Con đường học PhD tại Mỹ của tôi đã diễn ra như thế nào?

0

Sẵn sàng du học – Chuyện muốn đi du học của tôi đã nhen nhóm từ ngày lớp 9, nhưng tôi chưa từng có một kết hoạch đầy đủ cho tới khi tốt nghiệp đại học. Tôi chỉ biết rằng mình có học lực tốt và nhiều người khuyên tôi nên đi học nước ngoài. Nhưng học từ bậc nào, học ở đâu, học chuyên ngành nào thì tới tận khi tốt nghiệp đại học tôi mới định hình được.

huong-dan-san-hoc-bong-du-hoc-toan-phan

1. Quá trình xin học PhD

1.1. Quyết định học cao học

Tôi học chương trình Kỹ sư tài năng (KSTN) chuyên ngành Điện tử viễn thông ở Đại học Bách Khoa Hà Nội (BKHN). Trong những năm đầu, tôi được dạy tiếng Anh để thi TOEFL  – chỉ để có một chứng chỉ tiếng Anh giúp ích cho tương lai sau này. Ngữ pháp của tôi khá tốt, nhưng kỹ năng nghe và nói rất tệ.

Năm thứ tư đại học, chương trình có thay đổi và yêu cầu để tốt nghiệp với bằng KSTN, chúng tôi cần có chứng chỉ TOEFL hoặc IELTS. Sau ba năm học TOEFL mà không thấy mình tiến bộ, tôi tình cờ tham gia học IELTS cùng một bạn và thấy mình phù hợp với chứng chỉ này hơn. Sau một năm ôn tập, tôi đạt 6.5 IELTS vào tháng 3/2012. Một số điểm vừa đủ để nộp hồ sơ vào các trường đại học ở Mỹ.

hoc-bong-machine-learning-tai-my

Sau khi có điểm IELTS, thầy Nam – thầy hướng dẫn tôi ở BKHN – khuyến khích tôi nộp hồ sơ vào chương trình PhD của các trường đại học tại Mỹ và nhắc tôi tìm hiểu VEF.

Tôi có nghe tới chương trình VEF từ lâu nhưng chưa bao giờ dám tìm hiểu xem họ yêu cầu những gì vì cho rằng chương trình này quá tầm với. Khi có điểm IELTS thì VEF đã sắp hết hạn và tôi vẫn chưa có điểm GRE. Tôi đã nghĩ tới việc tìm học bổng ở Châu Âu, Hàn Quốc, hoặc Nhật vì nghĩ rằng các nơi đó phù hợp với khả năng của mình hơn. Tuy nhiên, thầy Nam nói vui với tôi rằng: “Hồ sơ của em đủ để đi Mỹ, thầy sẽ chỉ viết thư giới thiệu cho em nếu em chọn đi Mỹ”. Tôi tự tin hơn một chút và bắt đầu quyết tâm từ đó. Tuy vậy, tôi vẫn chưa thể toàn tâm làm hồ sơ được vì còn đề tài tốt nghiệp chưa làm xong.

1.2. Những khó khăn trước khi chuẩn bị

Tháng Sáu năm 2012 tôi tốt nghiệp BKHN. Thầy còn một dự án quan trọng nữa nên tôi tiếp tục làm cùng thầy tới giữa tháng Tám mới có thể tập trung cho việc nộp hồ sơ đi Mỹ. Tôi chỉ còn bốn tháng cho đợt nộp hồ sơ giữa tháng 12. Tôi thực sự lo lắng khi biết những người khác thường dành hai ba năm để chuẩn bị hồ sơ.

9967bfa904372830deef7afbdc1d999e

Tôi mới chỉ có điểm IELTS, chưa có GRE, chưa có bài báo khoa học, và cũng chưa có một hướng nghiên cứu rõ rệt ngoài việc sẽ theo Xử lý ảnh/tín hiệu số. Các kiến thức tôi học được về phần cứng ở đại học lại dường như không giúp hồ sơ của tôi mạnh thêm. Tôi gần như không có gì ngoài niềm tin của thầy cô, bạn bè, và của chính mình.

