Sẵn sàng du học – Thời nào, người Việt ra nước ngoài cũng được đánh giá cao ở tính siêng năng, chịu học. Tuy nhiên, do môi trường học tập nhiều nơi máy móc, lỗi thời, cách tiếp cận thiếu thực tế khiến sinh viên ra trường không có kỹ năng mềm làm việc.
Do đó, học thế nào, ý thức tổ chức việc học ra sao, là câu hỏi lớn để người lao động hòa nhập trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Bản thân tôi vừa vỡ ra bài học lớn về điều này ở đất nước mới Bỉ.
Vừa rồi tôi đăng ký học nghề nhân viên thư viện. Khóa học có tổng cộng 6 học trình, không nhất thiết phải học theo thứ tự. Có thể chọn bất cứ học trình nào để bắt đầu, kết thúc cũng vậy. Nhưng thông tin khóa học ghi rõ có 2 học trình phải hoàn thành kèm 40 giờ thực tập trong thư viện.
Do không nghiên cứu kỹ điều này, tôi đăng ký và trả tiền 2 môn học xong, ung dung vào lớp chờ nhận thư giới thiệu đi thực tập từ tay giảng viên xong mới gõ cửa các thư viện giống quy trình học tại Việt Nam. Rồi tôi vỡ lẽ, không phải cứ có giấy giới thiệu của trường, của giảng viên mà các thư viện sẵn sàng mở cửa cho mình vào thực tập.
Tôi đem giấy giới thiệu của trường đi các thư viện suốt 2 tuần liền đều bị từ chối. “Hiện tại chúng tôi không có đủ người để hướng dẫn thực tập sinh”, “Xin lỗi, chúng tôi đã có quá nhiều tình nguyện viên rồi, không còn chỗ cho thực tập sinh nữa”, “Thư viện chúng tôi đang tu sửa, không thể nhận thực tập”… Nhưng có một lý do khiến tôi thấm thía nhất: “Đã có học viên cùng trường với cô xin thực tập chỗ chúng tôi từ mấy tháng trước rồi”.
Đem sự việc chia sẻ với Thảo, Tiến sĩ dược học, đang làm việc cho Công ty hóa chất Merck Millipore tại Molsheim (Pháp), chị cho biết: “Vậy là em chưa nắm được cách thức học, quy trình thực tập bên này rồi. Người học phải tự tìm chỗ thực tập trước khi đăng ký môn học ấy. Cái gì cũng phải có kế hoạch và lên thời gian chuẩn bị từ sớm”.
Rồi chị Thảo khuyên tôi viết thư trình bày nguyện vọng thực tập làm sao thuyết phục người quản lý đọc đã, rồi mới nghĩ đến chuyện có nhận mình hay không. Trong thư xin thực tập, phải trình bày nguồn gốc Việt, đã từng làm nghề báo trong nước nhiều năm. Nhưng học là công việc cả đời, và nước Bỉ là một thế giới mới nên tôi muốn học nghề mới để hòa nhập cuộc sống. Quả nhiên tác dụng. Người quản lý đã chịu đọc thư tôi, và hồi âm bày tỏ sự quan tâm.
Ông thủ thư trong thư viện nơi tôi thực tập giơ hai cái kéo cắt giấy lên, hỏi tôi “Theo cô, kéo nào tốt hơn”. Tôi chỉ vào chiếc kéo dày và nặng hơn. Ông gật gù “Cô nghe tiếng cắt cũng sẽ biết thôi. Kéo Nhật đấy”. Nếu tôi là người Nhật, chắc chắn lúc đó tôi hẳn sẽ tự hào lắm. Nhìn lên bàn ông thủ thư, tôi thấy trên chồng sách đang cần làm lại mã mới có bìa cuốn sách in bức ảnh “em bé Napalm” Phan Thị Kim Phúc. Tôi reo lên “A, sách về chiến tranh Việt Nam”.
Ông thủ thư gật gù “Cô cứ chịu khó thực tập ở đây sẽ biết, chúng tôi còn nhiều sách về Việt Nam lắm. Không phải chỉ sách về chiến tranh Việt Nam mà còn sách về du lịch Việt Nam nữa”. Và tôi chợt nhận ra một điều, các xã hội văn minh luôn khuyến khích văn hóa đa dạng, nếu biết cách tiếp cận sẽ được chấp nhận.
Tương tự hoàn cảnh của tôi, cô bạn gái từng là giảng viên ngoại ngữ ở Hà Nội cũng tìm việc làm ở Hà Lan. Theo thông tin tuyển dụng người ta cần giáo viên cho các lớp hướng dẫn người mới nhập cư hòa nhập xã hội Hà Lan. Bạn tôi giỏi tiếng Anh, nhưng tiếng Hà Lan lại không thạo như các ứng viên người Trung Đông, Tây Á. Nghe các ứng viên kia trả lời phỏng vấn trôi chảy bằng tiếng Hà Lan, cô cho biết: “Em nghĩ mình trượt job này rồi. Các ứng viên kia chỉ bị hỏi 20 phút rồi cho ra, còn em họ xoay những hai tiếng rưỡi, lúng túng và ấp úng”.
Nhưng nhìn vào giáo trình bạn tôi soạn thử cho một buổi giảng trước hội đồng phỏng vấn, tôi có niềm tin bạn tôi sẽ được nhận vào làm việc. Giáo trình soạn kỹ lưỡng, đa dạng thông tin, đưa ra nhiều tình huống để học viên thảo luận theo nhóm, trình bày power point kèm hình ảnh, video minh họa.
Để hâm nóng không khí học trong lớp, bạn tôi mở đầu bài giảng bằng câu nói của Nelson Mandela “Education is the most powerful weapon which you can use to change the world – Giáo dục là vũ khí mạnh nhất có thể sử dụng để thay đổi thế giới”. Giờ đây bạn tôi đã xong 3 tháng thử việc và vừa ký hợp đồng chính thức.
Thái Hải (SSDH) – Theo SGGP