Bí quyết ‘hớp hồn’ học sinh của thầy cô giáo New Zealand

0

Sẵn sàng du học – Đi lặn để hiểu về vấn nạn ô nhiễm môi trường biển, hóa thân thành thám tử phá án… là một vài phương pháp giáo dục sáng tạo mà giáo viên New Zealand đang áp dụng.

New Zealand đang dần trở thành cái tên sáng giá trên bản đồ du học toàn cầu. Nền giáo dục ở xứ sở Kiwi nổi tiếng với những phương pháp sáng tạo, truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên. Theo thống kê của Bộ Giáo dục New Zealand năm 2017-2018, 89% sinh viên quốc tế cảm thấy hài lòng với trải nghiệm học tập ở đây.

Giáo dục lấy người học làm trung tâm

Nhà khoa học Albert Einstein có câu nói nổi tiếng: “Nếu đánh giá năng lực của một con cá bằng khả năng leo cây, cả cuộc đời nó sẽ cho rằng nó ngu ngốc”.

Qua rồi thời đại của những bài học thuộc lòng, giáo dục ở New Zealand được thiết kế theo hướng cá nhân hóa. Thay vì đưa ra một giáo trình rập khuôn, gò ép người học vào một khuôn khổ, Chính phủ New Zealand đã đưa ra định hướng giáo dục linh hoạt, giáo viên sẽ điều chỉnh giáo trình phù hợp với ưu thế và khả năng của người học.

Không định hướng tất cả học sinh phải đạt một kết quả học tập giống nhau, giáo viên New Zealand giảng dạy theo phương pháp “strength based”, tức là tôn trọng sự khác biệt của mỗi cá nhân. Từ đó hướng dẫn học sinh phát huy tối đa thế mạnh ở bất cứ lĩnh vực nào.

Jayden bên cạnh 2 hiệu trưởng của trường Logan Park. Ở New Zealand, các thầy cô giáo rất gần gũi với học sinh.

Jayden bên cạnh 2 hiệu trưởng của trường Logan Park. Ở New Zealand, các thầy cô giáo rất gần gũi với học sinh.

Jayden Trịnh Jesudhass (Jayden TJ) là minh chứng cho phương pháp giảng dạy này. Cựu học lớp 9 tại Logan Park High School được nhiều người biết đến sau khi tỏa sáng tại chương trình Vietnam Idol Kids.

Jayden thỉnh thoảng phải nghỉ học để tham gia các hoạt động âm nhạc nhưng kết quả học tập của em không hề thua kém bạn đồng lứa. Lý do là nhà trường luôn tạo điều kiện cũng như thường xuyên trao đổi với gia đình về quá trình học tập của em. Không chỉ ủng hộ học sinh phát huy sở trường, nhà trường còn tạo điều kiện để các em trau dồi thêm nhiều kỹ năng khác như nấu ăn, làm đồ gỗ, từ đó giúp các em tự tin tìm hiểu và thể hiện bản thân ở những lĩnh vực khác.

Chương trình giảng dạy linh hoạt

Claudia Patrao, sinh viên người Ấn Độ đang học ngành Sư phạm tại Đại học Victoria cảm thấy vui khi thay đổi phương pháp dạy phù hợp với học sinh: “Tại Ấn Độ, tôi phải dạy những gì có trong sách giáo khoa, còn ở đây tôi được phát triển giáo án riêng cho mỗi môn học, thậm chí có thể soạn giáo án riêng cho từng học sinh”. Sự linh hoạt trong giảng dạy đảm bảo cơ hội tiếp cận tri thức với mỗi học sinh công bằng và hiệu quả hơn.

Cho học sinh đóng vai các thám tử đại tài, và các khóa học được thiết kế như một vụ án, trường Trung học Alfriston ở Nam Auckland đã tạo ra môi trường học vừa hấp dẫn, vừa thực tiễn cho các học sinh khối 10, 11. Học tập kết hợp với phá án là ý tưởng khác lạ, thu hút sự tham gia của nhiều học sinh. Trong chương trình này, các em cần vận dụng tất cả kiến thức của mình về toán, lý, hóa và kiến thức xã hội để hoàn thành nhiệm vụ.

Lớp học của thầy Mark Hanlen – giáo viên bộ môn Hải dương học tại trường Trung học Whatakane không chỉ cung cấp kiến thức trên sách vở mà còn đưa sinh viên ra ngoài thiên nhiên. Tận dụng cảnh quan của New Zealand, thầy đưa học sinh đi lặn biển để có cái nhìn sâu sắc hơn về môi trường, từ đó kết nối được bài học với thực tiễn như các vấn đề về ô nhiễm môi trường hay rác thải nhựa.

Lớp học ở New Zealand thường xuyên được “giải phóng” khỏi bốn bức tường.

Lớp học ở New Zealand thường xuyên được “giải phóng” khỏi bốn bức tường.

