SSDH – Việc giảng dạy truyền thống đang dần được thay đổi bằng hình thức giảng dạy mới: rèn luyện thêm những kinh nghiệm thực tế nhất cho sinh viên. Và trường Cao đẳng Kỹ thuật JCB là trường đầu tiên ở Anh đi tiên phong. Ngoài việc đào tạo kiến thức cơ bản, trường còn đưa vào những chương trình thực tập thực tế để sinh viên – những kỹ sư tương lai này có thể nắm bắt tốt hơn, có kinh nghiệm thực tiễn hơn về ngành nghề mà mình sẽ làm sau khi tốt nghiệp. Đây chính là sự sửa sai cho nền giáo dục Anh trong những năm qua – theo lời ông Baker đã phát biểu trên tờ The Guardian.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật JCB (Joseph Cyril Bamford) được xây dựng dựa trên nền một nhà máy Bông có từ thế kỷ 18 trong làng Rocester gần Uttoxeter – một nơi pha trộn giữa vẻ đẹp cổ xưa và hiện đại. Nhà máy này tồn tại trong hai thế kỷ cho tới năm 1980 thì đóng cửa, nay được tái sử dụng cho mục đích giáo dục – làm trường đào tạo kỹ sư tương lai cho ngành công nghiệp. Phòng ốc tại JCB khá rộng rãi và sáng sủa, nhìn ra phía trước có thể chiêm ngưỡng phong cảnh tuyệt đẹp của Staffordshire.
JCB được thành lập bởi nhà khoa học – kỹ sư Lord Baker, nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục và còn là Chủ tịch Điều hành Cty Baker – Dearing Trust – nơi đứng ra phát triển ý tưởng trên thành hiện thực, bởi ông nhìn thấy rõ vấn đề then chốt trong việc cải cách là gì.
Nếu chỉ nghe qua, người ta dễ lầm tưởng Trường JCB có vẻ giống như những trường đại học khác, song thực tế đây là các cơ sở đào tạo nghề, được tài trợ bởi các trường Đại học và có thể tiếp nhận học sinh từ lứa tuổi 14 – 19. Trường JCB hiện nhận được sự hậu thuẫn từ 5 trường Đại học khác nhau, trong đó có trường Cambridge nổi tiếng. Trường có các môn học thực tế như kỹ thuật chuyên ngành, thiết kế sản phẩm và y tế – là những môn rất cần đến máy móc thực hành chuyên dụng. Ngoài ra, vẫn có các môn học khác như tiếng Anh, Toán, Khoa học tự nhiên, nhân sinh, ngoại ngữ và IT…Mỗi năm học, học sinh được tham gia từ 40 – 80 ngày làm việc thực tế.
Vì hình thức giảng dạy còn khá mới mẻ nên JCB chỉ áp dụng cho sinh viên năm thứ 2 được tham gia học kể từ ngày 22/8 này. Những sinh viên học ở đây thực sự cần có sự nhiệt huyết vì ngay cả giờ lên lớp cũng rất căng, mỗi tuần bắt buộc 3 ngày học từ 8.30 cho đến 5 giờ chiều. Sinh viên ở cách trường 18 dặm sẽ có xe buýt đón ở Derby, Stafford hay Stoke-on-Trent lúc 07:20 hàng ngày. Tất cả sinh viên muốn theo học đều phải làm quen với những điều này. Thời gian lên lớp phải đảm bảo đến 95,6%, (trên mức trung bình của quốc gia). Vào kỳ nghỉ học, sinh viên vẫn phải thực tập thực tế như những kỹ sư thực thụ.
Theo Ông Wade – một trong những giảng viên của JCB – người đã từng có 8 năm kinh nghiệm điều hành một trường đại học tổng hợp ở Devvon chuyên về công nghệ thông tin chia sẽ rằng: “đây là cơ hội để thiết lập một hình thức đào tạo mới có tính riêng biệt. Ngày đầu tiên khai sinh trường thực sự gây được tiếng vang không nhỏ bởi những lời phát biểu, những nhận định, những đầu tư từ các bậc tiền bối và những ngôi sao sáng của ngành công nghiệp và giáo dục. Trong số đó có ông Anthony Bamford – chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Bamford (Excavators) Ltd. Cty Bamford đã đầu tư 2 triệu bảng Anh cho dự án giáo dục hóa này.
Đứng trước sự quan tâm và đầu tư lớn như vậy, liệu rằng những người lãnh đạo của trường có gặp phải những áp lực? Hiệu trưởng JCB đã trả lời: “Tất cả những gì chúng tôi có thể làm được là đưa đến cho sinh viên những kiến thức thực tế nhất hiện nay. Tôi tin rằng sẽ có nhiều em học sinh muốn đến đây học vì thích cách học ở đây. Nếu bạn có thể đưa đến cho các em học sinh niềm say mê thì có nghĩa bạn sẽ chinh phục được các em”.
