Bi kịch cuối con đường du học của nhiều người trẻ châu Á

0

Sẵn sàng du học – Chỉ 3 tháng sau khi Zhikai Liu tới Australia, cậu sinh viên Trung Quốc đã gieo mình ngoài ban công căn hộ tầng 21.

Hôm đó trời Melbourne nắng đẹp. Nhưng trong lòng cậu sinh viên Liu 24 tuổi lại lạnh giá. Trước ánh mắt kinh hoàng của em gái, Zhikai Liu hét lên: “Tại sao cuộc sống lại khó khăn đến thế!”, “Tại sao chúng ta phải đưa ra những lựa chọn khó khăn thế!”. Rồi cậu quay ra ban công căn hộ nằm trên tầng 21, ở mặt đường A’Beckett, cách mặt đất hơn 70 mét.

Một tiếng động lớn vang lên, và âm thanh la hét đột ngột kết thúc. Cô em gái chạy ra ngó xuống và thấy anh trai mình nằm trong vũng máu dưới đất.

Vụ tự tử của chàng sinh viên trẻ Zhikai Liu làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn tâm lý khi du học. Ảnh: Melbournetoday.

Vụ tự tử của chàng sinh viên trẻ Zhikai Liu làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng sinh viên quốc tế gặp nhiều khó khăn tâm lý khi du học. Ảnh: Melbournetoday.

Vụ việc xảy ra vào ngày 6/3 năm 2016. Tuy nhiên đến nay vụ việc mới được cảnh sát làm sáng tỏ, theo theage.

Năm 2015, Zhikai Liu từ quê nhà đến Melbourne để học đại học. Cậu được nhận vào Đại học Melbourne với trình độ xuất sắc. Tuy nhiên, không lâu sau đó, Liu nhận thấy cuộc sống của mình như đi vào ngõ cụt.

Mặc dù đủ điểm trong môn tiếng Anh, cậu vẫn không thể hiểu hết các thầy cô nói gì và không thể giao tiếp với các bạn. Ngay cả mối quan hệ với bạn gái ở Sydney cũng không suôn sẻ. Cậu chịu áp lực rất lớn, đã mất ngủ nhiều ngày. Cậu từng nói với em gái về ý định tự tử, và cô em đã khuyên nên đến gặp bác sĩ tâm lý, nhưng cậu từ chối.

Tháng 3/2016, là tháng thứ ba Zhikai Liu đến Australia. Vào ngày 5/3, lần đầu tiên cậu nói chuyện với cha mình, rằng muốn tập trung để nâng trình độ tiếng Anh và tạm dừng việc học đại học, nhưng người cha dường như không ủng hộ.

Chiều 6/3, Liu trò chuyện với bạn gái qua điện thoại. Và sau đó sự việc đau lòng xảy ra.

Cuộc điều tra của cảnh sát cho thấy cái chết của Liu không có sự tham gia của bên thứ ba, cũng không có thư tuyệt mệnh. Môi trường ngôn ngữ thay đổi và áp lực từ sự bất mãn trong học tập đã đẩy cậu đến chỗ tự tử.

Zhikai Liu không phải là sinh viên quốc tế đầu tiên gục ngã như vậy. Điều tra của cảnh sát bang Victoria (Australia) phát hiện ra rằng trong 7 năm từ 2009 đến 2015, có 27 sinh viên quốc tế ở bang này đã tự tử. 

Tỷ lệ các sinh viên quốc tế tự tử tại bang Victoria, Australia, từ 2009 đến 2015, theo tuổi và giới.

Tỷ lệ các sinh viên quốc tế tự tử tại bang Victoria, Australia, từ 2009 đến 2015, theo tuổi và giới.

  • Trong số đó, 90% (24 người) đến từ châu Á.
  • 22 người là nam, tập trung ở nhóm tuổi 18-29
  • So với người bản địa, sinh viên quốc tế thường tự tử bất ngờ, không báo trước, phải chịu áp lực học tập và kinh tế nhiều hơn.

Có thể nói rằng việc tự tử của sinh viên quốc tế có liên quan mật thiết đến tình trạng sức khỏe tâm thần.

Áp lực ở nước ngoài đã không được đánh giá đúng mức, và thực tế có thể nặng nề gấp nhiều lần so với những gì được công bố. Kết quả là, trong những năm qua, nhiều sinh viên du học bị trầm cảm nặng đã đi đến bước cực đoan.

Số liệu mới nhất cho thấy số sinh viên quốc tế tại Australia vào giữa năm 2018 là hơn 530.000 người, trong đó khoảng 1/3 đến từ Trung Quốc, theo canberratimes.

Một khảo sát từ Đại học công nghệ Sydney công bố trên Australian Journal of Psychology năm 2015 ghi nhận các sinh viên Trung Quốc có mức lo lắng, căng thẳng cao hơn so với bạn bè người bản địa.

