Tìm hiểu về Fulbright – học bổng chính phủ toàn phần danh giá nhất hành tinh

0

Sẵn sàng du học – Tại Mỹ, học bổng Fulbright được coi là 1 trong số các học bổng toàn phần danh giá nhất. Bạn đã tìm hiểu kỹ về học bổng này để tăng cơ hội đi du học miễn phí của mình chưa?

Có một điều mà các ứng viên "săn" học bổng vẫn thường bảo nhau, rằng việc đạt được học bổng không phải là mục tiêu ngắn hạn. Quả thực, nếu xuất sắc giành được một học bổng toàn phần nào đó, hoặc bạn phải là một người xuất chúng, hoặc bạn đã phải cố gắng rất nhiều. Và điều này bảo đảm một điều: Học bổng bạn nhận cho việc học sẽ đi theo bạn đến suốt sự nghiệp.

Bởi vậy, đừng nghĩ nhận học bổng chỉ là nhận tiền. Học bổng là "con dấu" xác thực tiềm năng phát triển trong tương lai của bạn. Nếu ấp ủ giấc mơ đi du học Mỹ, thì Fulbright là học bổng mà bạn không-thể-không-phấn-đấu.

ssdh-fulbright

 

Chuẩn bị kỹ lưỡng = Một nửa của thành công

Để chuẩn bị cho việc trở thành một Fulbrighter, bạn phải chuẩn bị 2 thứ sau từ rất sớm: chứng chỉ tiếng Anh quốc tế (TOEFL hoặc IELTS) và kiến thức để thi GRE (chứng chỉ dành cho hệ cao học tại Mỹ).

Về điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, bạn chỉ cần đạt được một trong hai chứng chỉ IELTS 6.5 và TOEFL iBT 79 trở lên. Nhiều người hiểu nhầm rằng điểm số cao trong hai kỳ thi này sẽ khiến bạn có sức cạnh tranh cao hơn trong việc giành học bổng. Tuy nhiên, bạn chỉ cần vượt qua ngưỡng điểm trên, còn các yếu tố khác (điểm GPA, hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm làm việc,…) quyết định cơ hội giành học bổng.

Khi trở thành một Fulbrighter chính thức, bạn sẽ được tài trợ hoàn toàn chi phí để đạt điểm IELTS và TOEFL có điểm số cao hơn (không bắt buộc) và thi lấy GRE (Graduate Record Examinations). Kiến thức của GRE được đánh giá là vừa hay vừa khó nên rất phù hợp để rèn luyện tư duy, nhất là khi bạn muốn đạt kết quả tốt trong quá trình học cao học tại Mỹ. Vậy nên, đừng bao giờ chủ quan để đến lúc đạt học bổng mới ôn tập GRE.

Học bổng của những cái "không giới hạn"

Một trong những điểm nổi bật của Fulbright là không giới hạn! Bạn có thể thuộc bất cứ độ tuổi nào, miễn là đã hoàn thành chương trình bậc đại học. Điều này khác với rất nhiều học bổng thạc sỹ luôn yêu cầu tuổi không quá 30-35.

Tương tự, học bổng Fulbright thấu hiểu sự hạn chế trong sự định hướng ngành, nghề của các nước đang phát triển. Vì thế, học bổng này không yêu cầu bạn tham gia học thạc sỹ cùng chuyên ngành với bằng cử nhân của bạn. Thậm chí, chỉ tiêu chọn Fulbright-er ở các ngành cũng không cố định theo từng năm.

Đối với người viết thư giới thiệu, bạn hoàn toàn có thể không chọn những người như giáo sư, đồng nghiệp, cấp trên,… Nhưng người viết nhất định phải hiểu về bạn trong lĩnh vực nghề nghiệp bạn định theo đuổi. Mặc dù vậy, bên cạnh yếu tố có thư giới thiệu hiểu rõ ứng viên, chủ nhân của bức thư cũng nên là người có uy tín trong lĩnh vực bạn định xin học bổng. Ví dụ, một phóng viên có thể sẽ nhờ tổng biên tập tờ báo mình làm việc hoặc một nghệ sỹ nổi tiếng mà người đó từng phỏng vấn viết thư giới thiệu.

ssdh-sinh-vien

 

Phỏng vấn: Tập trung vào một thông điệp nhất quán

Lý do lớn nhất khiến nhiều ứng viên vào đến vòng phỏng vấn nhưng vẫn trượt Fulbright là không biết cách thể hiện bản thân. Chẳng cần phải nghĩ đi đâu xa, nếu bạn nhận ra điểm mình mạnh nhất và thông điệp ý nghĩa nhất bạn muốn dành cho hội đồng tuyển sinh, hãy cứ tập trung vào đó để trả lời mọi câu hỏi.

Chị Trần Thị Thùy Trang, một trong những Fulbrighter tại Việt Nam, từng chia sẻ rằng: "Kể cả bạn có tài đến đâu, nhưng nếu mối quan tâm của bạn chỉ xoay xung quanh bản thân mình thì bức tranh ấy không đủ sức hấp dẫn với học bổng này. Cũng tương tự như vậy, nếu bạn muốn giải quyết một vấn đề cụ thể cho cộng đồng xã hội, nhưng lại không thể hiện được mình có đủ tố chất, tiềm năng để làm được điều đó, thì bạn cũng sẽ khó thành công. Bạn là ai? Và tại sao lại là bạn? Hiểu thật sâu về bản thân, tìm hiểu kỹ về học bổng, từ đó bạn sẽ có được một thông điệp sáng, nhất quán, và phù hợp."

Đừng quên một điều quan trọng, học bổng Fulbright là của chính phủ Mỹ dành cho Việt Nam. Vì thế, hội đồng tuyển sinh luôn tìm kiếm những ai có sức ảnh hưởng và không ngừng phấn đấu vươn lên giúp ích cho cộng đồng. Chỉ cần hiểu được điều này, bạn sẽ tự khắc trả lời một cách xác đáng câu hỏi: "Tôi là ai?" ở vòng phỏng vấn Fulbright.

Học bổng càng lớn, tỷ lệ chọi càng ngất ngưởng

Mặc dù quy định của Fulbright là ứng viên phải có ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực sẽ theo học, tuy nhiên, tại Việt Nam, rất nhiều người ra trường và đi làm việc hơn 5 năm (trong khoảng thời gian 5 năm đều apply) mới chỉ… lọt vào vòng phỏng vấn. Đó là còn chưa kể nếu bạn định xin học bổng cho ngành Quản trị Kinh doanh (MBA), tỉ lệ chọi sẽ cao hơn nhiều. Cụ thể, từ năm 1992-2015, có tới 112/527 ứng viên Fulbighter đi học MBA. Có những năm tỉ lệ người apply trong ngành này lên tới 40%.

Vì vậy, nếu quyết tâm chinh phục loại học bổng này, bạn buộc phải tự nhủ với bản thân rằng mình sẽ kiên trì đến cùng. Ngay cả khi kết quả là con số 0, thì bạn vẫn đã học được rất nhiều rồi cơ mà.

Cá Domino (SSDH) – Theo kenh14

Share.

Leave A Reply