Gia sư ở Hàn Quốc: Thu nhập ‘khủng’, dùng toàn hàng hiệu

0

Sẵn sàng du học – Có ê-kíp riêng, được xã hội săn đón và dùng toàn hàng hiệu, công việc gia sư ở xứ sở kim chi khiến nhiều người choáng váng bởi mức thu nhập hàng triệu USD.

Nắm chặt tai nghe, nhắm mắt say sưa hát vào micro và biểu diễn cùng những nữ diễn viên nóng bỏng, Cha Kil-yong thoạt nhìn như một thần tượng hàng đầu ngành giải trí.

Thực tế, chàng trai có mái tóc xù này không hề làm công việc của một ca sĩ hay diễn viên. Anh chàng nổi tiếng tại xứ sở kim chi dưới tư cách “ngôi sao” dạy học.

Ở đất nước mà kỳ thi đại học trở thành nỗi ám ảnh của nhiều thế hệ như Hàn Quốc, những gia sư Toán hàng đầu như Cha luôn được săn đón và trọng vọng.

Cha không dạy cố định tại trường học nào. Thay vào đó, anh điều hành một hagwon (khái niệm chỉ các trung tâm dạy thêm ở Hàn) trực tuyến, chuyên luyện thi Toán cho các sĩ tử chuẩn bị bước vào “cuộc chiến” đại học khốc liệt.

“Tôi đặc biệt đam mê Toán học”, Cha nói.

Các lò luyện thi lúc nào cũng đông nghẹt học sinh, nghề gia sư dạy thêm ở Hàn Quốc cũng vì thế mà trở thành công việc có khả năng làm giàu nhanh chóng. Ảnh: CNBC. 

Các lò luyện thi lúc nào cũng đông nghẹt học sinh, nghề gia sư dạy thêm ở Hàn Quốc cũng vì thế mà trở thành công việc có khả năng làm giàu nhanh chóng. Ảnh: CNBC. 

Nhờ thực trạng học sinh ở xứ củ sâm luôn “lao mình” tối ngày vào sách vở, Cha có thu nhập cao đến mức khó tin.

“Thu nhập của tôi có năm đạt mức 8 triệu USD”, Cha cho hay, tay chỉnh lại chiếc áo sơ mi hàng hiệu. Văn phòng làm việc của anh nằm tại khu vực Gangnam đắt đỏ, nơi quy tụ tầng lớp giàu có, "lắm tiền nhiều của" nhất thủ đô Seoul.

Zing.vn tổng hợp bài đăng trên tờ The Guardian và Forbes về câu chuyện dạy thêm ở Hàn Quốc là công việc hái ra tiền và những gia sư có tiếng tăm hoàn toàn có thể trở thành triệu phú, thu nhập kếch xù không kém những ngôi sao nổi tiếng hàng đầu.

Thành triệu phú nhờ đứng sau máy quay dạy học

Tại Hàn Quốc, học sinh thường đến trường vào ban ngày. Sau giờ học, các em hiếm khi có thời gian vui chơi mà thường “vùi đầu” vào hàng tá kiến thức, bài vở tại các trung tâm luyện thi đến tối khuya.

Đồng thời, người Hàn cũng chứng kiến sự trỗi dậy của các lớp học dạy thêm trực tuyến. Vào năm 2015, ước tính ngành dịch vụ dạy thêm tại các hagwon trị giá lên đến 20 tỷ USD.

Các lớp học trực tuyến của Cha thu hút số lượng 300.000 học sinh tại bất kỳ thời điểm nào. Những ai tham gia phải trả số tiền 39 USD cho một khóa học kéo dài 20 tiếng, cái giá rẻ hơn nhiều so với mức giá 600 USD tại các hagwon thông thường.

Thầy Cha chủ yếu dạy về các mẹo để làm bài thi nhanh hơn như các phím tắt trên máy tính, cũng như kỹ năng kiểm soát thời gian trong phòng thi.

Khi được hỏi lý do khiến mình trở nên nổi bật giữa vô số người dạy thêm ở Hàn, Cha cho hay bí quyết của anh nằm ở chỗ có thể giúp học sinh linh hoạt nhất trong việc giải bài, thay vì dựa vào những công thức sẵn có.

“Giả sử bạn đưa cùng một nguyên liệu cho 100 đầu bếp khác nhau. Kết quả là 100 món ăn không hề trùng lặp. Toán học cũng vậy. Tôi có thể dạy cho học sinh cách cùng với một đề bài mà ra kết quả nhanh nhất và chính xác nhất”, Cho nói.

Khó tin, song nghề gia sư ở Hàn có thể đem lại mức thu nhập hàng triệu USD cho những người nổi tiếng, có uy tín nhất. Ảnh: NPR.

Khó tin, song nghề gia sư ở Hàn có thể đem lại mức thu nhập hàng triệu USD cho những người nổi tiếng, có uy tín nhất. Ảnh: NPR.

Không có cảnh hàng chục học sinh ngồi chen chúc, ngồi chật ních trong một căn phòng, nơi Cha dạy học đơn giản hơn rất nhiều. Một bảng xanh, vài ba hộp phấn và hàng đống đạo cụ như mặt nạ người dơi, áo choàng vàng để đem lại bầu không khí vui nhộn khi dạy học.

“Bạn không chỉ dạy học đơn thuần, bạn phải đảm bảo cả vai trò của một người có kỹ năng giải trí. Có vậy, những buổi học mới trở nên hấp dẫn, cuốn hút nhiều học sinh”, Cha phân tích.

Vào ngày kỳ thi diễn ra, Cha thường trực tiếp đến các địa điểm thi, khuyến khích các sĩ tử làm bài tốt. Ngoài ra, chàng trai cũng thường xuất hiện trên truyền hình, quảng cáo các loại thực phẩm chức năng bổ não cho học sinh.

