Sẵn sàng du học – Khi xã hội đã tiến bộ đến mức chóng mặt, việc nâng cao kiến thức để có thể hòa nhập giữa thế giới phẳng trở thành một áp lực hơn bao giờ hết nếu không muốn bị tụt lại phía sau hoặc xa hơn nữa, để trở thành công dân toàn cầu mang quốc tịch Việt Nam như cách nói của những người đã hoặc đang dự định cho con du học.
Không như trước kia, việc du học chỉ dành cho con em những nhà “có điều kiện” hoặc những học sinh thực sự xuất sắc du học bằng học bổng thì giờ đây, đối tượng du học đa dạng hơn. Hiệu quả của việc cho con du học hẳn ai cũng biết, con cái được đào tạo ở môi trường giáo dục tiên tiến, được sống ở xứ sở văn minh vượt trội, kỹ năng ngoại ngữ cải thiện đáng kể, tương lai tìm được công việc tốt sau khi tốt nghiệp, chưa kể khả năng du học sinh tìm được cơ hội để ở lại bản xứ… Bấy nhiêu đó đủ hấp dẫn bao nhiêu người để bằng cách này hay cách khác cho con du học. Nhưng phải chăng việc du học chỉ toàn lợi ích tốt đẹp hay đó chỉ là bề nổi của tảng băng với những “đắng cay” mà người trong cuộc ít khi thổ lộ?
Nghi, cô bé tôi quen, lần đầu xa nhà để du học ở Mỹ. Lúc ở nhà, Nghi vốn là cục cưng, đi đâu cũng có bố mẹ nên khi sang Mỹ, dù bố mẹ đã thu xếp cho Nghi ở cùng nhà host (tạm dịch: nhà trọ) khá tiện nghi và đắt tiền, Nghi vẫn không khỏi hụt hẫng. Thời gian đầu, đêm nào Nghi cũng gọi cho mẹ, hai mẹ con vừa trò chuyện vừa khóc vì nhớ.Nơi Nghi ở lạnh quanh năm khiến cô bé thường xuyên bị bệnh đường hô hấp. Đã vậy, nhà chủ còn nuôi chó với mèo trong khi cô rất sợ mấy loại thú nuôi trong nhà này. Sợ chuyển trường giữa năm ảnh hưởng việc học, Nghi ráng chịu đựng đến hết năm. Cũng may, lịch học với các sinh hoạt ngoại khoá dày đặc nhưng thú vị nên giai đoạn khó khăn ấy rồi cũng qua, giờ nhắc lại, Nghi vẫn chưa hết rùng mình.
Khi được hỏi, rồi có định cho đứa con kế tiếp sang ấy học không, mẹ cô bé, bạn tôi, vẫn quyết tâm cho con đi càng sớm càng tốt.
Chị Lam, một chị bạn ở quận hai cũng có con học ở Mỹ. Năm đầu, chị khăn gói sang thăm con, tranh thủ thu xếp công việc cộng mấy ngày tết cũng được ba tuần. Thế nhưng sang đó, con không được nghỉ lễ như mình, ban ngày con đi học, chị ở nhà loanh quanh. Những năm sau, thấy tốn kém, công việc lại khó khăn, chị không sang nữa. Ngày lễ tết, trong khi những nhà khác quây quần đông đủ, gia đình chị hội ngộ qua màn hình Facetime hay Messenger, đôi lúc cũng chạnh lòng nhưng rồi tự an ủi, thiệt thòi hôm nay để được bù đắp ở ngày mai cũng đáng mà.
Chị Tuyến, một phụ huynh có con học cùng con tôi ở một trung tâm ngoại ngữ kể, thu nhập không cao nhưng chị vẫn gom hết tiền tích lũy cho con du học. Ở nhà nhiều lúc thiếu hụt, chi tiêu rất tiết kiệm nhưng chị không dám than, sợ con biết sẽ buồn rồi xao lãng việc học, xem như tiền locho con là khoản để dành, gì chứ đầu tư cho kiến thức thì đâu sợ lỗ, chị bảo vậy. Bù lại, thấy con học hành thoải mái, vui vẻ, lại tự tin, hoạt bát hơn khi ở nhà, chị thấy như được bù đắp. Mỗi lần nghe con hớn hở khoe đang tham quan một nơi nào đó cùng thầy cô, bạn bè, xem kết quả học tập xuất sắc của con trên web của trường hoặc nhận email khen ngợi từ giáo viên là chị quên hết vất vả.
Dẫu khó khăn đến từ việc hòa nhập để thích nghi, môi trường sống khắc nghiệt hay những chật vật trong việc xoay sở học phí cao quá tầm với của mình nhưng chỉ cần con đạt kết quả học tập tốt, nhiều người đã thấy nỗ lực của mình là xứng đáng. Không như anh Hưng, một “đại gia” bất động sản mà tôi quen, con gái anh ham chơi hơn học, phần vì cô bé vốn quen được nuông chiều từ nhỏ, phần vì sức học của con chỉ ở mức trung bình nhưng vợ chồng anh vẫn quyết tâm cho đi nên chỉ sau một thời gian ngắn, cô bé kết hôn ở tuổi đời còn rất trẻ và bỏ học. Cho con về nước thì mất mặt nên mỗi tháng anh phải gửi qua gần chục nghìn đô-la Mỹ để nuôi cả vợ chồng con gái lẫn cháu ngoại vì con anh chưa làm ra tiền.
Thực tế, không hẳn lúc nào cho con du học cũng là hình thức đầu tư đảm bảo khả năng sinh lợi, không phải học sinh nào du học về cũng tìm được công việc tốt để “gỡ lại” khoản tiền gia đình đã đầu tư cho con du học như tính toán của nhiều người. Con một chị bạn tôi, sau khi du học về, loay hoay mãi vẫn không tiến thân nổi ở mấy công ty trong nước nên đã quay lại Mỹ tìm việc. Tuy nhiên, quan điểm của chị Hoài, một chị bạn tôi ở Bình Dương có con du học, rất đáng để suy ngẫm: “Đã nuôi con ít ai tính chuyện lời – lỗ, chỉ cần con sống vui, khỏe mạnh và hạnh phúc là đủ rồi, dĩ nhiên nếu con thành đạt thì niềm vui sẽ lớn hơn.
Tuy nhiên, nếu chấp nhận cho con du học với những khoản tốn kém không nhỏ, trước tiên hãy nghĩ hạnh phúc của bố mẹ chính là đem đến cho con môi trường tri thức ưu việt, để con tiếp cận kiến thức với sự thích thú thay vì xem con là công cụ thực hiện những kỳ vọng của bố mẹ bằng áp lực thành tích với những cam kết “sinh lợi”. Đó mới thực sự là thương con!
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Lao động trẻ