SSDH – Theo thống kê của hội đồng các trường đào tạo sau đại học, hiện nay số lượng du học sinh quốc tế quan tâm và nhắm đến các trường đại học nghiên cứu kỹ thuật đang ngày một tăng lên ở Mỹ. Kết quả khảo sát năm 2011 của tổ chức này cho thấy lượng sinh viên nước ngoài đăng ký vào các trường kỹ thuật sau đại học tăng 12% từ năm 2010 đến 2011.
Hari Vasudevan, một sinh viên đến từ Ấn Độ, trong khi đang tham gia khóa học cử nhân ở Bangalore tại quê nhà đã có kế hoạch đến Mỹ để theo đuổi cấp học cao hơn sau đại học ngành kỹ thuật. Và hiện nay anh đang là nghiên cứu sinh tiến sỹ tại trường đại học kỹ thuật và khoa học ứng dụng Yale. Anh nói rằng “Sinh viên các trường đại học ở Ấn Độ khi đề cập đến kế hoạch tiếp tục học lên sau khi tôt nghiệp gần như đều mặc định một cách tự nhiên là đến Mỹ học. Theo tôi, xu thế này ngày càng phổ biến là do các trường đại học Mỹ có được môi trường nghiên cứu và khả năng làm nghiên cứu vượt trội hơn hẳn so với nhiều nước khác trên thế giới”.
Hình ảnh đại học YALE
Ngành kỹ thuật là sự lựa chọn phổ biến hiện nay đối với nhiều du học sinh quốc tế khi tới Mỹ học tập. Theo kết quả nghiên cứu, ngành này cùng với các ngành vật lý, khoa học địa cầu và kinh doanh có số lượng du học sinh nước ngoài chiếm đến 62% trên tổng số sinh viên quốc tế đăng ký ở các trường đại học Mỹ. Với các chương trình sau đại học, Trung Quốc có tỉ lệ tham gia đông nhất với mức tăng so với năm 2010 là 18%, tiếp đến là Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ với tỉ lệ lần lượt là 12% và 7%.
Cũng giống như Vasudevan và nhiều sinh viên quốc tế khác, nếu bạn muốn theo đuổi chương trình thạc sỹ hay tiến sỹ các ngành kỹ thuật ở Mỹ thì cần lưu ý những vấn đề sau khi bắt đầu tìm trường.
Biết liên hệ với ai:
Các trường kỹ thuật ở Mỹ chia ra rất nhiều khu vực nghiên cứu với nhiều chuyên ngành khác nhau và với các hình thức khác nhau như nghiên cứu chuyên sâu hay là đào tạo hướng nghiệp theo chuyên ngành (pre-professional program). Vì vậy, việc chọn lựa các chương trình nghiên cứu rất quan trọng để phù hợp với mục đích học tập và mục tiêu nghề nghiêp của bạn sau này.
Ông Stefan Bielski, giám đốc điều hành trang tư vấn tuyển sinh www.2bschool.com cho rằng cách tốt nhất để thu thập thông tin chi tiết ở một trường là tiếp cận với cán bộ làm việc ở trường đó. Nhưng việc tìm ra mối liên hệ đúng hướng thì lại là một vấn đề không phải dễ dàng. Không giống như các chương trình như thạc sỹ quản trị kinh doanh (M.B.A) hay luật, sinh viên đăng ký vào các trường kỹ thuật thường bị lẫn lộn không biết là liên hệ với bộ phận chuyên xử lý giấy tờ, công việc hành chính của các chương trình sau đại học hay là tại văn phòng khoa của từng chương trình cụ thể.
Khi sinh viên nói liên hệ với bộ phận tuyển sinh, nhân viên ở đây thường không nắm được chi tiết từng chương trình bởi vì họ phải làm việc đồng thời với rất nhiều chương trình khác nhau hay khi liên hệ với một cá nhân ở khoa thì có thể gặp phải một người có quá nhiều việc hay một người phụ trách việc khác không liên quan đến tuyển sinh là chuyện thường tình.
Và đối với sinh viên quốc tế thì việc tiếp cận càng khó hơn trước rào cản về ngôn ngữ và văn hóa. Tuy nhiên, việc liên hệ qua email và qua các cuộc điện thoại quốc tế là một bước rất quan trọng để đăng ký vào các trường kỹ thuật ở Mỹ. Một số trường khác thì cung cấp đơn đăng ký rất chi tiết và có hệ thống trao đổi thông tin trực tuyến giúp ứng viên có thể liên lạc được dễ dàng.
Yuhan Zhang, sinh viên đến từ Trung Quốc, khi đăng ký chương trình kỹ thuật kết hợp với kinh doanh của trường đại học Rochester cũng đã liên hệ với trường theo cách trên để đăng ký. Giám đốc bộ phận tuyển sinh của trường, bà Andrea Galati đã trực tiếp trả lời các câu hỏi của ứng viên.
Zhang cũng chia sẻ thêm rằng “bạn đừng có có cảm thấy xấu hổ hay ngại ngùng khi liên lạc với trường. Họ luôn sẵn sàng đón nhận câu hỏi và giải đáp cho bạn”
Vasudevan trường đại học Yale cho rằng liên lạc với người đại diện của trường đặc biêt quan trọng đối với sinh viên đăng ký chương trình tiến sỹ vì đó là người làm việc nhiều với tư vấn viên của khoa trong quá trình đào tạo. Còn nếu bạn ở Mỹ thì mọi chuyện dễ dàng hơn bởi bạn có thể đến gặp trực tiếp các giảng viên để trao đổi thông tin và được tư vấn. Với sinh viên quốc tế khi muốn đăng ký một chương trình sau đại học mà không liên hệ với bất cứ ai ở trường hay không biết một ai ở đó thì cơ hội được tiếp nhận thấp hơn rất nhiều.
Hiểu được quy trình đăng ký:
Đầu vào của các chương trình sau đại học đòi hỏi rất nhiều tài liệu để chứng minh các điểm mạnh của ứng viên, chứ không chỉ dựa vào điểm các bài test như như ở các chương trình cử nhân. Hồ sơ đăng ký vào chương trình sau đại học của các trường kỹ thuật cần phải có thư giới thiệu của giảng viên giảng dạy bạn trực tiếp hay của chủ sử dụng của bạn trước đây, ngoài ra cần có thêm một bài luận viết về bản thân và mục đích học tập của mình. Đây là những điểm quan trọng hàng đầu bạn cần phải lưu tâm đến.
Chuẩn bị sớm:
Mặc dù kỳ thi đầu vào chỉ là một phần trong các tiêu chuẩn xét tuyển nhưng bạn đừng quên phải chuẩn bị kỹ càng. Nếu bạn là sinh viên nước ngoài thì càng phải để tâm nhiều hơn cho kỳ thi chứng chỉ GRE. Thường thì bạn nên dành 6 tháng để ôn luyện.
Ngoài ra, các bạn sinh viên nước ngoài còn phải thi lấy chứng chỉ TOEFL để đánh giá trình độ tiếng Anh và đây cũng là điều kiện bắt buộc để cấp visa.
Nhìn chung những giá trị mà bạn có được khi tham gia chương trình sau đại học ở một trường được công nhận ở Mỹ là thực sự đáng giá dù cho bạn có phải vật lộn để vượt qua các cánh cửa đầy khó khăn như xin visa, thi chứng chỉ GRE. Điều có ý nghĩa nhất ở đây là bạn sẽ đạt được những mục tiêu lớn trong đời.
Lê Minh- Theo nguồn US News