Bước đầu tiên là phải lấy chứng chỉ GRE. Tôi tìm được một nhóm bạn khoảng mười lăm người đang ôn tập GRE. Nhóm học ba buổi một tuần ở một quán cà phê sách tại Hà Nội. Ngày đầu đến tôi thấy các anh chị em học thực sự nghiêm túc và bài bản. Tôi thấy mình may mắn, vì sau khi thi GRE xong cả nhóm còn tập trung cùng nhau nộp hồ sơ và đã giúp đỡ nhau rất nhiều. Nhóm vẫn liên lạc và giúp đỡ nhau trong nhiều năm sau đó.

Lúc đó ra trường rồi nên tôi hạn chế xin trợ cấp từ gia đình, thu nhập kiếm được chủ yếu từ việc dạy thêm. Tôi khá lo lắng vì mỗi buổi đi học thường tốn 20k cho cà phê, và sau đó là các loại phí gửi hồ sơ sang Mỹ và phí ứng tuyển vào các trường. Bố mẹ đã đầu tư cho tôi học tiếng Anh rất nhiều trong những năm trước nên tôi cũng không muốn họ mang thêm gánh nặng. Bố mẹ cũng không hiểu được khả năng được đi học của tôi và thường lo lắng khuyên tôi cân nhắc việc đi làm.

Tôi nộp hồ sơ lấy học bổng Honda YES năm 2012 với kỳ vọng cao nhưng không thành. Lúc đó tôi khá khủng hoảng về mặt tài chính. May mắn thay, tôi luôn được quý nhân giúp đỡ trong lúc khó khăn. Chị Phương trong nhóm GRE đưa tôi một phong bì $500 và nói rằng: “Chị tin em sẽ thành công, khi nào sang Mỹ trả lại chị cũng được”. Thầy Nam gọi tôi lên văn phòng và đưa tôi một phong bì dày: “Em làm cùng thầy hai dự án quan trọng, thầy có một chút trả công cho em, thầy cũng hỗ trợ thêm cho em trong việc nộp hồ sơ. Chúc em thành công”. Tôi thực sự xúc động, càng xúc động hơn khi về nhà mở phong bì thấy một số tiền lớn. Những khoản tiền này cực kỳ quan trọng với tôi thời điểm đó, chắc chắn tôi không bao giờ quên! Thời gian này anh Long – anh trai tôi – giúp đỡ tôi nhiều, mặc dù anh cũng lo lắng về khả năng thành công của tôi.

1.3. Quá trình lựa chọn trường và gửi hồ sơ

Tháng 9/2012 tôi vừa ôn GRE và bắt đầu tìm hiểu thông tin các trường bên Mỹ. Tôi vào trang web USNews xem thứ hạng các trường có ngành Kỹ thuật điện tử (Electrical Engineering, EE). Sau đó bỏ hết các trường trong top 10 vì biết chắc mình không đủ khả năng đỗ. Với mỗi trường trong danh sách từ 10 đến 50, tôi vào trang web của khoa EE tìm các giáo sư làm về xử lý tín hiệu số và gửi email tìm cơ hội. Tôi cũng gửi thư cho một số giáo sư người Việt ở các trường top trên.

180373d28c10133ac20231

Hầu hết các giáo sư không trả lời. Thầy Minh Đỗ ở UIUC có trả lời tôi nói rằng hồ sơ của tôi khá tốt, tuy nhiên thầy không có ý định tuyển thêm sinh viên năm đó và gợi ý tôi nộp cho các thầy khác trong khoa. Một vài giáo sư khác trả lời nhưng nói rằng họ có thể nhận nhưng không có hỗ trợ tài chính. Chỉ duy nhất thầy Vishal Monga ở Penn State trả lời tích cực, chỉ một ngày sau khi tôi gửi email:

“Your application seems interesting. I certainly like students with a strong foundation in linear algebra and probability.

Please just apply to Penn State EE.”

Email này khiến tôi rất vui và tìm mọi cách tạo hồ sơ tốt nhất gửi vào Penn State.

