Du học sinh bị kì thị vì không nói tiếng Việt

0

Sẵn sàng du học –  Nhiều du học sinh muốn thoát ra khỏi “vùng an toàn” và bước vào vùng “không an toàn” tận dụng thời gian du học rèn luyện tiếng Anh tốt nhất. Nhưng khi ở vùng không an toàn lại bị kì thị? Làm thế nào giữ vững tinh thần theo đuổi ước mong? Hãy cùng SSDH lắng nghe chia sẻ dưới đây của chính người trong cuộc nhé.

dhd-bi-ki-thi-vi-ko-noi-tieng-viet-1

Đây là câu chuyện của Anh Thu, cựu du học sinh Úc – cũng là chủ đề “Những chuyện nhỏ mà không nhỏ”. Câu chuyện này không chỉ là của riêng Anh Thu mà còn là câu chuyện chung đối với nhiều du học sinh người Việt đi học ở những đất nước, thành phố có cộng đồng người Việt lớn như Sydney, Melbourne (Úc), Toronto, Vancouver (Canada), London (Anh)…

Hôm trước, tôi vừa hàn huyên tâm sự với một em du học sinh đang học ngành thực phẩm ở Canada, hỏi thăm em dạo này chuyện học hành và cuộc sống ra sao rồi? Em vui lắm kể rằng: “Em vừa xin đi thực tập được rồi, trường em cũng đông sinh viên Việt Nam, nhưng mà em không có người bạn Việt Nam nào cả, em bị ghét chị ạ….Em toàn bạn là người nước khác thôi! Nhưng mà em cũng chẳng quan tâm, em sang đi học mà, em cũng chẳng muốn nói tiếng Việt!”. Tôi ngẫm nghĩ: “Em bị ghét à? Chắc là em không nói quá đâu vì tôi cũng có một người bạn đi học ở Mỹ cũng từng bị ghét như thế vì tận 3 năm đầu đi du học không chịu chơi với người Việt chỉ vì sợ phải dùng tiếng Việt.”

Họ có đáng để bị ghét không nhỉ? Tại sao lại có những người từ chối nói tiếng mẹ đẻ trong vài năm đầu khi đi du học? Câu chuyện bỗng đưa tôi trở về những ngày rất lâu rồi, khi tôi chân ướt chân ráo đi du học:

Ngày tôi mới tới thành phố Melbourne, tôi đã bị “shock” vì…tôi chẳng bị “shock” gì cả. Ngày đó, trong sự tưởng tượng của tôi khi đi du học là: tới một nơi toàn người Tây, ăn thì phải ăn đồ Tây, nói thì phải nói tiếng Anh, nếu tiếng Anh không tốt thì sẽ gặp vô vàn khó khăn. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.

Cộng đồng người Việt Nam ở đây rất lớn, mọi người rất thân thiện và nhiệt tình giúp đỡ những sinh viên mới sang. Hơn nữa, lúc trước khi sang, tôi đã liên hệ trước với một anh chủ nhà người Việt để thuê phòng, nên khi mới sang ở cùng nhà với những du học sinh người Việt. Vì đây là khu vực gần trường tôi học, có thể đi bộ khoảng 15 phút là tới trường, nên có rất nhiều nhà của du học sinh Việt thuê, hầu hết là học cùng trường với tôi. Tôi thường xuyên được gặp gỡ và làm quen với rất nhiều du học sinh Việt trên con đường đi bộ từ nhà tới trường.

Tôi đã có một sự khởi đầu khá thuận lợi, được các bạn bè người Việt hướng dẫn và giúp để làm quen, thích nghi với cuộc sống mới, từ cách sử dụng phương tiện giao thông công cộng, đi chợ Tây, chợ Việt, nên chỉ tầm khoảng 1 tuần là tôi đã thu lượm tạm đủ “vốn sống” để sinh tồn nơi đây. Sau đó, tôi nhận thấy rằng nếu tiếp tục thế này thì ngoài việc đi học trên trường phải dùng tiếng Anh, thì trong cuộc sống hằng ngày chỉ hầu hết dùng toàn tiếng Việt: từ sinh hoạt trong nhà, cho tới đi chơi với bạn bè người Việt, rồi đi chợ Việt cũng dùng tiếng Việt luôn.

