Chảy máu chất xám và những “rào cản” khiến du học sinh “ngại” về nước

0

Sẵn sàng du học – Đó có thể là Thủ tục hành chính, thu nhập và môi trường làm việc. Câu chuyện “chảy máu chất xám” đã không còn xa lạ với nhiều quốc gia đang phát triển. Hiện nay, tỉ lệ du học sinh trở về Việt Nam làm việc ngày càng giảm, đã tạo sức ép ngày càng lớn đối với thị trường lao động trong nước, trước nhu cầu về một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Khi những “ngôi sao” không muốn “đá sân nhà”

Đã nhiều năm nay, không ít những học sinh giỏi, xuất sắc, được mệnh danh “thần đồng”, những thí sinh xuất sắc giành giải của cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia, hay thí sinh mang về những tấm huy chương cao quý từ các cuộc thi Olympic quốc tế đều muốn đi du học.

Trong một buổi gặp gỡ những chàng trai Olympic quốc tế 2019, chỉ có duy nhất một thí sinh muốn học tập tại quê nhà. Nhiều học sinh mới vừa kết thúc cấp THCS đã nhận học bổng du học, hoặc gia đình đăng ký cho con du học tự túc. Điều đáng nói, tỉ lệ du học sinh tốt nghiệp trở về Việt Nam làm việc không nhiều. Không ít du học sinh bày tỏ mong muốn được làm việc tại nước ngoài với những lý do khác nhau.

Anh Nguyễn Hải Đăng (SN 1994), đang là một kỹ sư Cơ điện tử tại Nhật Bản cho biết: “Mọi điều kiện, môi trường làm việc bên này đều tối ưu hơn ở Việt Nam rất nhiều, rất thuận lợi cho cuộc sống và sự nghiệp của tôi. Bản thân tôi cũng như một vài người bạn khác chưa biết bao giờ mới quay trở về Việt Nam”.

Một cựu du học sinh tại Singapore, anh Trần Trung (Hà Nội, đang sinh sống và làm việc tại Singapore) cũng đã lý giải quyết định ở lại vì ngoài môi trường làm việc lý tưởng, nhiều cơ hội phát triển, thì điều kiện sống cùng các dịch vụ công đảm bảo cho anh có được cuộc sống dễ chịu, thoải mái hơn rất nhiều so với về nước.

Anh Bùi Ngọc Phúc, Chuyên gia tư vấn phát triển thương hiệu, cũng là một phụ huynh có con đang du học tại Nhật Bản.

Anh Bùi Ngọc Phúc, Chuyên gia tư vấn phát triển thương hiệu, cũng là một phụ huynh có con đang du học tại Nhật Bản.

Dưới góc nhìn của một chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu, cũng là một phụ huynh có con đang du học tại Nhật Bản, anh Bùi Ngọc Phúc (Hà Nội) lý giải: “Càng ngày, tỉ lệ du học sinh trở về làm việc tại Việt Nam càng giảm. Một trong những nguyên nhân chính là do chính sách đãi ngộ thấp, môi trường làm việc chưa linh hoạt… khiến ít du học sinh muốn trở về.

Hiện nay, một công chức mới được tuyển dụng, theo bậc lương hiện nay không được quá 5 triệu đồng, cộng thêm các khoản khác cũng chưa được 10 triệu đồng. Nếu làm cho các doanh nghiệp, mức lương cũng chỉ dao động tầm 12-15 triệu đồng/tháng.

Tuy nhiên thu nhập chỉ là một khía cạnh, trong môi trường làm việc không mấy năng động như hiện nay, các bạn trẻ sẽ bị tụt hậu rất nhanh do không cập nhật được cái mới. Chính vì vậy, nhiều du học sinh sau khi học xong, thay vì về Việt Nam đã chọn ở lại nước ngoài, đầu quân cho các công ty của nước sở tại”.

Theo vị phụ huynh này, để có thể “giữ chân” đội ngũ nhân lực giỏi này, Việt Nam cần có sự thay đổi đầu tiên từ các nhà tuyển dụng: “Hãy “noi gương” ILO là tổ chức lao động quốc tế có khẩu hiệu “Việc làm thỏa đáng”. Các doanh nghiệp muốn thu hút được nhân tài nên có chính sách minh bạch rõ ràng, lộ trình để những nhân tài thực sự có thể phấn đấu và thăng tiến.