Tôi thi GRE ngày 17/11/2012. Điểm vừa đủ để nộp hồ sơ (Verbal 145, Toán 167, Viết 3.0). Tôi biết có cố gắng thêm nữa thì điểm GRE cũng không cải thiện được nhiều nên dành thời gian tập trung cho việc chuẩn bị các văn bản khác.

Tôi chỉ đủ kinh phí nộp hồ sơ vào năm trường, trong đó Penn State là trường tôi hy vọng nhất. Cuộc phỏng vấn duy nhất của tới là với thầy Vishal Monga vào 28 Tết năm 2013.

Bốn trường kia báo trượt, thầy Vishal Monga email cuối cùng báo sẽ nhận tôi vào ngày 21/03/2013.

2. Quá trình lấy bằng PhD

2.1. Kỳ học PhD đầu tiên (08-12/2013)

Tôi đặt chân tới nước Mỹ đầu tháng 8 năm 2013.

Tôi vào lab cùng năm với một bạn Yuelong Li người Trung Quốc. Việc đầu tiên tôi phải làm là thi một bài thi tiếng Anh xem có phải học thêm phần trình bày không. Vì tiếng Anh giao tiếp ít quan trọng trong ngành kỹ thuật hơn nên dù tiếng Anh nói còn kém, thầy vẫn nhận tôi vào lab.

poster_24x36_wall_mockup_1

Kết quả là Yuelong chỉ phải học thêm một khóa, trong khi tôi phải học ba khóa trình bày và một khóa viết học thuật – con số tối đa cho một sinh viên quốc tế tại Penn State.

Ngoài môn tiếng Anh, kỳ đầu tiên tôi lấy thêm khóa Đại số tuyến tính và khóa Xác suất Thống kê. Yuelong cũng học cùng lớp với tôi cả hai lớp này và điểm quá trình rất tốt, thường nhỉnh hơn tôi đôi chút. Sau bao năm không học toán, tôi lại cảm thấy niềm đam mê trở lại khi được học hai môn này. Trên lớp tôi phát biểu rất nhiều dù tiếng Anh còn tệ. Tôi gần như là ngôi sao trong lớp Xác suất Thống kê vì nhiều lần là người duy nhất có thể trả lời câu hỏi của thầy.

Trong kỳ đầu tiên này, tôi được thầy hướng dẫn nhắc nhiều tới chuyện chuẩn bị cho một kỳ thi quan trọng tên là candidacy exam. Tôi chỉ có thể tiếp tục học PhD nếu vượt qua kỳ thi này. Khoa cho phép tôi thi hai lần nhưng thầy chỉ cho một lần. Thầy luôn nhắc rằng các bạn trước trong lab không những thi qua mà còn thường đạt kết quả cao nhất khoa, rằng chúng tôi phải chuẩn bị thực sự nghiêm túc.

Kỳ thi candidacy có nội dung lấy chủ yếu từ khóa Xác suất thống kê nên trong quá trình ôn thi cuối kỳ môn học này, tôi cũng đã tích lũy được khá nhiều kiến thức. Rất tiếc đây là một trong hai môn đạt điểm A-.

essay-1-1024x883-768x662

Kỳ nghỉ đông năm 2013, sau khi đi du lịch cùng nhóm GRE về (nhóm GRE của tôi được đi Mỹ gần hết năm đó, có hai anh chị còn lại đi năm 2014), tôi tập trung ôn tập cho kỳ thi candidacy. Tôi được 49.5/50, đứng thứ nhất khoa và nhiều hơn Yuelong 0.5 điểm (điều đầu tiên tôi nhỉnh hơn Yuelong). Kết quả kỳ thi này khiến tôi tự tin hơn nhiều. Tôi dường như đã tìm lại được đam mê bị mất hồi đại học của mình.

Tôi chính thức trở thành ứng viên PhD (PhD candidate). Việc còn lại của PhD là kỳ thi comprehensive và ba bài tạp chí khoa học (transaction papers) để có thể tốt nghiệp. Đây là một nhiệm vụ khó khăn nhưng tôi luôn tin rằng mình có thể làm được.

