Kinh nghiệm giành học bổng tiến sĩ của chàng trai Lâm Đồng

0

Sẵn sàng du học – Xuất phát từ một học sinh trường làng ở Lâm Đồng, anh Lê Anh Linh giành học bổng toàn phần của Đại học Adelaide (Australia) và tốt nghiệp loại xuất sắc.

Anh Linh nhận học bổng toàn phần Beacon of Enlightenment Scholarship của Đại học Adelaide dành cho sinh viên quốc tế trị giá 215.000 AUD trong 3 năm (khoảng 3,4 tỷ đồng) gồm học phí, chi phí sinh hoạt và bảo hiểm cho toàn bộ thành viên trong gia đình. Ngoài ra, anh còn nhận được học bổng tiến sĩ AUN/SEED-Net Thái Lan – Nhật Bản, học bổng ở Đại học Ghent (Bỉ) và Đại học Quốc gia Singapore (Singapore).

Nhờ luận án tốt nghiệp xếp loại xuất sắc và các công trình nghiên cứu khoa học đã công bố, anh Linh trở thành người cầm trượng và phát biểu trong lễ tốt nghiệp vào tháng 9 tại Đại học Adelaide. Từ trải nghiệm cá nhân, anh Linh chia sẻ kinh nghiệm giành học bổng thạc sĩ và tiến sĩ tại Australia.

Chuẩn bị càng sớm càng tốt

Khi trở thành sinh viên Đại học Bách khoa TP HCM, mình dành phần lớn thời gian cho việc học với hy vọng trở thành kỹ sư khi ra trường. Nhưng đến năm ba, khi tình cờ xem một video về du lịch và văn hóa ở một số nước tiên tiến, mọi thứ trong mình thay đổi hoàn toàn. Mình bắt đầu tìm kiếm thông tin và nuôi hy vọng đi ra nước ngoài để có những trải nghiệm đó.

Vì điều kiện kinh tế, mình quyết định chỉ đi nước ngoài nếu tìm được học bổng toàn phần (học phí và chi phí sinh hoạt) bất kể là học thạc sĩ hay tiến sĩ. Từ các anh chị đi trước, mình biết được những điều kiện cần có để du học.

Những thứ quan trọng như chứng chỉ tiếng Anh, bảng điểm tốt hay kinh nghiệm làm nghiên cứu đều cần chuẩn bị từ đầu. Nếu làm tốt tất cả cùng lúc là tốt nhất, nếu không (như của mình) thì cần có sự đầu tư, phân chia hợp lý về thời gian và công sức để đạt được những điều kiện này khi làm hồ sơ xin học bổng.

Mình thấy có nhiều bạn phải bỏ việc đang làm để học tiếng Anh hay chuẩn bị hồ sơ. Điều này đôi khi là cần thiết tùy theo hoàn cảnh của mỗi người. Nhưng theo mình thì nên tránh và hoàn toàn có thể tránh được nếu có sự chuẩn bị trước.

Tương tự, vì làm thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ngoài (từ khối kỹ thuật, khoa học đến kinh tế) đều chủ yếu là làm nghiên cứu, việc chuẩn bị kỹ năng làm nghiên cứu khoa học (tự tìm tòi, tự học, tư duy phản biện) là cần thiết. Hơn nữa, những sự chuẩn bị này, nếu đổi ý không đi du học nữa, thì cũng vẫn là những hành trang hữu ích cho bất kỳ công việc nào ở Việt Nam.

Lời khuyên đầu tiên của mình là nên chuẩn bị mọi thứ cần thiết, càng sớm càng tốt, chắc chắn thời gian bỏ ra sẽ không bị lãng phí đi đâu cả.

Lê Anh Linh đại diện cầm trượng trong ngày tốt nghiệp bậc tiến sĩ tại Đại học Adelaide. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Anh Linh đại diện cầm trượng trong ngày tốt nghiệp bậc tiến sĩ tại Đại học Adelaide. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Tiếng Anh không thể thiếu

Tiếng Anh không chỉ mở ra cơ hội du học mà còn mang đến rất nhiều cánh cửa khác trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống thường ngày. Mình thấy sinh viên, đặc biệt là những bạn học khối kỹ thuật thường rất ít quan tâm đến tiếng Anh. Cá nhân mình khi bắt đầu có ý định du học vào năm ba cũng mới nhận ra tầm quan trọng của tiếng Anh và bắt đầu học.

