối kị. Bạn không nên xì mũi khi đang ở nơi công cộng, tránh vừa đi vừa ăn, đừng nói chuyện điện thại trên tàu điện ngầm hoặc các phương tiện công cộng khác.

– Hãy tạo cho mình thói quen nói các cụm “Gomenasai” và “Arigato Gozaimas” với ý nghĩa là xin lỗi và cảm ơn một cách thường xuyên. Đó là cách tốt nhất để thể hiện sự tôn trọng của bạn với những người xung quanh.  

ssdh-the-university-of-tokyo-sinh-vien-nhat-ban

Người Nhật sẽ sử dụng tiếng Anh với bạn khi chưa biết về khả năng tiếng Nhật của bạn

Nếu bạn là người ngoại quốc, hầu hết người Nhật sẽ cố gắng sử dụng tiếng Anh để giao tiếp với bạn. Song bạn có thể đáp lại bằng tiếng Nhật, như vậy họ sẽ biết là bạn có thể sử dụng tiếng Nhật và lúc đó họ mới bắt đầu trò chuyện với bạn bằng ngôn ngữ mẹ đẹ của mình.

Phép lịch sự trên bàn ăn

Việc bỏ phí thức ăn là rất không lịch sự trong văn hóa Nhật. Nếu bạn không quá đói, hãy chỉ gọi hoặc lấy một phần thức ăn vừa đủ.

Nhiều nhà hàng và nhà ở tại Nhật Bản được trang bị bàn ghế kiểu phương Tây. Tuy nhiên, bàn thấp kiểu truyền thống đi kèm với đệm ngồi, thường được sử dụng rất phổ biến ở những nhà dùng chiếu tatami. Chiếu tatami, được làm bằng rơm, có thể dễ dàng bị hư hỏng và rất khó để làm sạch, do đó giày hoặc bất kỳ loại giày dép nào cũng luôn được đặt ở ngoài trước khi bước vào chiếu.

Bạn sẽ rất bận rộn!

Ở Nhật thời gian “off” không phải là một điều gì đó quá to tát và quan trọng. Người Nhật không phải là những người thích thư giãn nhất thế giới. Người Nhật không đặt thời gian rảnh rỗi lên hàng đầu như cách mà người Mỹ hay Canada thích tận hưởng chúng. Việc cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và cuộc sống nơi công sở thường không thực sự được đảm bảo. Vào những buổi tối trong tuần, sau khi đã hoàn thành công việc, lịch trình ở trường học hoặc nơi làm, cha mẹ và con cái thường trở về nhà và tiếp tục học tập hoặc công việc của mình. Đến với nước này, bạn cần làm quen với nhịp sống và nhịp làm việc vô cùng bận rộn cũng như phong cách lao động cần mẫn của người Nhật.

Tinh thần cộng đồng

Ở Nhật, người ta chú trọng vào sự thể hiện của một nhóm hơn là mỗi cá nhân. Tinh thần đồng đội và sự trợ giúp lẫn nhau giữa các cá nhân được đánh giá cao trong công việc. Người Nhật sống với quan điểm “đặt lợi ích của cộng đồng lên trước lợi ích cá nhân”.

Người dịch: Ánh Dương (SSDH)

Share.

Leave A Reply