2.2. Một năm rưỡi tiếp theo

Kỳ mùa xuân năm 2014 tôi học môn Nhận dạng vật thể (Pattern Recognition) và bắt đầu thấy thích machine learning. Tôi tự tìm học thêm khóa Machine Learning của Andrew Ng và sau đó là khóa Tối ưu lồi của Stephen Boyd. Tôi chọn machine leanring vì yêu thích, và chọn học Tối ưu lồi vì đó là thế mạnh của lab. Các công trình nghiên cứu của lab đều có phần tối ưu.

Lúc đó lab tôi chủ yếu giải quyết các bài toán phân loại dựa trên việc xây dựng mô hình thưa (sparse model). Các thuật toán đó thường không yêu cầu học nhưng yêu cầu giải một bài toán tối ưu tương đối khó khi đưa ra quyết định. Tôi khá thích các mô hình thưa và các thuật toán học nên chọn hướng nghiên cứu về học từ điển (dictionary leanring).

hoc-bong-toan-phan-tai-my-768x576

Hè 2014 tôi được giao đề tài đầu tiên về phân loại và dò tìm các tế bào ung thư trong ảnh y tế. Bài toán này đã được giải quyết phần nào bởi một anh trong lab đã tốt nghiệp. Tôi được giao nhiệm vụ cải thiện độ chính xác của thuât toán phân loại.

Với kiến thức hạn chế của mình hồi đó, tôi chỉ nghĩ ra được một ý tưởng rất đơn giản. Ý tưởng đó đơn giản đến mức tôi không tin chưa có bài báo nào sử dụng. Đôi khi tôi không nghĩ có thể được viết thành một bài báo khoa học với ý tưởng này.

Tôi cố gắng biến ý tưởng đó phức tạp hơn bằng nhiều cách khác nhau và lập trình tất cả các ý tưởng tôi có được. Tôi thay đổi thuật toán hàng ngày, đến mức bạn làm cùng gần như phải gắt lên: “Tại sao bạn lại luôn luôn thay đổi ý tưởng như vậy” (I don’t know why you keep changing ideas). Cuối cùng khi hạn nộp bài đến gần, tôi không còn cách nào khác phải quay lại ý tưởng đơn giản đầu tiên. Sau một vài thay đổi nhỏ, thuật toán đó làm việc rất tốt.

Bài báo bốn trang đầu tiên được tôi viết rồi sửa đi sửa lại theo ý kiến đóng góp của thầy và bạn làm cùng trong hơn ba tuần. Tôi nộp bài mà trong lòng luôn lo lắng, đến mức tôi từng mơ thấy bài báo bị từ chối vì ý tưởng đó đã được sử dụng trước đó. Rất may, chuyện đó không xảy ra và tôi có bài báo hội nghị đầu tiên được chấp nhận.

Sự tự tin trong tôi tăng lên một chút.

2.3. Ba năm cuối

Như đã nhắc ở phần trên, có một quy tắc ở lab tôi là phải có ba bài báo ở các tạp chí lớn thì mới được tốt nghiệp. (Bạn có thể xem thêm Quá trình viết và nhận xét các bài báo khoa học.)

bg2-1024x408

Thầy yêu cầu tôi chuẩn bị mọi thứ để mở rộng bài báo hội thảo vừa được nhận. Trong lab tôi, thường thì tại hội thảo chúng tôi sẽ trình bày các kết quả của bài tạp chí tương ứng. Vừa tự thúc mình có kết quả sớm, vừa trình bày và xin ý kiến của đồng nghiệp tại hội thảo.

Sau khi dự hội thảo vào tháng 4/2015, tôi về viết bài và tới tháng 6/2015 nộp bản thảo đầu tiên cho một tạp chí khá lớn về xử lý ảnh y tế (Transaction on Medical Imaging). Thật may mắn, tôi nhận được phản hồi vào đầu tháng Tám, nộp bản sửa vào cuối tháng Chín và nhận được email báo được chấp nhận vào cuối tháng Mười. Tổng thời gian xử lý là hơn bốn tháng – rất nhanh so với trung bình.

Tôi cảm thấy PhD của mình có vẻ suôn sẻ hơn so với các bạn khác.