Kwon Kyu-ho – một gia sư dạy Văn tại Hàn, cũng tận dụng tiếng tăm của mình để tham gia các chương trình trên TV cùng các ngôi sao K-Pop khác.

“Duy trì danh tiếng không chỉ phụ thuộc vào những bài giảng chất lượng. Tôi phải thường xuyên chăm sóc da mặt và tập thể hình. Một số gia sư còn thuê stylist riêng”, chàng trai 33 tuổi cho hay.

Kwon từng muốn trở thành một giáo viên, dạy tại ngôi trường nào đó nhưng rồi anh nhận ra công việc dạy học cố định gặp không ít hạn chế.

“Còn khi bạn làm gia sư, bạn có thể thoải mái dạy theo bất cứ cách độc đáo nào bạn nghĩ ra. Chính điều đó đã giúp tôi thu về bội tiền. Bí quyết thành công của tôi nằm ở chỗ tôi luôn tìm tòi và tập trung các phần trong bài kiểm tra khiến hầu hết học sinh mất điểm”, Kwon chia sẻ.

Không tiết lộ số tiền kiếm được cụ thể nhưng Kwon nói con số có thể lên đến vài triệu USD.

Hưởng lợi nhất từ nền giáo dục nhồi nhét

Mức độ nổi tiếng và số lượng học sinh theo học của các gia sư Hàn Quốc tỷ lệ thuận với kết quả kỳ thi đại học cũng như khả năng đặt chân vào các trường danh tiếng hàng đầu đất nước của các thí sinh.

Với những gia đình khá giả, cha mẹ sẵn sàng chi số tiền lớn, mời những gia sư hàng đầu về kèm cặp con mình. Nhờ vậy, danh tiếng của các gia sư càng được củng cố, giúp họ kiếm được nhiều tiền hơn.

Theo khảo sát của Edutech Associates, phụ huynh Hàn có con đang trong độ tuổi đến trường sẵn sàng dành đến 25% thu nhập mỗi tháng của cả gia đình để đầu tư vào việc học thêm của con. Điều đó phần nào lý giải tại sao ngành dịch vụ hagwon ngày càng bùng nổ.

Tuy nhiên, “miếng bánh” gia sư màu mỡ không chia đều cho tất cả những người theo công việc này. Để đảm bảo chất lượng dạy học và kết quả đầu ra, các hagwon sa thải khoảng 10% số gia sư mỗi năm.

Không phải gia sư dạy thêm nào ở Hàn cũng kiếm được số tiền khổng lồ. Nhiều người thậm chí còn không được bảo đảm quyền lợi khi đi dạy hay có khoản thu nhập cố định. Hàng ngàn gia sư nhận được mức lương chỉ bằng một phần nhỏ so với các đồng nghiệp giảng dạy theo cách truyền thống.

Câu chuyện phụ huynh Hàn Quốc luôn đầu tư vào giáo dục đến mức thái quá có thể khiến nhiều người khó hiểu. Song, quan niệm kết quả học tập quyết định tương lai sau này đã bén rễ sâu sắc vào tâm thức người dân nước này.

Cha mẹ Hàn Quốc mặc định mỗi cấp học đều có vai trò quan trọng, định hướng cho từng bước về sau. Đứa trẻ ở Hàn cần vào trường mẫu giáo tốt nhất để học ở trường tiểu học xứng đáng, từ đó vào được trường trung học chất lượng, cứ thế đến khi hết chương trình học.

Thậm chí, tiếng Hàn còn sinh ra cụm từ chima baram (nghĩa đen: cơn gió) để miêu tả hình ảnh những bà mẹ “ám ảnh” với việc học của con đến mức có thể xông vào lớp để hỏi giáo viên về điểm số con cái hoặc yêu cầu được ngồi cạnh kèm cặp con trong giờ học.

Ngay cả khi nhiều phụ huynh bắt đầu lên án hệ thống giáo dục quá chú trọng đến kết quả, những người làm cha làm mẹ cũng cảm thấy bối rối khi con cái phàn nàn việc không đi học thêm khiến chúng thụt lùi so với các bạn.

Trước thực tế khó bề thay đổi ấy, những người đứng giữa như gia sư Cha và Kwon được hưởng lợi nhiều nhất.

“Cách thức giáo dục này đem lại nhiều hiệu quả. Tôi nghĩ rằng một trong những lợi ích của việc học thêm là các gia sư cạnh tranh với nhau và cố gắng phát triển nội dung dạy học tốt hơn. Chúng tôi có khả năng tài chính, nên có thể mạnh dạn đầu tư theo cách mà các giáo viên bình thường không thể”, Kwon đánh giá.

“Cống hiến” hết mình cho sự nghiệp học hành của hầu hết học sinh giúp Hàn Quốc luôn đứng đầu trong các kỳ thi về Toán và Khoa học trên thế giới. Tuy nhiên, chỉ số hạnh phúc của thanh thiếu niên nước này luôn ở đáy danh sách, còn tỷ lệ tự tử của nhóm độ tuổi đến trường lại ở mức cao nhất trong khối các nước phát triển.

Nhiều chính trị gia và các nhà cải cách giáo dục buộc phải lên tiếng phản đối áp lực thành công quá nặng nề đã đẩy nhiều người trẻ Hàn gặp phải nhiều vấn đề về thể chất và tâm lý nghiêm trọng.

“Các hagwon và cả gia sư không dạy học thực thụ, tất cả chỉ là học vẹt”, Lee Ju-ho – Cựu Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc, nhận xét.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing News

Share.

Leave A Reply