Sẵn sàng du học – Theo một báo cáo vào tháng 8 của Trung tâm nghiên cứu Pew, trụ sở tại Mỹ, chỉ một phần nhỏ trẻ em Mỹ học ngoại ngữ ở trường, trong khi đó, phần lớn người châu Âu tham dự các lớp học ngôn ngữ.
Châu Âu thắt chặt việc học ngoại ngữ ở phổ thông
So sánh dữ liệu từ Eurostat và Hội đồng Giáo dục Quốc tế Hoa Kỳ, Pew nhận thấy rằng trung bình 92% trẻ em trên khắp châu Âu học ngoại ngữ, so với chỉ 20% ở Hoa Kỳ. Ở 24 nước châu Âu, tỷ lệ học ngoại ngữ ít nhất là 80% – trong khi Luxemburg, Malta và Liechtenstein báo cáo 100%.
Trong khi đó, tiểu bang đứng đầu Hoa Kỳ về tỷ lệ học ngôn ngữ là New Jersey chỉ 51%, tiếp theo là Quận Columbia ở 47% và Wisconsin với 36%.
Đây là một phần kết quả của sự khác biệt trong chính sách giáo dục. Trong khi chỉ 10 tiểu bang của Hoa Kỳ và Quận Columbia có yêu cầu đầu ra về ngoại ngữ cho học sinh trung học, việc học ngoại ngữ là bắt buộc ở phần lớn các nước châu Âu.
Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến nhất ở châu Âu – 97% học sinh trung học học ở trường, theo sau bởi tiếng Pháp, tiếng Đức và tiếng Tây Ban Nha.
Ưu thế của tiếng Anh trên thế giới cũng gây nên tỉ lệ học ngoại ngữ thấp ở các nước nói tiếng Anh – theo một báo cáo năm 2016, chỉ có 36% người Mỹ coi ngoại ngữ là một kỹ năng cực kỳ quan trọng để thành công trong nền kinh tế ngày nay.
Bất lợi của việc không học ngoại ngữ là gì?
Nhận thức này cùng với tỷ lệ học tập ngoại ngữ thấp cũng có thể ảnh hưởng đến nhu cầu du học của học sinh, sinh viên khi nói đến giáo dục đại học.
Rajika Bhandari, cố vấn cao cấp về nghiên cứu và chiến lược tại IIE, nói rằng điều quan trọng cần lưu ý là một loạt các yếu tố thúc đẩy quyết định du học của sinh viên (thời gian và chi phí), trình độ thông thạo ngôn ngữ hoặc mong muốn đạt được kỹ năng có thể là một yếu tố thúc đẩy cho một số người. Sự quen thuộc với ngôn ngữ ở nước họ lựa chọn có thể sẽ khiến họ dễ dàng lựa chọn đi du học hay không.
Steve Lewis, giám đốc của trường châu Âu Bergen ở Hà Lan, nói rằng không học ngoại ngữ là không thể chấp nhận được. Bởi không có ngôn ngữ thứ hai sẽ được coi là một bất lợi lớn cho một đứa trẻ. Trong hệ thống trường học châu Âu, ngoại ngữ được coi là bắt buộc khi trẻ lên 5 tuổi.
Trong khi song ngữ và đa ngôn ngữ là phổ biến ở một số nước châu Âu (Bỉ, Luxembourg, Thụy Sĩ), thì việc học ngôn ngữ thứ hai được thực hiện ở tất cả các quốc gia, Lewis giải thích. Ngoài những lý do văn hóa, điều này được hỗ trợ bởi các chính sách rõ ràng ở cả EU và cấp quốc gia. Ví dụ, Ủy ban EU đã thúc đẩy một mục tiêu 'tiếng mẹ đẻ và hai ngôn ngữ”, đảm bảo các học sinh ra trường thông thạo hai ngoại ngữ.
Lewis cũng cảnh báo một tư tưởng rằng, với việc tiếng Anh được xem như một ngôn ngữ thống trị thế giới, người bản xứ Anh coi nhẹ việc học ngôn ngữ khác. Ngoài lợi thế rõ ràng cho việc hội nhập và giao lưu đa văn hóa, việc nói một ngôn ngữ nước ngoài cũng rất quan trọng đối với thương mại quốc tế.
Nghiên cứu của Pew không bao gồm dữ liệu từ Vương quốc Anh – nhưng thật công bằng khi nói rằng học ngoại ngữ ở Anh không phổ biến bằng trên lục địa. Ở Anh năm ngoái chỉ có 47% học sinh học môn ngôn ngữ hiện đại trong kì thi GCSE, kỳ thi quốc gia tiêu chuẩn cho học sinh 15 và 16 tuổi, trong khi ở xứ Wales số học sinh học ngoại ngữ tại GCSE đã giảm gần một nửa kể từ năm 2002. Trong khi một số bước tích cực đã được thực hiện, các trường công lập vẫn tụt lại phía sau các trường tư về số học sinh học ngoại ngữ ở cấp trung học phổ thông.
Trong một môi trường cạnh tranh quốc tế ngày nay, điều quan trọng là chúng ta phải duy trì sự tiến bộ và khuyến khích người trẻ nhận ra lợi ích của việc học một ngôn ngữ mới.
Người dịch: Hải Yến (SSDH)