Sau khi có bài tạp chí đầu tiên, tôi phải chuẩn bị cho kỳ thi thứ hai trong chương trình học – comprehensive exam. Trong kỳ thi này, tôi phải trình bày ý tưởng cho đề tài tốt nghiệp trước một hội đồng gồm bốn giáo sư. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ vì tôi có một bài tạp chí và đề xuất một ý tưởng mới cũng cho bài toán phân loại. Khi có một công trình được chấp nhận, việc bảo vệ đề xuất này trở nên đơn giản hơn nhiều.

Sau dấu mốc này, tôi nhận thấy sự thay đổi trong cách thầy hướng dẫn nói chuyện với mình và tôi cũng thấy tự tin hơn rất nhiều khi nói chuyện với thầy.

Thực ra, tôi biết rằng nhiều ứng viên PhD có thể tốt nghiệp với chỉ một bài tạp chí khoa học. Tất nhiên, tôi không muốn dừng lại ở đó.

Tháng 2/2016, sau khi nộp thêm một bài báo hội nghị, tôi thảnh thơi về Việt Nam ăn Tết. Trước đó tôi nhận được tin một học giả người Mỹ gốc Việt tại Phòng nghiên cứu lục quân Hoa Kỳ (U.S. Army Research Lab) – một người bạn của thầy hướng dẫn – đã nhận tôi vào làm thực tập mùa hè năm 2016. Tôi cũng quay lại thực tập lần hai vào năm 2017.

job-vs-career-10-key-differences-you-need-to-understand-1-638

Tới bây giờ, tôi thấy đáng tiếc vì lẽ ra nên tìm một chương trình thực tập tại một công ty công nghệ lớn …

Sau kỳ thi comprehensive, tôi có thêm hai bài tạp chí nữa và đang viết thêm một bài. Tôi cũng có một vài bài hội nghị, trong đó có một bài được vào danh sách ‘Finalist for the best student paper award’ tại ICASSP 2017 (hội thảo này có hơn 1000 bài báo được chấp nhận, khoảng 20 trong số đó được đề xuất cho giải thưởng bài báo xuất sắc nhất).

Thầy khá tự hào về tôi vì đây là hội thảo lớn trong ngành. Thấy thầy tự hào, tôi cũng tự hào lây.

Với số lượng bài báo và trích dẫn cao, tôi được nhận giải luận án xuất sắc trong khoa vào tháng 4/2018 trước khi bảo vệ PhD thành công ngày 11/9/2018.

2.4. Tôi làm gì ngoài thời gian nghiên cứu

PhD là một quá trình dài. Vì tôi chưa có bằng thạc sĩ khi bắt đầu nên chương trình sẽ kéo dài ít nhất năm năm. Trong thời gian này, tôi cần phải tìm cho mình nhiều thú vui khác ngoài việc nghiên cứu.

hoi-dap-hoc-bong-toan-phan

Đầu tiên là phải tìm bạn. Tôi khá may mắn vì Penn State có khá nhiều sinh viên Việt Nam. Có một số gia đình người Việt ở đây nên tôi cũng sớm tìm được người chơi. Những năm đầu, khi tuổi tôi gần với các bạn sinh viên đại học, tôi thường xuyên tham gia các hoạt động của hội sinh viên Việt Nam. Nhưng các bạn ấy tốt nghiệp dần và thay vào đó là các bạn trẻ hơn mình khoảng bảy tám tuổi. Tôi dần thấy mình không phù hợp với thế hệ đó nữa. Cũng may rằng tôi thuộc thế hệ cuối 8x nhưng vẫn nói chuyện được với các anh chị đầu 8x thậm chí cả 7x, và chơi rất thân. Tôi may mắn làm bạn được với hai gia đình anh Quang chị Hằng và anh Long chị Duy. Những kỷ niệm đẹp cùng hai gia đình này tôi sẽ không bao giờ quên.

