Sẵn sàng du học – Chính phủ Morrison đang xem xét một kế hoạch buộc những di dân mới đến phải sinh sống 5 năm ở bất cứ nơi đâu ngoài Sydney và Melbourne, nhằm làm giảm mật độ dân số ở hai thành phố lớn nhất của Úc.
Theo The Australian, quyết định về chuyện bắt buộc di dân mới phải định cư ở những vùng khác ngoài Sydney và Melbourne – một phần trong chương trình di dân mới – đã nằm trong chương trình của nội các Turnbull từ tuần trước, và chuẩn bị được chuyển sang cho nội các mới của ông Scott Morrison.
Hai nguồn tin chính phủ đã xác nhận thời hạn định cư bắt buộc đó là 5 năm. Hiện hai thành phố Sydney và Melbourne có tỷ lệ di dân định cư đạt gần 90% tổng số những người mới đến.
Một nguồn tin bộ trưởng cấp cao cho hay thời hạn bắt buộc này đã được bàn thảo trước khi xảy ra những lộn xộn chính trị dẫn đến việc từ chức của ông Malcolm Turnbull.
Chương trình này được biết sẽ áp dụng cho một số loại visa tay nghề hoặc bảo lãnh gia đình, nhưng trong một vài trường hợp cũng sẽ áp dụng cho cả người tị nạn. Thời hạn 5 năm được quyết định dựa trên nghiên cứu cho thấy đây là ngưỡng mà di dân đã gắn bó với cộng đồng, có việc làm và cho con đi học, và họ sẽ có quyết định chọn ở đâu.
Ông Morrison, người ủng hộ cho việc nhập cư là chìa khóa phát triển kinh tế, được biết đã ký chương trình sơ khởi, nhưng có vẻ như ông sẽ phải rà soát lại chính sách này trước khi đưa ra nội các mới.
Theo số liệu của Bộ Nội vụ, dân số nước Úc đã đạt 25 triệu người, trong đó có 112,000 di dân tay nghề đã đến Úc trong năm qua, 87% trong số đó đã chọn Sydney và Melbourne làm nơi sinh sống.
Vấn đề di dân hồi đầu năm đã nóng lên khi cựu Thủ tướng Tony Abbott nêu quan ngại về chất lượng cuộc sống đang trở nên giảm sút đối với những cư dân Sydney và kêu gọi cắt giảm số lượng di dân xuống 80,000 người mỗi năm cho đến khi hạ tầng cơ sở theo kịp với việc tăng dân số.
Ông Morrison khi đó đã phản đối ý kiến này, cho rằng điều này sẽ gây tổn thấy cho ngân sách khoảng $4 – $5 tỷ trong vòng 4 năm do làm trì trệ sự phát triển kinh tế vốn được đẩy mạnh nhờ di dân.
Cá Domino (SSDH) – Theo newsvietuc