Sẵn sàng du học – Thấy con trai du học Mỹ về cả năm vẫn chưa xin được việc, ông Thăng quyết rút nốt tiết kiệm ‘chạy’ cho con vào một cơ quan Nhà nước.
“Tốn gần 5 tỷ đồng cho nó ăn học bên kia 4 năm mà giờ vẫn phải lo xin việc, quá lỗ”, ông Thăng (Nam Từ Liêm, Hà Nội) than.
Làm việc cho tập đoàn đa quốc gia, thu nhập của ông Thăng khá cao và được dồn hết cho việc học của cậu con trai đầu. Sau khi con tốt nghiệp cấp 3, ông cho sang Mỹ học tài chính ngân hàng với mong muốn sau này con có thể định cư bên đó hoặc về nước thì cũng dễ có việc tốt lương cao. Tốt nghiệp năm 2015, sau mấy tháng ở lại nhưng không xin được việc, con trai ông về nước.
Nghỉ ngơi 3 tháng, chàng trai 23 tuổi cũng rải hồ sơ xin việc ở nhiều công ty nhưng nơi thì từ chối vì đòi hỏi kinh nghiệm, chỗ thì trả lương quá thấp. Vài tháng trước, cậu chấp nhận một công việc trái ngành, lương khởi điểm chỉ 4 triệu đồng nhưng cũng chỉ được 3 tháng thì xin nghỉ vì thấy quá gò bó.
Sốt ruột khi thấy con quanh quẩn ở nhà, ông Thăng rút khoản tiết kiệm dự phòng để chạy cho con vào làm ở một ngân hàng. “Lương ở đó ban đầu cũng thấp thôi nhưng còn đúng chuyên ngành con học và có cơ hội phát triển, chứ giờ nhìn con vật vờ, chán nản, mình cũng không đành”, ông nói.
Cả gia đình ông Quân ở Hoàng Hoa Thám, Hà Nội thì xáo trộn cả năm nay khi cậu con trai đi du học châu Âu về nhất định không vào làm ở một công ty do bố nhắm trước mà lại đòi đi tu.
“Vợ chồng tôi 7 năm nay phải thắt lưng buộc bụng để lo cho nó học nước ngoài, hết đại học rồi lên cao học, thế mà giờ xong nó phán một câu là không hợp ngành kinh doanh tính toán, chỉ muốn sống bình an theo nghiệp tu hành”, ông Quân kể.
Khi bị bố thúc ép đi làm, cậu con trai còn phản đối quyết liệt bằng cách dọa tử tử. Bố mẹ đang phải cầu cứu nhà tâm lý để mong lay chuyển được ý định của con.
Thực tế, hiện nay, nhiều du học sinh khi trở về nước không tìm được việc hoặc làm công việc không phát huy hết tiềm năng, lương thấp.
Lý do, theo ông Hoàng Huy, giám đốc marketing một công ty du lịch lớn tại TP HCM, là nhiều bạn chưa định vị được chính xác bản thân mình trong môi trường mới. Từng trực tiếp tuyển dụng nhiều du học sinh, anh thấy một số bạn đặt quá nhiều kỳ vọng, thậm chí có người ảo tưởng nghĩ mình học trường hàng đầu ở nước ngoài thì về nước phải làm CEO hay vị trí quản lý cấp cao mới xứng, trong khi năng lực và kinh nghiệm chưa đáp ứng. Nhiều bạn học ở Tây về là thích nói chuyện chiến lược, chuyện vĩ mô nhưng những câu chuyện nho nhỏ của thực tế công việc lại chưa hiểu nhiều.
Anh Huy cho rằng du học là sự đầu tư cần tính toán kỹ nhất bởi “vốn” bỏ ra rất lớn – là tâm huyết, thời gian, tiền bạc và trí lực của cả người học lẫn gia đình – còn lợi nhuận thu về chính là chất lượng cuộc sống của người đó sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, nhiều gia đình Việt chưa cân nhắc kỹ lưỡng những điều này mà “đầu tư” theo hiệu ứng đám đông, chẳng hạn, có thời đổ xô cho con du học ngành IT hay lúc khác thì thi nhau chạy theo cơn sốt ngành tài chính, kinh doanh…
Theo anh, khi cho con đi du học, phụ huynh thường phải đầu tư cả vài tỷ, nên khi con ra trường, đi làm lương chỉ vài triệu thì ai cũng sốc. Vấn đề là, chính mỗi gia đình phải xác định rõ ràng từ trước khi đi và hiểu rằng du học không phải giấy chứng nhận chắc chắn thành công.
Thạc sĩ Lã Thị Linh Nga, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục (Hà Nội), cho biết, việc người trẻ sau khi du học về chưa lập tức thành công cũng là điều hết sức bình thường. Khi quay lại Việt Nam, phần lớn du học sinh đều cảm thấy không nhiều thì ít có sự hẫng hụt.