Nhận thấy có cái gì đó sai sai, tôi quyết định phải “đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân”, lên kế hoạch đi giao lưu, tham gia các hoạt động với bạn bè là sinh viên quốc tế và người địa phương. Tới lúc này, tôi thực sự mới thấy được thế nào là khó khăn của rào cản ngôn ngữ và văn hóa. Dù có làm quen kết bạn được với họ, thì sau khoảng dăm ba câu chuyện hỏi thông tin của nhau là … hết chuyện để nói. Căn bản, tôi không tìm thấy điểm chung về sở thích hoặc các mối quan tâm để có thể chơi được với nhau lâu dài, nhưng nguồn gốc sâu xa chính là do sự hạn chế về vốn từ vựng, văn hóa, và những thông tin xã hội diễn ra hằng ngày. Để dễ dàng hơn, tôi đã tham gia một số những hoạt động xã hội định kỳ hàng tuần để dễ dàng hòa nhập hơn. Thoát ra khỏi vùng an toàn của bản thân để tìm kiếm cơ hội “bước vào những vùng không an toàn”, để có được học hỏi và phát triển – đó không chỉ là câu chuyện của riêng tôi, mà của rất nhiều du học sinh người Việt đi học ở những đất nước, thành phố có cộng đồng người Việt lớn như Sydney, Melbourne(Úc), Toronto, Vancouver (Canada), London (Anh)…

Theo tôi, đó chính là lý do mà có nhiều du học sinh đã lựa chọn: “Nói chuyện với người Việt không nói tiếng Việt…mà phải dùng tiếng Anh”. Tuy nhiên, không phải ai cũng thích và lựa chọn cách này, và nếu có lựa chọn thì cũng không phải ai cũng có thể kiên trì theo đuổi cách này dài lâu. Nói một cách hơi phũ phàng, số lượng người duy trì được việc này thường dễ bị các du học sinh người Việt khác ghét lắm. Họ bị ghét vì lúc đó họ đi ngược lại với số đông, bị ghét vì họ không hòa đồng với số đông, bị ghét vì có thể họ bị người khác nghĩ rằng họ thích “chơi trội”, hoặc không yêu quê hương đất nước, nhiều lý do lắm!

Có một bạn du học sinh cùng trường, khác khoa tôi học cũng bị nhiều người ghét vì độ “lầy” của bạn đó rất cao: Bất kể người đối diện bắt đầu nói với bạn ấy bằng tiếng Anh hay tiếng Việt, thì bạn ấy đều trả lời bằng tiếng Anh. Bất kể, người đối diện dù không muốn tiếp tục nói tiếng Anh với bạn ấy, và trả lời bằng tiếng Việt, thì bạn ấy vẫn tiếp tục bằng tiếng Anh. Bất kể là câu chuyện đó kéo dài một vài phút hay cả nửa tiếng, thì bạn ấy vẫn tiếp tục kiên trì nói tiếng Anh dù người kia vẫn tiếp tục nói tiếng Việt.

Bất kể là trong 1 nhóm 5,6 người hay 10 người đều nói tiếng Việt, thì bạn ấy vẫn một mình đơn thương độc mã đối đáp lại bằng tiếng Anh! Lúc đầu tôi đã nghĩ rằng: “Bạn này “dị” quá! Ờ, thì biết là nên nói tiếng Anh rồi, nhưng nếu toàn bộ một nhóm người đều muốn nói tiếng Việt, thì có nhất thiết bạn ấy phải tự làm mình khác biệt và tách biệt như thế không?”.Theo quan sát tôi thấy có vẻ các bạn người Việt trong khoa chơi với bạn ấy chỉ là chào hỏi xã giao, hoặc có việc họp nhóm, hội thì mới làm việc cùng, hầu hết lúc nào cũng thấy lẻ loi đi một mình. Thậm chí có nhiều bạn khi nhắc tới bạn ấy là tỏ vẻ chế nhạo kiểu như “à, cái bạn “Giáo Sư” ấy à”.

Trong suốt gần 1,5 năm tôi biết bạn ấy, tôi chưa từng nghe thấy giọng bạn ấy nói tiếng Việt như thế nào, còn tiếng Anh của bạn ấy thì khá lên rất nhanh so với những ngày đầu tôi gặp và suy nghĩ của tôi về bạn ấy dần thay đổi, từ cảm giác thấy bạn ấy “dị biệt” tới dần khâm phục, thực sự trong lòng tôi cũng muốn được “nói tiếng Anh toàn tập” như thế, nhưng không vượt qua được và không dám làm như bạn ấy!

Tôi lại có một câu chuyện nhỏ khác, lần này không phải trên đất Úc mà là đất Mỹ. Trong một lần tới thăm trường đại học UMass Boston (University of Massachusetts Boston), tôi được một em sinh viên người Việt 19 tuổi dẫn đi thăm quan trường và các chương trình học dành cho sinh viên quốc tế ở đây. Tôi đã hỏi em rằng: “Lớp em có nhiều sinh viên người Việt không? Bọn em có hay chơi với nhau không? Và khi gặp nhau bọn em nói tiếng Anh hay tiếng Việt?”. Em trả lời rằng: “Cũng có nhiều chị ạ! Bọn em thường tham gia các hoạt ngoại khóa chung với nhau, có cả hội sinh viên người Việt, khi gặp nhau, em đều khuyến khích mọi người sử dụng tiếng Anh. Vì khi bắt đầu sang đây học, em mới được IELTS 7.0 thôi à, từng đó chưa đủ để em hòa nhập. Ai nói tiếng Việt với em, là em sẽ hạn chế không chơi cùng nữa”. Vâng, tôi thấy em nói đúng, ở Việt Nam, IELTS 7.0, 8.0 có thể là coi là cao rồi, nhưng để học tập tốt, xin thực tập, xin việc ở nước ngoài, bằng đó chưa đủ!

