Du học để làm gì?

0

SSDH – Trước xu hướng đi du học hiện nay, liệu bạn có thắc mắc đi du học để làm gì? Hãy cùng đọc và suy ngẫm qua bài chia sẻ dưới đây từ một cựu du học sinh nhé! Đây là bài viết nhằm giúp các bạn chuẩn bị kế hoạch dài hơi cho cuộc đời trước, trong, và sau du học.

Bài viết này không dành cho:
Các bạn du học bậc Đại học đổ xuống
Các bạn thích du học vì đam mê du học
Các bạn ngại đọc, vì bài này rất dài.

Bài viết này dành cho:
Các bạn du học từ bậc thạc sĩ trở lên
Các bạn gia cảnh trung lưu bình thường, tức là đủ ăn không đói ngày nào, được đi học đầy đủ dù không quá giỏi và cảm thấy mình muốn bứt phá nhưng không biết bắt đầu từ đâu mà không biết du học có đáng để đi hay không
Các bạn có tư duy lập kế hoạch, đi đường dài và không thích phiêu lưu, quan tâm đến thực tế nhận được về cơ hội nâng cao bản thân, định cư hoặc đơn giản là lương cao hơn sau khi học xong

Hôm rồi mình có xem Ted và lại lên mạng đọc được một bài, ý là 30 is NOT the new 20, tuổi 30 không phải là thêm 1 lần 20 tuổi mới. Đại ý nói chúng ta thật ra không có nhiều thời gian như bản thân tưởng rằng không bao giờ là quá muộn để bắt đầu cái gì đó, và rằng không thể chờ đến lúc thất nghiệp mới đi bồi dưỡng kĩ năng, cũng không thể chờ đến lúc muốn lập gia đình mới cuống lên đi tìm bạn trai bạn gái. Mọi sự đều phải có quá trình và chuẩn bị sớm để sai thì sửa được ngay, hoặc làm lại hẳn cái khác, giúp tiết kiệm thời gian… Cảm thấy đúng nói hộ bản thân vì mình là típ người luôn chuẩn bị trước và có kế hoạch, rất ít khi mình cảm thấy vô định vì không biết phải làm gì. Đây là kết quả của cái tính cả nghĩ lo xa, luôn dự phòng rủi ro (chắc vì thế mà bập vào làm ngân hàng hihi) và cũng là do bố rèn luyện cho mình từ bé vì rất ít khi mọi người trong nhà chỉ cho mình giải pháp. Việc định hướng học, thi trường nào, làm gì hầu hết là tự mình quyết định lấy vì bố mẹ còn bận mưu sinh, không có thời gian để ý nhiều đến mình. Mà thường những đứa trẻ ít gây ra rắc rối thì mọi người cũng hay kệ nó, vì nó có gì đâu mà phải quan tâm, hihi.
Xuất phát điểm là một cô gái gia đình trung lưu đủ ăn, không như các bạn gia đình khó khăn phải lo vượt khó, hay các bạn gia cảnh giàu có lo vượt sướng, thì mình chỉ phải lo vượt lên chính mình. Sức học bình thường, không trội hẳn lên top, bản thân muốn thay đổi phát triển để có thu nhập cao hơn, nhưng không không thích chịu rủi ro thì phải làm sao để vượt lên đây? Đến một ngưỡng ở tuổi ngoài 20 mình thấy cứ như này cuộc đời mình sẽ không có đột phá, vì quá an toàn bình ổn, công việc tại ngân hàng cứ đều đều trôi nhưng sẽ không thể giàu hay vèo vèo lên sếp vì cơ chế. Mà bung ra ngoài làm thì mình lại thiếu kiến thức. Vậy thì, câu trả lời là đi du học. Vì du học giúp mình phá cái vòng an toàn để đi ra ngoài, và lại thêm kiến thức nhưng học cái gì và học ở đâu đây?