Năm đầu thành lập, trường tiên lượng sẽ có 120 học sinh lớp 10 và 50 học sinh lớp 12 theo học, nhưng kết quả là có đến 148 em lớp 10 và 63 em lớp 12. Các em được lựa chọn qua bài thi vẽ đồ họa kỹ thuật số. JCB dự kiến năm 2013, trường sẽ thu hút được 600 học sinh lứa tuổi từ 14-19 tham gia các khóa học full-time (toàn thời gian) tại đây. Tại JCB, môn học kỹ thuật chuyên ngành chiếm 40% thời lượng và mô hình lớp học là 12,5 học sinh một giáo viên. Còn các môn học khác thì 24 người một lớp. Không phải toàn bộ đội ngũ chuyên ngành đều là giảng viên, mà có một số là các cố vấn đã từng làm việc trong ngành kỹ thuật hay ngành vũ trang và có nhiều kinh nghiệm thực tế.
Phó hiệu trưởng trường JCB – ông Mark Henshaw cho biết thêm: “Chúng tôi phải sử dụng những người như thế này bởi họ biết cách truyền đạt những vốn kiến thức thực tế, trong khi một số giáo viên khác tuy đã được đào tạo nhưng lại không có kinh nghiêm thực tế. Ở trường Đại học mà tôi từng làm việc trước đây, chúng tôi phải mất hai tháng để quyên tiền mua 2 cái máy tiện – làm phương tiện thực tập thực tế cho sinh viên – học sinh. Trong khi, tại JCB hiện có đến 30 cái máy như thế này loại mới nhất mà sinh viên sẽ phải sử dụng sau khi ra trường”.
Vì chuyên ngành kỹ thuật nên trường JCB cũng vấp phải sự chênh lệch trong tỉ lệ sinh viên nữ, chỉ chiếm khoản 10%. Theo cô Harriet Chiles – một giảng viên của trường thì: “do hầu hết các em đều đang thiếu sự hiểu biết về ngành kỹ thuật. Các em cho rằng đây là một nghề đầy dầu mỡ”. Trong khi chương trình khóa học còn bao gồm có Toán, tiếng Anh, tiếng Đức, ít nhất 2 môn khoa học tự nhiên, quản trị kinh doanh, rồi mới tới chuyên ngành kỹ thuật. Trường chia năm học theo từng phân đoạn 8 tuần một, mỗi phân đoạn là giải quyết các vấn đề kỹ thuật trong các nhóm. Mỗi vấn đề có một đặc thù kinh doanh riêng. Và trường cố gắng xây dựng các chương trình học còn lại theo đúng chuyên môn kỹ thuật. Tức là, nếu trường đang thiết kế máy bơm cho động cơ phản lực Rolls-Royce, thì giảng viên của trường sẽ viết về đề tài này bằng tiếng anh và sử dụng để làm giáo trình luôn.
Nếu đúng như vậy thì hình thức giống như một trường đào tạo hơn là một trường đại học? Trả lời từ phía các nhà lãnh đạo trường thì: “Không hẳn như vây, trường JCB cũng sẽ lên chương trình các khóa học khác như đào tạo bác sỹ hay nhà báo để những em nào khi đến 16 tuổi quyết định là sẽ không theo ngành kỹ thuật nữa vẫn có thể có sự lựa chọn khác ở đây. Còn với các môn lịch sử, nghệ thuật, văn học thì trường chúng tôi sẽ có các câu lạc bộ về nghệ thuật, âm nhạc, kịch, khiêu vũ hay báo chí để các em có thể tham gia. Sinh viên phải chọn một trong số các hoạt động đó ở những thời điểm khác nhau.
Hiện tại thì JCB có lẽ là trường cao đẳng kỹ thuật đầu tiên áp dụng hình thức giảng dạy mới này nhưng trong tương lai gần thì không phải là trường duy nhất mà kế tiếp sẽ có nhiều trường như vậy ra đời. Tháng tới, trường Black Country cũng sẽ bắt đầu mở cửa ở ngay Staffordshire. Hiệu trưởng hiện tại của trường – ông George Osborne vừa có thông báo sẽ thành lập 24 trường tương tự vào năm 2014. Theo ông Baker – nguyên Bộ Trưởng Bộ giáo dục: “dự kiến trong vòng 10 năm tới, ở Anh sẽ thành lập thêm từ 200 – 300 trường theo mô hình giáo dục thực tiễn như JCB”.
Được trang bị hàng loạt các trang thiết bị thực hành hiện đại & mới nhất, với một đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm thực tiễn, cùng các đặc tính chuyên ngành mà những trường khác phải mơ ước, JCB tự tin có thể đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 2.
Học sinh Việt nam có thể tham khảo chương trình Cao đẳng kỷ sư tại Website của trường: www.jcbacademy.com
Lê Minh – Theo The Guardian.