Tham vọng “quyền lực mềm” của Trung Quốc “bị nhiễm” virus Corona

0

Sẵn sàng du học – Không chỉ nền kinh tế, tham vọng của Trung Quốc nâng sức cạnh tranh quốc gia thông qua “quyền lực mềm”, nhất là trong lĩnh vực thu hút nhân tài và giáo dục, đang bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV).

Đường phố Vũ Hán vắng người bởi dịch virus Corona

Đường phố Vũ Hán vắng người bởi dịch virus Corona

Đường phố Vũ Hán vắng người bởi dịch virus Corona

“Kế hoạch ngàn người tài” và làn sóng “hải qui”

Cũng giống như nhiều nước đang phát triển, Trung Quốc từng phải chịu tình trạng chảy máu chất xám trong nhiều thập kỷ, khi những nhân tài triển vọng nhất ra nước ngoài học tập và làm việc. Hệ quả là hiện nay, nước này phải đương đầu với vấn đề hẫng hụt nguồn nhân lực khoa học trình độ cao, khi mà phần lớn các giáo sư hàng đầu đã ngấp nghé tuổi nghỉ hưu. 

Với tham vọng nâng cao chất lượng nghiên cứu nói riêng cũng như khả năng cạnh tranh khoa học nói chung trên bình diện quốc tế, năm 2005, Trung Quốc triển khai “Kế hoạch ngàn người tài” với mục tiêu thu hút đội ngũ trí thức từ các nước phát triển phương Tây quay về nước làm việc.

Giải pháp mà Bắc Kinh coi là có tính chiến lược này được cụ thể hóa bằng Chương trình 111 của Bộ Giáo dục và Ủy ban Công tác với chuyên gia nước ngoài với nhiều hỗ trợ về tài chính nhằm thu hút khoảng 1.000 học giả từ 100 trường đại học hàng đầu trở về với mục tiêu xây dựng 100 nhóm nghiên cứu sáng tạo đẳng cấp quốc tế tại các trường đại học Trung Quốc. 

Bên cạnh đó, để “săn” được nhân tài thời đại 4.0, nhiều tập đoàn, công ty lớn của Trung Quốc sẵn sàng chi số tiền khổng lồ. Không chỉ mời chào với mức lương, thưởng rất cao, nhiều công ty còn đưa ra những chế độ đãi ngộ, quyền lợi hấp dẫn. Một số công ty Trung Quốc thậm chí còn trả cao hơn các công ty đối thủ ở Mỹ hay châu Âu. 

Đại diện một công ty chuyên về tuyển dụng có trụ sở tại Thủ đô London (Anh) cho biết, vị trí giám đốc công nghệ thông tin tại thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) có thể kiếm được từ 177.000 đến 295.000 USD/năm. Trong khi đó, ở London, vị trí này chỉ nhận mức lương tương ứng khoảng 109.000 đến 193.000 USD/năm.

Cho đến nay, Chương trình 111 đã lựa chọn được 662 học giả và hiện có 310 người đang làm việc tại các đại học nghiên cứu ở Trung Quốc. Làn sóng mà báo chí Trung Quốc gọi là “hải qui” này đã giúp nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng nhanh vị trí của mình trong bảng xếp hạng về thu hút tài năng. 

Theo báo cáo cạnh tranh nhân tài được công bố bởi trường Kinh doanh Pháp INSEAD, từ đầu năm 2018 cho đến nay, trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trong vai trò điểm đến thu hút tài năng, Trung Quốc đã nâng hạng lên bậc thứ 7 từ bậc thứ 9 vào năm ngoái. Trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc nâng 11 bậc, lên thứ 43 trong tổng số 119 quốc gia được xếp hạng. 

“Ho và khó thở” bởi virus Corona

Thế nhưng, dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona có thể khiến thành công của Trung Quốc trong việc thu hút nhân tài từ nước ngoài trong suốt một thập kỷ tan thành mây khói. Nay thì không chỉ Vũ Hán, nhiều thành phố ở Trung Quốc cũng tê liệt bởi virus Corona. 

Các nước châu Âu và Bắc Mỹ đã lên kế hoạch gấp rút đưa công dân của mình rời khỏi Vũ Hán, nơi được coi là tâm điểm của đại dịch nCoV. Hàng loạt hãng hàng không lớn quốc tế đã thông báo đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần các chuyến bay đến Trung Quốc. Nếu dịch nCoV không thể khống chế và lan mạnh sang các tỉnh khác của Trung Quốc, thế giới sẽ phải chứng kiến các chiến dịch di tản lớn từ Trung Quốc. 

Theo con số thống kê, Vũ Hán là điểm thu hút nhân lực lớn thứ 3 trong chính sách tiếp nhận thành viên từ “Kế hoạch ngàn người tài”. Cơ sở hạ tầng nghiên cứu vững chắc, các vị trí đầy uy tín và lương cao trong khi chi phí sinh hoạt thấp đã đem lại sức hấp dẫn của Vũ Hán với các nhà nghiên cứu xuất sắc và các doanh nghiệp khoa học từ nước ngoài trở lại Trung Quốc. 

Từ năm 2011 đến 2017, Vũ Hán đã chào đón 262 nhà nghiên cứu trẻ của Chương trình 1.000 tài năng đến thử sức, cao thứ 3 Trung Quốc sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Trên toàn tỉnh Hồ Bắc mà Vũ Hán là thủ phủ, hiện có hơn 21.000 du học sinh nước ngoài. Sự đóng góp của các nhà nghiên cứu Vũ Hán vào các công trình nghiên cứu được xuất bản trên 82 tạp chí có hệ số ảnh hưởng cao được đánh giá là tăng rất nhanh. 

Thành công này của Vũ Hán đang bị virus Corona đe dọa. Trên quy mô toàn quốc, không chỉ nCoV, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến “Kế hoạch ngàn người tài” của Trung Quốc, trong đó chất lượng không khí là thách thức hàng đầu. Nhiều nhà khoa học không muốn đến làm việc ở Trung Quốc vì khói bụi ở các thành phố lớn ở nước này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con cái họ.

Khác biệt về lương bổng giữa những người trở về có lương cao hơn thường tạo sự đố kỵ từ các đồng nghiệp trong nước. Khi những giáo sư bản địa cảm thấy những người mới trở về không đóng góp nhiều hơn họ mà nhận lương cao, họ sẽ bất hợp tác, điều đó gián tiếp làm hủy hoại môi trường làm việc. Thiếu hợp tác với các đồng nghiệp bản địa và vấn đề tái hòa nhập cũng là những vấn đề nổi cộm của chương trình thu hút người tài.

Dịch bệnh nCoV rồi cũng qua đi. Nhưng theo đánh giá của các nhà phân tích, dù ảnh hưởng của dịch bệnh này thế nào, thì “Kế hoạch ngàn người tài” của Trung Quốc cũng đã bị “ho và khó thở” bởi virus Corona.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo An Ninh Thủ Đô

Share.

Leave A Reply