Tiếp theo là việc nấu ăn. Việc này tôi đã làm nhiều vì đã xa nhà từ năm chín tuổi (xem thêm Con đường học Toán của tôi). Tuy nhiên, câu chuyện nấu ăn khi học PhD lại hoàn toàn khác. Ở Việt Nam, tôi có nhiều lựa chọn nếu không có thời gian nấu ăn. Ở Mỹ thì khác, vùng tôi ở đồ ăn Việt rất hạn chế. Đồ ăn nói chung đắt và một suất ăn thường không ngon và không đủ. Rất may trong thị trấn tôi ở có nhiều người châu Á nên có hai chợ châu Á nho nhỏ, có đủ đồ đề mình kho cá, nấu bún riêu hay bất cứ món gì mà tôi nhớ đến. Youtube, trí nhớ và trí tưởng tượng đã giúp tôi nấu được nhiều món ăn. Sau này tôi và vợ có thể thay nhau nấu ăn hàng ngày được.

Tôi có khá nhiều thời gian rảnh trong những năm đầu. Thời gian đầu còn gọi điện về nói chuyện với bạn bè ở Việt Nam nhiều. Sau rồi các bạn bận việc gia đình và giờ giấc lệch nhau nên tôi ít nói chuyện dần. Tôi mua kindle và download các tiểu thuyết và sách lịch sử về đọc. Tôi quay lại niềm vui đọc sách như hồi cấp ba, có một năm tôi đọc được tới 30 cuốn sách. Thời gian cuối PhD tôi ít đọc hơn vì bận nhiều việc trong đó có việc viết blog này.

Một thú vui quan trọng khác là chơi thể thao. Sang bên này thấy ai cũng chơi thể thao, nhiều người đẹp trong khi mình hồi đầu thì hơi còi. Tôi chơi rất nhiều môn: chạy, đá bóng, đạp xe, bơi, leo núi, trèo tường (bouldering). Có thể chất tốt rồi tinh thần cũng thoải mái hơn và có sức chạy đường dài PhD.

Đừng để mình bị ốm ở nước Mỹ. Bạn phải tự chăm sóc vì ai cũng có việc riêng của mình. Thuốc lại rất đắt và bạn vẫn phải đi làm khi bị ốm nhẹ.

Hè năm 2016 khi đang thực tập tại Phòng nghiên cứu lục quân Hoa Kỳ, tôi có khá nhiều thời gian rảnh vì đã nộp bài tạp chí thứ hai. Tôi tạo một kênh Youtube Hướng dẫn LaTex cơ bản. Vì lab tôi yêu cầu các báo cáo, bài báo và slide phải được làm bằng LaTex, sau ba năm làm việc, tôi khá tự tin với kỹ năng sử dụng LaTex của mình. Tất cả các hình vẽ trong PhD của tôi cũng được vẽ bằng LaTex với chất lượng cao. Vì vậy tôi muốn chia sẽ những gì mình biết thông qua kênh Youtube này.

Tuy nhiên, tôi sớm nhận ra rằng việc tạo các clip tốn quá nhiều thời gian và rất khó khăn nếu muốn chỉnh sửa về sau. Lượng khán giả cũng ít vì LaTex kén người học. Tôi dừng việc ra clip sau khoảng hai tháng.

Kỳ nghỉ đông cuối năm 2016, lúc đó tôi đang ở năm thứ tư của chương trình PhD, tôi bắt đầu lên kế hoạch chuẩn bị cho xin việc sau khi ra trường. Lúc đó machine leanring/deep learning đã nở rộ và nhà nhà người người nói về nó. Tôi thấy rằng mình cần phải chuẩn bị kỹ các kiến thức về lĩnh vực này. Tôi có tham gia một nhóm nhỏ ở Việt Nam dịch cuốn “Deep learning” nhưng sớm rời nhóm. Tôi nhận thấy nhóm này làm việc chưa hiệu quả và nhiều thành viên chưa nắm vững các khái niệm cơ bản. Tôi bắt đầu nhen nhóm ý tưởng tự viết lại các thuật toán theo cách hiểu của mình.

Và blog ‘Machine Learning cơ bản’ ra đời. Sau đó là facebook page, facebook group, fundaml, ebook, sách giấy (đang in) và gần đây nhất là diễn đàn Machine Learning cơ bản.

3. Khó khăn xuất hiện cuối chặng đường

Năm cuối cùng của chương trình PhD tôi gần như không có công trình khoa học nào mới. Phần vì tôi dành khá nhiều thời gian cho Machine Learning cơ bản, phần vì tôi biết mình đã đủ điều kiện để tốt nghiệp, phần còn lại là tôi phải tập trung xin việc.

