Du học sinh Trung Quốc tìm cách ‘lách luật’ cấm đi lại giữa thời COVID-19

0

Sẵn sàng du học – Kể từ khi Australia ban hành lệnh cấm đi lại từ đầu tháng 2, giới chức ước tính 56% du học sinh, sinh viên Trung Quốc tại nước này – khoảng 106.680 người – vẫn kẹt ở nước ngoài.

Australia ban hành lệnh cấm đi lại đối với công dân Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Australia ban hành lệnh cấm đi lại đối với công dân Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Nếu không vì bệnh dịch COVID-19 (nCoV) lây lan, Xu Mingxi giờ đã ngồi trong một lớp học tại trường đại học New York danh giá. Thay vào đó, chàng du học sinh người Trung Quốc 22 tuổi này đã dành 3 tuần qua chỉ quanh quẩn trong căn hộ của gia đình tại thành phố Vũ Hán – nơi được coi là tâm dịch bùng phát COVID-19 chết người.

Nhưng ngay cả khi Xu có thể rời khỏi nhà, Mỹ – nơi anh chàng du học suốt 4 năm qua – cũng không để anh vào học.

Cách xa Vũ Hán hơn 1.000 km, tại thủ đô Bắc Kinh, Alex cũng gặp tình cảnh tương tự. Hai tuần qua cô ở nhà cùng mẹ và ông bà, nhân đồ ăn qua hệ thống vận chuyển. Cô lo lắng không thể bay tới Sydney (Australia) để nhập học vào cuối tháng này và có thể bị hoãn thời gian lấy bằng luật trong kỳ học này.

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), ít nhất 60 quốc gia đã áp dụng lệnh cấm đi lại đối với công dân Trung Quốc, hy vọng sẽ hạn chế được sư lây lan của loại virus chết người nCoV đối với cộng đồng thế giới.

Tính đến thời điểm ngày 17/2, khu vực tâm dịch COVID-19 ở thế giới đã ghi nhận 71.331 ca nhiễm và 1.775 trường hợp tử vong. Chính quyền Australia và Mỹ đều ban hành lệnh cấm đi lại tạm thời đối với công dân nước ngoài ghé thăm Trung Quốc trong 14 ngày trước khi tới quốc gia của họ. Chính sách đó đã khiến Xu và Alex không thể đi học – và họ không chỉ có một mình.

Theo thống kê, năm 2017, có khoảng 900.000 học sinh, sinh viên Trung Quốc học ở nước ngoài. Một nửa trong số đó chọn Mỹ hoặc Australia để du học. Kể từ khi Australia ban hành lệnh cấm đi lại từ đầu tháng 2, giới chức ước tính 56% du học sinh, sinh viên Trung Quốc tại nước này – khoảng 106.680 người – vẫn kẹt ở nước ngoài. Họ về quê nghỉ lễ Tết Nguyên đán vì kỳ học mới tại Australia thường bắt đầu vào cuối tháng Hai, đầu tháng Ba.

“Đối với Australia, thời gian này là khoảng thời gian tệ nhất. Nó đúng thời điểm trong năm học sinh, sinh viên Trung Quốc đến Australia”, Andrew Norton – Giáo sư Đại học Quốc gia Australia – cho hay.

Để đối phó với lệnh cấm đi lại, một số du học sinh, sinh viên Trung Quốc đã nghĩ ra cách để quay trở lại trường học bên nước ngoài.

Tony Yan – du học sinh tại Đại học Quốc gia Australia đang sinh sống tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc) – đã kiếm cho mình một kỳ nghỉ ở Nhật Bản.

Ngày 8/2, chàng sinh viên khoa toán đã bay tới Tokyo nghỉ ngơi, nhằm lách luật cấm đi lại đối với người không phải công dân Australia trong vòng 14 ngày trước khi về nước. Sau hai tuần không ở Trung Quốc, Yan sẽ bay tới Sydney vào cuối tuần này để bắt đầu năm học từ ngày 24/2.

“Tôi ở Nhật Bản giống như bất kỳ du khách nào. Không cách ly, không đeo khẩu trang, không phân biệt chủng tộc, giống Australia”, Yan chia sẻ.

Yan không phải là du học sinh duy nhất tìm quốc gia thứ ba để lách luật cấm. Alle Liu, một du học sinh người Quảng Châu, đầu tháng này đã bay tới Bangkok (Thái Lan) để có kỳ nghỉ 2 tuần trước khi quay lại Australia học tiếp bằng cử nhân Khoa học.

“Mặc dù tôi có nhiều bạn cấp 3 tại Thái Lan và đây cũng là điểm du lịch nổi tiếng đối với người Trung Quốc, nhưng tôi không cảm thấy mình thích thú. Đây là kết quả từ sự bế tắc của chính phủ Australia”, Liu cho biết cô hiểu quyết định cấm đi lại, nhưng vẫn tức giận vì chính phủ Australia áp dụng ngay mà không đưa ra bất kỳ thông báo trước nào.

“Tôi có bạn trên đường tới Australia vào đúng ngày lệnh cấm có hiệu lực. Thị thực của họ bị hủy và họ bị trúc xuất. Không có thời gian cho những sinh viên đó phản ứng trước một vấn đề nghiêm trong như thế này. Dường như Australia chỉ coi chúng tôi là những ngân hàng rút tiền, chứ không phải bộ phận học sinh sinh viên cống hiến cho họ”, Liu bức xúc. 

Liu cho biết chuyến đi Thái Lan ngoài dự tính của cô hết tổng chi phí vào khoảng 20.000 nhân dân tệ (tương đương 67,3 triệu đồng). Trong khi đó, Yan đang nghỉ ngơi tại Tokyo cũng mất khoảng 10.000 đô Australia (156 triệu đồng) cho chuyến đi Nhật Bản.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Tuổi trẻ

Share.

Leave A Reply