Giáo dục Singapore: Thầy giỏi sẽ tạo nên trò tốt

0

Sẵn sàng du học – Singapore là một trong những quốc gia có nền giáo dục phát triển nhất châu Á. Theo TS. Eric Kuan, điều này là do đảo quốc Sư tử luôn ưu tiên chất lượng giáo viên để tạo ra những cá nhân ưu tú.

Theo TS. Eric Kuan, Hiệu trưởng Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS), Singapore là nơi “đóng đô” của nhiều công ty và tập đoàn đa quốc gia trên khắp thế giới. Do vậy, những trường đại học tại đảo quốc này tập trung giảng dạy những ngành học phổ biến từ tài chính – kinh doanh, thiết kế, công nghệ thông tin, y dược… đến các ngành ít phổ biết như logistics.

TS. Eric Kuan, Hiệu trưởng Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS)

TS. Eric Kuan, Hiệu trưởng Học viện Phát triển Quản lý Singapore (MDIS)

Các trường học tại đây đều chú trọng mô hình đào tạo gắn liền với công việc. Do vậy, trong quá trình học, nhà trường luôn chú trọng việc kết nối doanh nghiệp và mời các tập đoàn lớn đến chia sẻ thông tin, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

“Hiện nay, các sinh viên ra trường tại Singapore đều ngay lập tức có được việc làm. Theo một thống kê mới nhất, khoảng trên 90% sinh viên tại đây có việc làm sau 6 tháng ra trường”, TS. Eric Kuan thông tin.

Trái ngược với tình trạng sinh viên học nhiều môn không gắn liền với thực tiễn, TS. Eric Kuan cho biết, Singapore lại không chú trọng nhiều vào những môn không quá quan trọng. Chương trình học đưa ra luôn đáp ứng mục tiêu giúp sinh viên liên kết khái niệm học được trên lớp với thực tế cuộc sống.

“Mới đây, một du học sinh Việt Nam đã đoạt giải cao nhất trong một cuộc thi thiết kế thời trang tại Singapore. Những tác phẩm dự thi này ngay lập tức đã được các hãng thời trang trong nước mua lại. Trong khi tại nhiều nước khác, ngành thời trang chưa được chú trọng, chủ yếu ở đó vẫn chỉ có những nhà máy sản xuất gia công không thu được nhiều lợi nhuận”, TS. Eric Kuan lấy ví dụ.

Bên cạnh đó, theo ông, thành công của nền giáo dục nước này còn xuất phát từ đội ngũ giảng viên chất lượng cao. Tại Singapore, giáo viên được coi là “đòn bẩy” tốt nhất cho một hệ thống giáo dục thành công.

“Họ là những người có đủ năng lực giảng giải những khái niệm phức tạp cho sinh viên có trình độ khác nhau, truyền cảm hứng học tập, đồng thời hướng dẫn các em vận dụng kiến thức đã học vào cuộc sống bên ngoài phòng học. Do vậy, bản thân giáo viên cũng phải là những người học tập suốt đời và liên tục đổi mới.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên này luôn sẵn sàng chia sẻ kiến thức và theo sát quá trình học tập của từng sinh viên. Đây cũng là một trong những yếu tố rất quan trọng vì việc quan tâm đến sự tiến bộ của từng sinh viên là điều đặc biệt quan trọng trong môi trường giáo dục hiện đại”, TS. Eric Kuan nói.

Hiện tại, Học viện MDIS của ông có khoảng gần 300 sinh viên Việt Nam theo học. Việc có nhiều sinh viên đến từ các quốc gia khác nhau, theo ông, sẽ tạo ra môi trường học tập đa quốc gia.

Nhờ vậy, sinh viên sẽ được trang bị những kỹ năng mềm như cách giao tiếp, làm việc trong môi trường đa quốc gia hoặc làm thế nào để xây dựng được tiếng nói của chính mình trong một môi trường ngày càng phát triển và mở rộng như hiện nay.

Bên cạnh đó, trong môi trường học tập của Singapore, sự tiến bộ của sinh viên cũng luôn được đặc biệt chú trọng.

Trong những thời điểm thi cử, để giảm áp lực học tập cho sinh viên, ngoài việc quan tâm tới lịch học, nhà trường cũng chú trọng đến hoạt động ngoại khóa và sức khỏe, tâm sinh lý của sinh viên.

Ví dụ tại Học viện MDIS, nhà trường bố trí khuôn viên rộng lớn, thoáng đãng với khi giảng đường và trang thiết bị hiện đại. Đặc biệt, các khu giảng đường cũng sẽ được bố trí xem kẽ với các phòng chức năng để đảm bảo phục vụ cho sinh viên tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Điều này nhằm tạo sự thoải mái, không gây nhàm chán và gò bó cho sinh viên.

“Triết lý giáo dục của chúng tôi là khuyến khích mỗi người hãy học tập không ngừng nghỉ trong suốt cuộc đời. Chính triết lý này giúp chúng tôi kiên định theo đuổi mục tiêu giáo dục cũng như không ngừng cập nhật những kiến thức mới nhất”, ông Eric Kuan khẳng định.

Thái Hải (SSDH) – Theo Vietnamnet

Share.

Leave A Reply