dhd-bi-ki-thi-vi-ko-noi-tieng-viet

Một câu chuyện nhỏ nữa, ở vùng đất ngay phía trên nước Mỹ, đó là Canada. Hôm đó tôi tới thăm trường cấp 3 Bronte College, ở Mississauga, cách Toronto khoảng 15-20 phút lái xe, tôi rất vui vì gặp được 2 em du học sinh người Việt ở đó, một em đến từ Hà Nội, một em đến từ TP.HCM. Trường chủ yếu là sinh viên quốc tế theo học, nhưng mặt bằng chung, tôi thấy tiếng Anh của các em rất tốt và các em cũng nhiệt huyết và tràn đầy sức sống. Theo quan sát, tôi thấy rằng hai em học sinh người Việt gần như không chơi với nhau, mà các em tách ra chơi với các nhóm bạn khác nhau. Tới giờ ăn trưa tại căng-tin, tôi hỏi một em về chuyện học hành sinh hoạt ở trường, rồi hỏi sang chuyện bạn bè rằng: “Em có hay nói chuyện với bạn người Việt kia không?”, em nói rằng: “Bọn em có thi thoảng gặp thì hỏi thăm nhau vài câu thôi. Chủ yếu bọn em thích chơi với các bạn sinh viên nước khác hơn để còn giao lưu và học hỏi thêm, với lại còn để hạn chế nói tiếng Việt nữa ạ!”. Tôi hỏi tiếp: “Em có bị bạn người Việt nào ghét vì tách rời cộng đồng như thế không?” Em thảnh thơi trả lời rằng: “I don’t care (Em không quan tâm tới chuyện đó)”

Đó là một vài câu chuyện nhỏ về “những du học sinh Việt thà bị ghét cũng không chịu nói tiếng Việt”, đó là những du học sinh, tự thấy rằng tiếng Anh của mình chưa đủ tốt để phát triển ở nước sở tại, đã quyết tâm hạn chế nói tiếng Việt nhiều nhất có thể, hoặc thậm chí hoàn toàn không sử dụng tiếng Việt trong thời gian đầu hoặc toàn bộ thời gian đi du học , đó là những người rất bản lĩnh và có quyết tâm cao, và chắc chắn họ sẽ thu về những thành tựu nhất định trong quá trình đi du học.

Tuy nhiên, phần lớn những bạn chưa đi du học (cũng giống như tôi trước kia) thường nghĩ rằng: Chuyện bước ra khỏi “vùng an toàn của bản thân” không khó như thế. Nhưng thực tế tôi đã trải qua và nhận thấy rằng: Lúc mới sang, vì “khí thế rất cao” nên có rất nhiều động lực để bước ra khỏi “vùng an toàn”, nhưng sau khi bước ra được một thời gian rồi, lại quên mất quay trở lại “vùng an toàn” ấy. Vì sao ư? Vì rất nhiều cám dỗ: nhiều khi chỉ là sợ bị tách biệt với phần lớn du học sinh người Việt khác, chỉ là cảm thấy cô đơn nơi xứ lạ, chỉ là nhớ nhà, chỉ là thèm được nói vài câu tiếng Việt, chỉ là thèm vài món ăn Việt Nam mà lại có hội rủ mình tới ăn, hay chỉ là muốn có một hội cùng chơi, cùng hiểu hoàn cảnh của nhau, cùng hiểu cách sống của nhau…Có vô vàn lý do để quay lại cái “vùng an toàn” đó một lúc nào không hay.

Có rất nhiều phụ huynh sau khi nghe tôi kể về những câu chuyện này, ngạc nhiên hỏi tôi rằng: “Chị tưởng là đi sang nước ngoài học, sống ở môi trường bản ngữ thì tiếng Anh chắc chắn sẽ giỏi chứ?”. Tôi trả lời rằng: “Vâng, tiếng Anh của các bạn ấy chắc chắn sẽ giỏi hơn lúc các bạn ấy ở Việt Nam, nhưng có đủ giỏi để tốt nghiệp, có đủ giỏi đi xin đi thực tập hay đi xin việc không thì chưa chắc, tất cả còn phụ thuộc vào sự cố gắng của bạn ấy sau này! Chị thử nghĩ xem, nếu học sinh chủ yếu chỉ ngồi trong lớp học mới sử dụng tiếng Anh thôi, thì có giống như theo học các trường quốc tế ở Việt Nam không?”

Vậy nên, SSDH hi vọng rằng, các bạn nên cố gắng tắm mình trong môi trường tiếng Anh, xác định đúng mục tiêu là học tập, đừng kì thị nhau và cùng nhau rèn luyện cho mình khả năng ngôn ngữ tốt nhất. 

SSDH team

Share.

Leave A Reply