1. LẬP KẾ HOẠCH DÀI HƠI
Mình luôn cho rằng du học là một kế hoạch ngắn hạn, nhất là thạc sĩ chỉ kéo dài 02 năm. Làm sao để nó thật sự mang lại điều gì đó để đẩy cuộc đời vốn chạy theo lối mòn lên một nấc mới, thay vì chỉ là đi học, tiêu 1 mớ tiền, ở trọ một nơi khác rồi về và cuộc đời vẫn chạy mòn như thế?
Mình bắt tay vào lập kế hoạch cụ thể về người mình muốn trở thành trong 5, 10 năm tới. Cụ thể là các tiêu chí về nghề nghiệp (lĩnh vực nào), mức lương, tích lũy mỗi năm, và bắt đầu học thêm các kiến thức về đầu tư, quản lí tài chính để sẵn sàng cho những năm xa nhà tạm thời không có việc làm. Mình không đi làm thêm ở ĐL một ngày nào, nhưng thu nhập thụ động và tiết kiệm vẫn tăng là vì vậy, thậm chí còn mua được ít quà cho nhà, hihi.
Việc lập kế hoạch còn giúp bạn định hình mục tiêu nghề nghiệp. Nhiều bạn cứ đi chọn ngành học trường học, rồi ra trường mới nhoắng lên là em không biết làm gì em không yêu ngành học. Còn mình thì nhìn đầu ra rồi mới lựa đầu vào. Tức là mình xác định 1 số industry, nghề nghiệp mình muốn làm và cảm thấy thích, để cho chắc thì thường mình chọn theo nhóm nghề, ví dụ kế kiểm bảo hiểm ngân hàng là một nhóm, thêm vào đó là marketing, business chả hạn, xem thật nhiều tin tức tuyển dụng các vị trí từ fresher đến C-level của đa dạng cty trong ngoài nước, tham khảo mức lương sau đó lọc ra 1 vài key chung là yêu cầu tối thiểu để bắt đầu, họ yêu cầu bằng cấp ntn, số năm kinh nghiệm ra sao… Rồi mình mới vạch ra là cần học cái gì, sẽ cần bao lâu để học, học ở đâu, và cứ thế lắp dần vào kế hoạch. Khi đã thấy đích rồi thì cứ thế đi chứ ko rẽ ngang rẽ dọc. Chuyện chán ngành học kiểu gì cũng sẽ có lúc trong quá trình học, nhưng mình không bao giờ chán lâu, mà xốc lại tinh thần để kiên trì theo đuổi mục tiêu. Đó cũng là cách tiết kiệm thời gian. Thay vì học đến năm 2 rồi bỏ đi học cái khác 4 năm, thì học thẳng 4 cái mà mình đã lên kế hoạch kĩ và vừa học vừa phát triển theo các hướng dự phòng mới để thích ứng với sự thay đổi của thị trường lao động sẽ tốt hơn.
Song song với lập kế hoạch chi tiết đó là bắt tay vào học một ngôn ngữ mới và tìm hiểu về đất nước mình muốn tới. Mình tham gia một loạt các group du học từ 2018 để chuẩn bị ít nhất 1 năm cho việc đọc review của các bạn du học sinh ở các nước khác nhau.

2. CHỌN LỰA VỪA TÚI TIỀN
Không quá giàu để đi tự túc các nước đắt đỏ, nhưng không quá xuất sắc để nhận học bổng các nước đầu bảng như Mỹ, Anh, Úc: Mình quyết định chọn đi Đài Loan nhưng đặt mục tiêu lấy học bổng chương trình MBA danh giá hàng đầu vì chính sách cho học bổng và định cư của Đài Loan những năm gần đây rất thân thiện. Câu chuyện chi phí không căng thẳng thì không còn lo nhiều nữa. Cái cần lo chỉ là, đi Đài học xong thì làm gì? Và làm sao để có công việc sau khi tốt nghiệp?