“Giáo dục tại New Zealand không chỉ là những bài học và làm kiểm tra. Đó là quá trình vun đắp một con người”, Marc Rowlinson, sinh viên người Anh tại New Zealand chia sẻ. Theo anh, giáo dục tại New Zealand đem đến nhiều cơ hội để áp dụng lý thuyết vào thực tế trong mọi lĩnh vực, từ thể thao đến công nghệ. Nhà trường thường xuyên tạo điều kiện để học sinh, sinh viên được quan sát, thực tập môi trường làm việc thực tế. Nhờ vậy, sinh viên tốt nghiệp đã có sẵn những kỹ năng và kiến thức mà nhà tuyển dụng cần.

TS Nguyễn Thị Cẩm Lệ – giảng viên tiếng Anh tại Đại học Victoria Wellington -cho biết giáo viên cũng được khuyến khích tìm tòi nghiên cứu những phương pháp giảng dạy mới bằng cách hỗ trợ kỳ nghỉ và chi phí nghiên cứu.

Song song với việc giảng dạy bộ môn chính là tiếng Anh, chị Cẩm Lệ cũng lồng ghép khéo léo những chủ đề nóng của xã hội như môi trường, rác thải… để sinh viên tìm hiểu và tranh luận. Với phương pháp dạy và học sáng tạo, người học sẽ luôn chủ động trong việc tìm kiếm kiến thức mới, lên thời gian biểu cho chương trình học của mình và phát huy khả năng sáng tạo, liên tưởng.

Giảng dạy trong môi trường đa dạng văn hóa

Với xu hướng toàn cầu hóa, nhiều người định cư và du học sinh từ khắp nơi đến theo học giúp New Zealand trở thành quốc gia đa văn hóa. Chỉ tính riêng khu vực Auckland đã có hơn 100 dân tộc, thực tế này là động lực thúc đẩy các giáo viên New Zealand thay đổi phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp với nhiều nền văn hóa.

Chương trình học và hoạt động tại các trường New Zealand luôn chú ý tới sự đa dạng văn hóa và gìn giữ các giá trị truyền thống.

Chương trình học và hoạt động tại các trường New Zealand luôn chú ý tới sự đa dạng văn hóa và gìn giữ các giá trị truyền thống.

Chị Đinh Thị Đoan Hương, tiến sĩ ngành Giáo dục mầm non (GDMN) tại New Zealand, hiện là Trưởng khoa GDMN của Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) cho biết: “Từng có cơ hội ghé thăm trung tâm giáo dục mầm non dành riêng cho trẻ Maori (người bản địa ở New Zealand), tôi vô cùng ấn tượng với cách họ giáo dục trẻ giữ gìn bản sắc văn hóa của nhóm người thiểu số, trong bối cảnh hội nhập và hiện đại hóa đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Họ sử dụng tiếng Maori trong lớp học, dạy trẻ các nghi thức văn hóa Maori, trang trí trường lớp theo bản sắc Maori, dạy trẻ tự hào mình là người Maori”.

Bên cạnh đó, ngoài dạy tiếng Anh, các trường ở New Zealand cũng cho phép học sinh lựa chọn học ngôn ngữ thứ hai như tiếng Trung, Pháp, Tây Ban Nha… Trong các giờ học, sự kiện, lễ hội, các giáo viên cũng sẽ tạo điều kiện để học sinh giới thiệu bản sắc dân tộc mình tới bạn bè qua hoạt động biểu diễn, trưng bày, giao lưu. Từ việc tôn trọng và tự hào về văn hóa của nước mình, học sinh sẽ tôn trọng nét đẹp đa dạng văn hóa của các dân tộc, đất nước khác. 

Trong bối cảnh các nhà tuyển dụng trên thế giới đang thiếu những nhân lực có kỹ năng và tầm nhìn để phát triển bền vững, New Zealand chính là cái nôi nhân tài trong mắt doanh nghiệp. Đây cũng là nơi nhiều học sinh, sinh viên Việt Nam cũng như quốc tế lựa chọn để học tập, nghiên cứu.

Mới đây, New Zealand được xếp hạng là quốc gia nói tiếng Anh hàng đầu thế giới trong việc chuẩn bị kỹ năng cho tương lai, theo The Economist Intelligence Unit. Theo thống kê, đến cuối 2018, hơn 2.500 du học sinh Việt Nam đang theo học tại New Zealand, trong đó học sinh trung học tăng 40% so với cùng kỳ năm 2017. Con số này dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới.

New Zealand hiện là quốc gia sở hữu nền giáo dục đẳng cấp thế giới:

– Quốc gia nói tiếng Anh dẫn đầu toàn cầu về chỉ số giáo dục chuẩn bị cho tương lai.

– Cả 8 trường đại học đều nằm trong Top 3% đại học tốt nhất thế giới.

– Cơ hội visa làm việc đến 3 năm sau khi tốt nghiệp cho sinh viên quốc tế.

Thông tin về giáo dục New Zealand, độc giả có thể tìm hiểu thêm tại đây.

Thái Hải (SSDH) – Theo Zing news

Share.

Leave A Reply