Khi ra đi, họ tới các nước phát triển, văn minh và tươi đẹp hơn về cả cảnh sắc, môi trường sống và làm việc, ứng xử. Khi về Việt Nam, thấy sự khác biệt quá lớn, cả trong cách suy nghĩ, làm việc nên họ dễ chán nản, thất vọng.
Những người có ý chí, khả năng thích ứng tốt hay bị thôi thúc phải làm việc để mưu sinh thì thường sẽ nhanh chóng hòa nhập lại và cố gắng tìm việc phù hợp. Một số khác, nhất là con cái những gia đình giàu có, nếu không biết mình muốn gì, thì thiếu động lực để vượt qua. Nhiều người không chấp nhận được việc mình có tấm bằng ngoại nhưng lại bị trả lương thấp, làm việc không đúng chuyên ngành, không “xứng tầm” nên không đi làm.
Theo chuyên gia, phụ huynh nên hiểu điều này để giúp con định hướng ngay từ trước khi đi và sớm thích ứng lúc quay về.
Trước khi cho con du học, cha mẹ cần chú ý hướng nghiệp dựa trên sở thích, năng lực của con và điều kiện thực tế của gia đình, môi trường sống. Nhiều người bắt con phải theo một ngành nghề do mình chọn mà không quan tâm xem con thực sự muốn gì. Không ít trường hợp, dù con năng lực còn hạn chế hoặc không hề muốn đi du học nhưng bố mẹ nhất định đẩy đi với lý do “học ở Việt Nam chán lắm”.
Vừa làm nghiên cứu sinh tại Anh, thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền, Giảng viên Khoa Khoa học giáo dục, ĐH Sư Phạm TPHCM cho rằng, để tránh khoản đầu tư cho du học thành “công cốc”, phụ huynh và học sinh cần chuẩn bị nhiều thứ hơn là chỉ nhằm đạt được cái bằng ngoại.
Phải xác định rõ cạnh tranh diễn ra ở mọi nơi nên chuyện xin việc và ở lại xứ người không dễ. Ở trong nước, nhà tuyển dụng luôn cần người làm được việc ngay nên nếu du học sinh tích luỹ được kinh nghiệm qua các việc làm thêm hoặc thực tập thì là lợi thế. Nếu biết chấp nhận vị trí và lương vừa phải, làm vài năm để tích lũy kinh nghiệm, phần lớn các bạn sẽ nhanh chóng tiến xa.
Ngoài ra, bố mẹ cũng cần thay đổi quan điểm. Cho con đi du học trước hết là để con trải nghiệm môi trường mới, tích luỹ kiến thức chuyên môn cập nhật và hàng loạt các kỹ năng nghề nghiệp lẫn kỹ năng mềm khác mà chương trình đào tạo trong nước chưa đáp ứng. Chuyện việc làm tốt và lương cao sẽ là kết quả tiếp theo nếu họ làm được các điều trên.
Cùng quan điểm này, chuyên gia Lã Linh Nga cho rằng, cho con đi du học, bố mẹ không nên xác định đó là một khoản đầu tư để thu về, mà hãy coi đó là cách tạo nền móng để con vững vàng phát triển, có thêm nhiều cơ hội tìm được niềm vui trong cuộc sống. Nếu đầu tư kiểu mong sau này được “trả nợ” thì cha mẹ sẽ dễ thất vọng và vô hình đặt áp lực quá lớn lên con cái.
Vợ chồng chị Hà ở Thanh Xuân, Hà Nội từng mong chờ cô con gái đi du học ngành quản trị kinh doanh về để tiếp quản công ty của bố mẹ. Tuy nhiên, sau khi về nước, cô gái chỉ thích làm thiện nguyện nên đã xin vào một tổ chức phi chính phủ để được đi cứu rùa, đếm vượn, lên vùng núi giúp trẻ nghèo… Thấy con như vậy, lại không chịu lấy chồng, vợ chồng chị Hà luôn thấy phiền muộn nên hết nhẹ nhàng khuyên can đến dùng biện pháp mạnh ngăn cản nhưng đều không ăn thua.
Cuối cùng, trong chuyến lên vùng núi thăm con gần đây, anh chị đã từ bỏ ý định thuyết phục con về thành phố làm và chấp nhận để con sống theo ý mình, sau khi nghe cô gái bộc bạch: “Bố mẹ cho con đi du học cuối cùng cũng là mong con có cuộc sống hạnh phúc, đúng không? Bây giờ con đang thấy cuộc đời đầy ý nghĩa. Đừng bắt con phải sống cuộc đời người khác nữa!”.
Thái Hải (SSDH) – Theo vnexpress