SSDH – Để tiết kiệm chi phí, nhiều gia đình cho con em du học trong nước tại các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Tuy nhiên, chuyên gia về giáo dục cho rằng cách du học này có thể chỉ gây tốn tiền, lãng phí.
PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học – trao đổi với Tiền Phong về vấn đề này.
|
Hiện ở Việt Nam có trường chất lượng đạt chuẩn quốc tế (ảnh minh họa). |
Có trường rởm đang len lỏi vào Việt Nam
Ông là người từng lên tiếng mạnh mẽ về chất lượng của các trường ĐH liên kết với nước ngoài. Vậy ông nhìn nhận như thế nào về việc du học trong nước hiện nay?
Giáo dục hiện nay không có biên giới. Học sinh, sinh viên đi du học các nước và tại các trường ngoại ở Việt Nam cũng là điều bình thường. Hiện ở Việt Nam có trường chất lượng đạt chuẩn quốc tế.
Tuy nhiên, nhiều trường ĐH liên kết trong nước không dám cam kết vì họ không làm được. Hiện nay, ta chưa kiểm soát được trường liên kết. Tôi không khẳng định tất cả các trường liên kết đều rởm. Nhưng liên kết kiểu đó nhìn chung là rủi ro tăng lên rất nhiều. Bằng cấp của những trường này chỉ là hai bên ký với nhau, chứ không được trường ở bên nước đó chấp nhận, không được quốc tế công nhận mà chỉ dùng được ở Việt Nam.
Các chương trình giảng dạy mang từ nước ngoài về cũng không đảm bảo giữ được chất lượng như ở nước đó. Muốn chất lượng ngang bằng, phải đầu tư lớn cho tài liệu, sách giáo khoa, phương pháp dạy, tập huấn cho giảng viên, tập huấn cho quản lý.
Các trường ở Mỹ được kiểm định, được công nhận, người ta mới dám học. Mỹ có 1.500 trường có được sự công nhận đó. Cũng một lượng như vậy là các trường chất lượng rất kém, rất thấp, nên kể cả bằng TS trường đó cấp, chất lượng cũng thấp. Những trường này đang tìm cách len lỏi vào Việt Nam.
Nhiều cán bộ của ta đã và đang học các trường này độ vài chục ngày để lấy bằng TS. Việc ta phải làm là kiểm định và công bố cho người dân biết những trường nào không đủ tiêu chuẩn thì lại không làm.
|
PGS.TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học. |
Trong bối cảnh đó, cần có những biện pháp chấn chỉnh gì để tạo ra các trường ĐH liên kết có chất lượng, thưa ông?
Quản lý của ta quá kém, nếu làm chặt chẽ, dứt khoát cơ quan chức năng buộc các trường phải cam kết kiểm định, không phải tổ chức tạp nham mà phải do tổ chức có uy tín thực hiện. Không yêu cầu chất lượng đào tạo tại các trường ngoại, trường liên kết ở Việt Nam cao hơn ở nước cụ thể nào đó, nhưng điều kiện thực hiện phải ngang bằng, từ đó giá trị văn bằng ở Việt Nam cũng ngang bằng ở nước đó. Rất ít trường ĐH nước ngoài liên kết với Việt Nam dám đảm bảo những điều như vậy.
Ở Việt Nam, ta đã có chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao như ở ĐH Bách khoa, ĐH Giao thông Vận tải. Chương trình này được yêu cầu chất lượng đào tạo phải có giá trị ngang với chất lượng tại các trường lớn của Pháp. Ai tốt nghiệp chương trình này thì bằng cấp đó được quốc tế công nhận.
Tiêu chí giảng dạy phải theo tiêu chí của trường Pháp. Ta đã làm rất tốt chương trình này. Tuy nhiên, với cách quản lý yếu kém như hiện nay thì rất khó có cơ sở đánh giá chất lượng thực sự của các trường liên kết khác.
Hiện nay, dư luận đang có nhiều ý kiến quanh bốn trường ĐH được gọi là ĐH xuất sắc? Thực chất các trường này có xuất sắc không?
Gọi tên ĐH xuất sắc là rất kỳ, không nước nào gọi như vậy. Các trường căn cứ vào chất lượng của mình rồi mới được cộng đồng tôn vinh làm ĐH xuất sắc. Tôi không hiểu sao lại lập mới 4 trường, từ trứng nước lại đặt tên cho nó là xuất sắc. Chương trình giảng dạy không phải mua, xin. Có thể trong tương lai nó sẽ xuất sắc nhưng từ trứng nước đặt như vậy là không ổn.
Đã thế, lại đặt ra mục tiêu từ nay đến 2020 một trong bốn trường đó phải lọt vào top 200 trường hàng đầu thế giới. Không khác gì mục tiêu đưa người lên mặt trăng. Muốn vậy phải đầu tư rất nhiều về cơ sở vật chất, giáo viên… Trung Quốc đến nay cũng chưa có trường nào lọt vào top 200 của thế giới. Phải huy động tất cả ngân sách của giáo dục cho 1 – 2 trường đó, làm thế có phải chỉ để lấy danh.
Sau 4 năm học du học trong nước sinh viên, gia đình họ tốn rất nhiều tiền, nhưng họ chỉ nhận được cái bằng cả hai bên cùng ký vào, không được quốc tế thừa nhận.
Cảm ơn ông.
Theo Tiền Phong