Mình nghĩ nên học tiếng Anh theo cách giống với một đứa trẻ khi biết nói: Học nghe và phát âm từng từ một cách chính xác trước, sau đó xây dựng vốn từ rồi mới để tâm đến ngữ pháp.

Mình từng là nạn nhận của việc nhồi nhét ngữ pháp một cách không cần thiết ở cấp 2 và 3. Vì không hiểu và bị rối bởi một số lượng lớn cấu trúc ngữ pháp mà tác dụng duy nhất là chỉ để làm bài tập, nên tiếng Anh trở thành nỗi sợ của mình lúc nào không hay.

Trải nghiệm của mình với tiếng Anh cho thấy càng dùng nhiều thì việc phát âm chính xác từng từ càng trở nên quan trọng và dễ khơi dậy niềm vui khi học. Mình nghĩ nhờ "bí kíp" này mà điểm viết trong 2 lần thi TOELF iBT của mình đạt 29 và 30/30, trong khi rất nhiều bạn e ngại phần này.

Nhiều bạn vẫn phân vân nên học IELTS hay TOELF iBT, mình thấy cả hai đều tốt và được hầu hết trường chấp nhận. Các kỹ năng của TOELF iBT, đặc biệt là kỹ năng nghe, đọc hiểu và viết, rất gần với những thứ sinh viên phải làm khi du học. Nhìn chung các trường khối châu Âu và Australia vẫn ưu tiên và có tỷ lệ quy đổi điểm có lợi hơn cho IELTS, ngược lại Mỹ ưu tiên TOELF iBT hơn.

Chọn giáo viên hướng dẫn

Hơn cả thứ hạng của trường hay số tiền nhận được từ học bổng, mình nghĩ chọn thầy hướng dẫn là quan trọng nhất khi làm tiến sĩ, đặc biệt là những ai muốn theo đuổi con đường học thuật (academic career).

GS Nguyễn Văn Tuấn (Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Australia) cũng cho rằng thầy hướng dẫn sẽ có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp của một tiến sĩ 5-10 năm sau khi tốt nghiệp. Ra trường, sinh viên có thể không còn làm chung với giáo viên hướng dẫn, nhưng dấu ấn về hướng nghiên cứu, kỹ năng và đặc biệt là phong cách làm việc của họ sẽ đi theo và phần nào quyết định sự thành công của sinh viên sau đó.

Tùy mục tiêu của mỗi người mà tiêu chí chọn giáo viên hướng dẫn cũng khác nhau. Mọi người thường chỉ để ý đến chỉ số thống kê như số lượng trích dẫn hay số lượng bài báo khoa học để lựa chọn thầy. Tuy nhiên, các chỉ số này không phải lúc nào cũng phản ánh thực tế và còn nhiều yếu tố khác quan trọng hơn cần cân nhắc như: số lượng tiến sĩ họ hướng dẫn, sự phát triển sau đó của những người này, số lượng tài trợ khoa học mà họ nhận được, họ đang ở giai đoạn phát triển nào trong sự nghiệp (bắt đầu, đang lên hay ở bên kia sườn dốc của sự nghiệp).

Tất cả thông tin này đều có thể tìm thấy trên mạng và đều nên được cân nhắc đến khi quyết định. Thậm chí, bạn có thể tìm đọc các công bố khoa học của họ để xem phẩm chất khoa học ở trong đó và mình có thích hướng nghiên cứu mà họ đang làm hay không.

Một khi chọn được thầy hướng dẫn (và thầy hướng dẫn chọn mình) thì việc nộp hồ sơ xin học bổng loại nào, quy trình ra sao sẽ trở nên dễ dàng hơn. Thông tin về học bổng và yêu cầu thường được các trường công khai rõ ràng trên website. Một số trang web hay Facebook page như Scholars4dev, vietPhD cũng có thông kê lại thông tin này. 