3. CHỌN CHƯƠNG TRÌNH HỌC PHÙ HỢP VỚI NHU CẦU LAO ĐỘNG CỦA QUỐC GIA MÌNH ĐẾN HỌC
Muốn biết làm gì khi học xong, thì mình hay suy ngược như sau: mình nhìn nhu cầu xã hội, chọn nghề nghiệp rồi mới chọn ngành học.
Đài Loan đầu tư nhiều vào VN, cần nhân lực chủ yếu trong business, marketing, sales, logistics, công nghệ thông tin và kĩ thuật… Mình chọn MBA vì nó cover mỗi cái một tí và chọn trường thật tốt để làm mục tiêu nhắm học bổng vì profile vừa sức lấy học bổng Đài.

4. CHUẨN BỊ ĐỂ ĐI ĐƯỜNG DÀI HƠN CHỨ KHÔNG CHỈ LÀ HỌC
Vì xét cho cùng du học đối với mình chính là để tăng thu nhập, tăng cơ hội trong nghề nghiệp, cuộc sống, và mình xác định sẽ vẫn quay về Vn sau khi học xong và có thể là làm xong vài năm ở đây, nên mình chuẩn bị:
Thêm một ngôn ngữ: bắt đầu học thêm tiếng Trung ở VN trước khi sang Đài
Đọc kĩ và tìm hiểu các con đường ở lại làm việc
Mở rộng networking trên LinkedIn với các HR tại Đài
Xây dựng blog chia sẻ thông tin, kết bạn và networking trong cộng đồng sv VN ở Đài
Bonus là điều kiện định cư Đài rất dễ thở so với các quốc gia phát triển khác. Dù ban đầu không dự tính định cư nhưng 2 năm ở Đài mình đã tìm hiểu nhiều thông tin, về định cư ở nhiều quốc gia không chỉ Đài vì luôn có một plan B, để sẵn sàng đi xa hơn.

5. LUÔN CÓ DỰ PHÒNG ĐỂ SẴN SÀNG ĐI XA HƠN
Típ người luôn dự phòng rủi ro chính là mình. Vì đã luôn có kế hoạch dự phòng cho mọi sự thay đổi nên khi có dịch bệnh xảy ra, đột ngột cắt khả năng quay về nhà sau khi tốt nghiệp thì mình lập tức xoay qua tìm việc và tận dụng những networking mình đã xây, cùng kiến thức về các thủ tục hành chính, pháp luật và định cư mình đã tích lũy. Vì ko thật sự xác định sẽ ở lại sau khi tốt nghiệp mà chỉ là dự phòng, nên mình không tập trung sức lực vào học tiếng Trung, level tiếng Trung ko xuất sắc. Cơ mà do networking chất lượng, bằng cấp phù hợp nên mình vẫn có job ngay lập tức. Kiểu networking của mình cũng không giống ai cho lắm.

6. NETWORKING LẤY BẢN THÂN LÀM TRUNG TÂM
Có một sự thật là networking sẽ do tự bản thân chi trả, học bổng không trả. Các trường top luôn có nhiều event nhưng không free.
Một người bạn của mình học MBA một trường top 25 tại Mỹ, chia sẻ chị ấy quyết định nghỉ đi networking vì quá tốn kém, mà cảm thấy không thật sự thu nhặt được gì.
Trước khi các bạn phản đối cho rằng do chị ấy không biết cách giao tiếp thì mình xin được nói lời cảm ơn và ủng hộ chị, vì mình cũng làm y như thế. Chị ấy giờ đang ở 1 vị trí rất tốt tại Mỹ, còn mình cũng đang ở một ngân hàng lớn bậc nhất ĐL. Và chúng mình vào được không vì networking từ các buổi MBA.
Lí do vì đã đi làm lâu rồi, chúng mình khá thực dụng, thấy không hợp thì dừng. Không hợp đơn giản vì chúng ta không “cùng màu” với những buổi networking đó. Ngoài việc bản thân là người khá nội tâm thì còn do cảm thấy giữ một khoảng cách để dừng lại làm bạn xã giao với những người mình không thật sự hợp sẽ tốt hơn. Mindset không hợp, và bản thân họ dù rất nhiều người nói chuyện vui, nhưng chúng mình không thực sự giúp gì được cho nhau về mindset, về nghề nghiệp. Nên thay vì đi networking, mình quyết định chỉ dừng lại ở mức bạn cùng lớp. Mình đủ chất riêng để nổi bật, thầy cô nhớ mặt bạn bè biết tên, không cần phải đi networking để không vô hình trong đám đông, mà nên từ chối những chỗ mình không cảm thấy được là chính mình ở đó, và tập trung nguồn lực vào việc khác.
Mà cũng không hiểu sao là những gương mặt thân quen, bữa networking nào cũng có mặt, sau buổi đó còn đưa nhau đi clubs, thì tất cả đều chưa có job…
Mình chuyển sang networking với các nhân sự đang làm ở industry/ cty mình quan tâm trên LinkedIn, với chính giảng viên trong trường, và tham gia các hội job fairs cty họ tổ chức. Các bạn sẽ thấy mình hay xuất hiện ở văn phòng khoa phụ việc vặt cho thầy cô. Hoặc là mình đi ăn đi chơi với những người VN sống lâu năm ở Đài và làm đủ mọi loại nghề. Rồi mình xuất hiện ở các buổi workshop của du học sinh châu Âu chia sẻ dạng webinar để học hỏi thêm các định hướng phát triển về nghề nghiệp dù ở châu lục khác. Mình cũng đi tham quan doanh nghiệp tại Đài và chọn lựa được một số bạn người Đài để chơi thật sự thân. Kiểu networking qua các kênh này cho mình đường có job gần như ngay lập tức khi bằng tốt nghiệp chưa ráo mực in. Mình lấy bản thân làm trung tâm để quyết định kênh nào hiệu quả, thay vì networking tràn lan với bạn bè đồng học, tham gia các buổi hội họp vui vẻ nhưng không đọng lại gì.

7. CUỐI CÙNG: KHÔNG QUÊN HẠNH PHÚC RIÊNG
Việc học, việc làm kéo dài cả đời, nhưng chuyện hạnh phúc riêng tư nó có tính thời điểm. Vì thế mình cũng vẫn lo hẹn hò, trải nghiệm tình cảm để chạy song song kế hoạch có tổ ấm riêng. Ta không thể lúc muốn kết hôn mới đi tìm người yêu… xây dựng tình cảm cũng cần học và quản trị bản thân, cảm xúc. Việc có tình yêu cũng là động lực để vượt qua sự cô đơn, sóng gió ở xứ người và là động lực để theo đuổi định cư nếu các bạn muốn định cư. Vì không có gia đình, có job tốt mấy thì cũng sớm muộn sẽ quay về vì ở nước ngoài rất cô đơn.
Sau hai năm đi học, mình lãi tấm bằng, một mức lương và vị trí cv tốt hơn trước, cùng một người chồng rất thương vợ. Anh là bạn cùng lớp học thạc sĩ và tốt nghiệp xong chúng mình kết hôn.
Chồng mình vừa đi làm vừa học thạc sĩ, vẫn có thời gian tranh thủ nhắn cho bạn gái lúc đi tàu, hay là đưa bạn gái đi ăn sau khi lớp học kết thúc lúc 10h tối…Giờ lắm lúc nhớ lại những ngày mà thời gian nó cảm giác trôi nhanh khủng khiếp với áp lực bài vở, công việc mà thấy như đã xa lắm rồi dù chỉ vài tháng trước. Nên các bạn nữ quen anh nào mà kêu bận lắm, không có thời gian quan tâm thì chạy lẹ còn kịp. Vì chồng mình hồi đó nhiều hôm chỉ có rảnh duy nhất 30p ăn vội bữa trưa mà vẫn call để hỏi han bạn gái mà ^^
Chúc các bạn may mắn trong hành trình đi học và hi vọng là các bạn dù định cư hay quay về VN đều cảm thấy trải nghiệm du học chính là một bước đệm để rẽ sang một hướng tốt hơn, hoặc một nấc thang cao hơn của cuộc đời nhé.

SSDH (tác giả Irene Ying, Scholarship Hunters)

Share.

Leave A Reply