Các doanh nghiệp nước ngoài tự tìm đến các sinh viên năm cuối, thay vì như phần đông doanh nghiệp của Việt Nam, chỉ chăm chăm đợi sinh viên đến xin việc. Đó chính là việc mà các doanh nghiệp cần thay đổi bên cạnh chính sách đãi ngộ để thu hút nguồn lao động chất lượng cao”.

Anh Bùi Ngọc Phúc, chuyên gia tư vấn phát triển thương hiệu, cũng là một phụ huynh có con đang du học tại Nhật Bản.

Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), ước tính đã có khoảng 1,3 triệu lao động có trình độ đại học ở Đông Nam Á đã tìm tới các nước có thu nhập cao hơn ở Bắc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, New Zealand và Australia. Đáng chú ý, con số này đã tăng lên 40% so với năm 2000.

Có thể điểm qua một vài nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ sử dụng nhân lực không đúng chuyên môn; môi trường làm việc không phù hợp; chế độ đãi ngộ chưa thực sự xứng đáng…

Lối đi nào để thu hút nhân tài về nước?

Trước thực trạng “chảy máu chất xám” ngày một gia tăng, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông đã bày tỏ: “Chính sách trọng dụng nhân tài đang là một trong những “trọng điểm” của Đảng và Nhà nước hiện nay.

GS. Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra một vài điểm

Theo tôi, để thu hút du học sinh nói chung trở về và đặc biệt thu hút nhân tài thì không có giải pháp tức thì nào hiệu quả. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nguồn nhân lực này.

Trước hết, vấn đề không hẳn là thu nhập. Mặc dù, để nói thẳng thì hoạt động ở nước ngoài có thu nhập cao hơn rất nhiều so với ở Việt Nam, nhưng đó không phải là tất cả, không phải là quan trọng hàng đầu”.

Tuy nhiên, GS. Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: “Tuy nhiên, để thu hút du học sinh và nhân tài trở về nước làm việc, cũng cần có một chính sách đãi ngộ phù hợp, theo năng lực thực sự chứ không theo thâm niên. Tức là, đưa ra đãi ngộ xứng đáng theo đóng góp của người lao động, chứ không thể “cào bằng” theo kiểu ba năm lên lương một lần, ai cũng như ai.

Tiếp theo là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tối ưu phục vụ nhu cầu nghiên cứu, sự sáng tạo của người lao động. Bên cạnh đó là môi trường sáng tạo cần được phát triển tự do. Nếu những du học sinh trở về nước lại phải hoạt động trong một môi trường gò bó, nhiều khuôn mẫu, thì kể cả hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật đã khó khăn chứ đừng nói đến lĩnh vực khoa học xã hội…”.

“Điều quan trọng không kém chính là phải đẩy mạnh cải cách mạnh bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính để người lao động được tôn trọng thực sự, có được cuộc sống yên ổn, không bị phiền hà, được pháp luật bảo vệ. Hiện nay, vẫn còn một số hiện tượng thủ tục rườm rà, gây nhiều khó chịu cho bản thân những du học sinh đã từng sinh sống trong môi trường “lý tưởng” tại nước ngoài”, ông gợi ý thêm.

GS. Nguyễn Minh Thuyết chỉ ra một vài điểm "mấu chốt" để thu hút nhân tài trở về Việt Nam làm việc.

Theo ông, trong thực tế, không chỉ vì điều kiện làm việc, cơ hội thăng tiến hạn chế, mà nhiều du học sinh mong muốn trở về Việt Nam làm việc vì “ngại” sẽ phải va chạm với những bức xúc hàng ngày khi họ trở về nước, khi xin giấy tờ, làm thủ tục hành chính đều rất khó khăn, còn ở nước ngoài thì những việc này lại vô cùng đơn giản, dễ chịu.

“Vì vậy, muốn đất nước “hấp dẫn” được nhân tài trở về làm việc thì phải có sự thay đổi tích cực!”, GS. Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo ĐSPL

Share.

Leave A Reply