Lê Anh Linh phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Lê Anh Linh phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chuẩn bị kinh nghiệm làm nghiên cứu khoa học

Kinh nghiệm làm nghiên cứu thường được đánh giá thông qua công bố khoa học. Ở một số ngành phát triển nhanh như công nghệ thông tin, khoa học máy tính thì bài báo khoa học ở một hội nghị uy tín trong ngành (Conferences) là quan trọng. Ngược lại, ở phần lớn ngành khác thì bài báo ở tạp chí khoa học (Peer-reviewed Journals) là tiêu chí hàng đầu để đánh giá ứng viên. Tác giả chính của 1-2 công bố chất lượng tốt là đủ để có thể có được học bổng tốt.

Biết được điều này, mình đã tham gia nghiên cứu khoa học vào năm cuối đại học. Nhờ kinh nghiệm đó cùng với sự chuẩn bị về tiếng Anh, mình đã nhận được học bổng kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ 5 năm ở Đại học Nanyang (Singapore) nhưng mình từ chối để tìm kiếm cơ hội tốt hơn. 

Cuối cùng mình chọn ở lại TP HCM và làm ở Viện Khoa học Tính toán sau khi tốt nghiệp đại học. Vậy là thay vì bỏ tiền đi học thạc sĩ, mình có thể vừa làm nghiên cứu để cải thiện hồ sơ mà vẫn có thu nhập khá tốt so với bạn bè lúc mới ra trường. Sau một năm rưỡi, khi có được một vài công bố ở hội nghị và tạp chí khoa học, việc có được học bổng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Mình nhận được học bổng làm tiến sĩ ở Đại học Adelaide mà không cần học qua thạc sĩ. Điều này không hiếm ở Australia, nhưng họ thường chỉ nhận sinh viên từng học đại học ở đây hoặc các nước tiên tiến khác. Kinh nghiệm làm nghiên cứu là điểm khác biệt lớn nhất trong hồ sơ của mình.

Một vài lưu ý khác

Có lẽ ai cũng thấy "giáo dục là khoản đầu tư có lãi nhất", nhưng cách nuôi dưỡng khoản đầu tư này để nó sinh lợi như thế nào thì mỗi người sẽ có cách riêng. Theo cảm nhận của mình, các bạn trẻ nên tìm cách sang nước ngoài để trải nghiệm và "đầu tư" khi có cơ hội.

Từ những thứ đơn giản như cách bố trí lối đi cho người khuyết tật, cầu thang, chỗ ngồi xe buýt đến những điều lớn hơn như cách quy hoạch thành phố, lối sống trong xã hội cũng có nhiều điều mình có thể học hỏi. Những thứ này, bất kể sau đó mình ở lại hay trở về Việt Nam, cũng đều là những bài học giúp mình trở thành phiên bản tốt hơn của bản thân mà chẳng ai có thể dạy mình cả.

Làm thạc sĩ hay tiến sĩ, đặc biệt là chọn theo đuổi con đường học thuật, là chặng đường rất gian nan và dựa chủ yếu vào chính mình. Vì vậy, các bạn nên cố gắng tìm học bổng toàn phần để xem như "tiền lương" cho công việc của mình chứ đừng chấp nhận học bổng bán phần hoặc phải bỏ tiền ra để được làm tiến sĩ. Và điều đó khó hay không, theo mình là hoàn toàn khả thi.

Với một chút may mắn, mình từ một học sinh trường làng đã bước đến THPT chuyên Thăng Long (Đà Lạt), Đại học Bách khoa TP HCM, Viện Khoa học Tính toán rồi đến Đại học Adelaide. Mình nghĩ mình mà làm được thì ai cũng sẽ làm được, và chắc chắn là có nhiều người đã và sẽ làm tốt hơn mình. Điều duy nhất mình muốn nhấn mạnh là đôi khi mình phải tự tạo ra may mắn cho chính mình, bằng cách xắn tay lên và bắt đầu bằng "sự chuẩn bị".

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply