Sẵn sàng du học – Việt Nam đang đứng đầu về tốc độ tăng trưởng du học sinh nước ngoài ở Canada (theo tờ Asian Pacific Post, tháng 4/2018). Số liệu từ Cơ quan Giáo dục quốc tế Canada cho thấy trong năm học 2016 – 2017, số lượng du học sinh Việt Nam tại Canada tăng hơn 89%, lên gần 15.000 người.
Hệ thống giáo dục của Canada được đánh giá cao trên thế giới bởi cung cấp các chương trình đào tạo chuẩn mực, thực tiễn cộng với chi phí du học “dễ thở” (khoảng 25.000 USD/năm) và chính sách mở cửa với sinh viên quốc tế, Canada đang là điểm đến mới nổi với nhiều phụ huynh, học sinh Việt.
Thầy Mark, tốt nghiệp Đại học Alberta (Canada) năm 2013 với bằng cử nhân loại xuất sắc đã chia sẻ những nét cơ bản về trọng tâm giáo dục đại học của quốc gia này tại triển lãm du học Mỹ và Canada vừa tổ chức tại Hà Nội.
Đại học Canada đang xoay hướng sang tìm học sinh toàn diện
Hệ thống giáo dục đại học Canada trước đây khá tập trung vào học thuật, coi trọng điểm số tuyệt đối. Hiện nay, điểm số cũng vẫn quan trọng nhưng hội đồng tuyển sinh các trường ở Canada cũng đã yêu cầu bài luận như đại học Mỹ, nghĩa là xoay dần theo hướng đánh giá học sinh toàn diện hơn về con người (cá tính, sở thích, suy nghĩ riêng…) thể hiện qua các hoạt động ngoại khóa.
Điều này là phẩm chất góp phần giúp học sinh dễ dàng hòa nhập môi trường mới, tạo nên thành công của sinh viên sau khi ra trường.
Theo thầy Mark, hồ sơ nộp vào Đại học Canada khá giống hồ sơ nộp vào đại học Mỹ: cũng cần có điểm học bạ tốt, nhà tuyển sinh cũng thích ứng viên toàn diện không chỉ giỏi học tập mà còn tham gia các hoạt động ngoại khóa (tất nhiên không nhiều như Mỹ) để khám phá đam mê bản thân. Do đó, ngay từ cấp 3 học sinh nên tham gia các CLB phù hợp sở thích để tìm ra điểm mạnh, điểm yếu, hoàn thiện các kỹ năng.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của hồ sơ du học Canada so với Mỹ là không đòi hỏi điểm SAT/ ACT nên ứng viên bớt được kì thi tương đối khó khăn (vẫn cần nộp điểm TOEFL, IELTS).
“Phương pháp giáo dục đặc trưng ở Canada là giáo dục chuyên môn. Đa phần các trường đại học ở quốc gia này là trường công, nên cách thức học cũng rất giống trường công ở Mỹ.
Trường công thường là trường to, học sinh học chuyên môn nhiều hơn là học rộng ra các chuyên môn/ chuyên ngành khác”, diễn giả này chia sẻ.
Nên chọn trường công
Thầy Mark cũng bật mí rằng, “ở Canada, hệ thống trường công mới thực sự tốt, còn lại một số trường tư thường là trường dạy nghề, đào tạo cho người nước ngoài”.
Trường công ở Canada được kiểm soát bởi các chính quyền tỉnh, hội đồng trường học địa phương nên chương trình giảng dạy đạt chất lượng cao.
Các giáo viên, giảng viên của các trường công lập ở Bắc Mỹ bắt buộc phải có bằng cử nhân trở lên cũng như giấy chứng nhận giảng dạy của tỉnh bang. Chính vì thế các bài giảng đều được thiết kế với tiêu chuẩn chất lượng cao.
Để trang bị cho sinh viên kỹ năng cạnh tranh trong thị trường lao động sau tốt nghiệp, đại học Canada thường có chương trình “Co-up” (viết tắt của Co-operative Education) – chương trình vừa học vừa làm. Co-op được biết đến là một trong những chương trình thành công nhất tại Canada.
Thầy Mark chia sẻ: “Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kiến thức học thuật và chương trình thực tập, giúp cho sinh viên hiểu sâu hơn các kiến thức được học trên giảng đường và tích lũy thêm kinh nghiệm thực tế trong quá trình làm việc.
Đó cũng là cơ hội tuyệt vời dành cho những sinh viên xuất sắc có thể làm việc tại các tập đoàn hoặc các tổ chức tại Canada sau khi tốt nghiệp.
Bên cạnh đó, sinh viên sẽ được nhận mức lương xứng đáng với năng lực của họ, và giúp họ cải thiện thêm thu nhập để trang trải cho những dự định sắp tới của các bạn sinh viên”.
Đặc biệt, chính sách visa Canada khá thông thoáng cho sinh viên quốc tế. Khi du học ở Canada bất kì ngành gì đều có 3 năm ở lại làm việc, dễ dàng hơn một số nước châu Âu khác.
Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Dân Trí