Không giống các thành viên khác trong lab, việc xuất bản các bài báo của tôi khá suôn sẻ. Tất cả các bài có tên tôi đều được chấp nhận.

Và cũng không giống những bạn đã tốt nghiệp đi làm, quá trình xin việc của tôi trắc trở hơn rất nhiều. Trước tôi, các bạn tốt nghiệp xin được việc ở Apple, Microsoft và nhiều phòng nghiên cứu khác. Tôi cũng tự tin cho rằng mình cũng có thể xin được việc trong hai ba tháng và có thể tốt nghiệp vào mùa hè năm 2018.

Những năm trước khi xin thầy hướng dẫn đi thực tập ở các công ty, thầy hướng dẫn luôn nói rằng tôi không nên lo quá sớm về công việc, rằng tôi cần bình tĩnh, rằng khả năng của tôi tốt nên sẽ có việc tốt.

Quá trình xin việc của tôi kéo dài nửa năm, từ cuối tháng hai đến cuối tháng tám năm 2018. Tôi thực hiện khoảng 50 cuộc phỏng vấn qua điện thoại, đi phỏng vấn onsite tại tám công ty. Bay khoảng hai ba chục chuyến và lái xe lên tới hàng ngàn dặm trong mùa hè. Tôi rất thích Seattle nhưng ba công ty mời tôi đến phỏng vấn đều cho rằng tôi thiếu kinh nghiệm thực tế. Điều tương tự xảy ra với hai công ty ở bờ Đông nước Mỹ. Tới tận gần ngày bảo vệ tốt nghiệp tôi mới nhận được hai thư chấp nhận tại hai công ty khởi nghiệp tại Sillicon Valley. Sau khi hỏi ý kiến nhiều bạn bè, tôi quyết định nhận vị trí ‘Deep Learning and Compter Vision Researcher’ của một công ty làm về xe tự lái. Tôi là nhân viên thứ 13 của công ty.

hoc-bong-thac-si-toan-phan-tai-my-768x432

Thầy tôi nói vui rằng không ai có nhiều phỏng vấn onsite như tôi, và luôn động viên tôi tự tin vì có nhiều công ty gọi phỏng vấn như thế. Theo tôi chuyện này dễ hiểu vì những người khác có việc sau khi phỏng vấn với hai hoặc ba công ty nên họ dừng lại. Tôi có buồn sau khi nhận được những email từ chối đầu nhưng sau tôi không còn thời gian để mà buồn vì còn phải lo quá nhiều việc, cả việc cá nhân, trong mùa hè năm 2018. Tôi buồn nhưng không bao giờ mất hy vọng.

4. Kết luận

Lịch bảo vệ của tôi là cuối tháng năm nhưng phải lùi lại tới đầu tháng chín. Tôi không thể bảo vệ khi chưa có việc vì visa không cho phép tôi ở lại quá lâu mà không có việc. Tôi phải lên lịch bảo vệ trước khi có việc vì lúc đó đã quá muộn. Từ tháng tám tôi không còn được nhận lương, tháng chín phải nộp học phí và bảo hiểm cho kỳ mùa thu. Tôi biết mình không còn nhiều thời gian và số tiền tiết kiệm chỉ có thể giúp tôi sống ba tháng ở Mỹ. Thật may mắn, mọi chuyện tốt đẹp xảy đến cùng nhau.

san-hoc-bong-tien-sy-tai-uc-1-1024x402

Luôn hy vọng, nhưng đừng kỳ vọng quá cao. Phải hy vọng và lạc quan vì suy nghĩ tiêu cực không bao giờ khiến vấn đề tốt lên. Đừng kỳ vọng cao để khi kết quả không như ý muốn mình không bị suy sụp.

Nước Mỹ dạy cho tôi phải luôn cố gắng, phải giữ niềm tin và sức khỏe cho những mục tiêu dài hơi.

Best things come to those who wait.

Thái Hải (SSDH) – Theo Nguồn học bổng

Share.

Leave A Reply