Hai tháng trước, tại Đại học Adelaide, một trong tám trường đại học hàng đầu ở Australia, đã xảy ra một vụ tự tử, nạn nhân là một sinh viên Trung Quốc vừa đến nước này.

Tháng 7 năm ngoái, một sinh viên Trung Quốc từ Đại học Queensland, tên Li, bị ngất trong thư viện. Hai ngày sau, nhà trường đã thông báo Li qua đời trong bệnh viện.

Ngày 18/5 năm 2018, một nữ sinh viên Trung Quốc học tại Santa Barbara (Mỹ) được báo mất tích. Sau đó cô bị phát hiện đã tự sát. Trước đó, ngày 5/12 năm 2017, nữ sinh năm nhất họ Wang đã tự tử tại Trường Nha khoa, Đại học Toronto…

Vào tháng 11/2016, tại Đại học Toronto, Canada, Yang Zhihui, một sinh viên đến từ Thượng Hải đã tự tử. Anh từng đạt kết quả xuất sắc và giành được 7 học bổng.

Vào tháng 11/2016, tại Đại học Toronto, Canada, Yang Zhihui, một sinh viên đến từ Thượng Hải đã tự tử. Anh từng đạt kết quả xuất sắc và giành được 7 học bổng.

Audrey Jamieson, chuyên viên điều tra các vụ tự tử của sinh viên quốc tế tại bang Victoria, cho biết chỉ có 22% trong số 27 sinh viên kể trên đã tâm sự với người khác về bất ổn tâm lý của mình 6 tuần trước khi chết. Ngược lại, nhóm sinh viên bản địa chia sẻ vấn đề tâm lý với người khác là 57%. Điều đó cho thấy nhóm sinh viên quốc tế ít được hỗ trợ để vượt qua các khủng hoảng tâm lý, hoặc họ không biết phải tìm đến đâu để giải tỏa.

Ngay cả sinh viên đến từ nước nói tiếng Anh như Singapore cũng gặp không ít khó khăn khi du học. Daniel Kang, 22 tuổi, từ quê nhà Singapore tới Canberra (thủ đô của Australia) học cũng rơi vào tình huống đó.

Daniel Kang đến từ Singapore và đang học tại Đại học quốc gia Australia. Ảnh: canberratimes.

Daniel Kang đến từ Singapore và đang học tại Đại học quốc gia Australia. Ảnh: canberratimes.

“Đôi khi tôi cảm thấy rất cô đơn. Dù đã nói tiếng Anh cả đời như một người Singapore, nhưng phát âm và giọng nói của tôi vẫn rất khác với ở đây – đôi khi tôi cố gắng nói ít nhất có thể để tránh mình khỏi bất cứ tình huống xấu hổ nào”, Kang chia sẻ.

“Đôi khi rất khó để tìm thấy người tôi có thể thực sự tin tưởng và trải lòng, mà không để mình thành gánh nặng tình cảm với họ”, cậu nói.

Helen Forbes-Mewett – nhà xã hội học từ Đại học Monash đã nghiên cứu trải nghiệm của các sinh viên quốc tế ở Australia. Một trong các phát hiện của bà là một số phụ huynh đã gửi những đứa con bất ổn về tinh thần của mình ra nước ngoài học, với hy vọng hệ thống y tế ở quốc gia du học ưu việt hơn ở nhà.

“Cha mẹ có thể nghĩ rằng các con sẽ tốt hơn khi xa nhà, và chúng sẽ thành công, rồi trở về, và mọi thứ sẽ ổn, nhưng thực tế họ đang đẩy các con đến vấn đề nan giải hơn”, bà đánh giá.

“Đứng đầu trong số các vấn đề đó, là các sinh viên thường chịu áp lực nặng nề phải thành công. Khi kỳ thi đến gần, hoặc gần cuối kỳ…, tâm lý của các sinh viên sẽ suy sụp nhanh chóng, sau thời gian dài che giấu và không tìm kiếm sự giúp đỡ”.

Báo cáo về sinh viên gần đây nhất của Đại học Quốc gia Australia cho thấy một số sinh viên quốc tế học theo ngành mà cha mẹ chọn, thay vì sở thích thực sự, và có thể gặp các áp lực về tài chính. Một số không nhỏ gặp rắc rối với kết quả học tập.

Trong mắt phụ huynh và người ngoài, các học sinh này là những niềm tự hào. Tuy nhiên, bản thân họ không được thấu hiểu. Bảng điểm đẹp được phô ra, còn họ giấu đi nỗi buồn và căng thẳng phía sau – những thứ tưởng như đơn giản nhưng lại có thể khiến họ gục ngã.

Thái Hải (SSDH) – ​Theo Vnexpress.

Share.

Leave A Reply