Kinh tế châu Á bị dịch bệnh Covid-19 ‘tàn phá’, sinh viên mới tốt nghiệp làm gì?

0

Sẵn sàng du học – Hàng triệu người trẻ ở châu Á đang bước vào một thị trường lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với rất ít cơ hội việc làm. Tuy nhiên, một số nhà tuyển dụng cho rằng đây là thời điểm tuyệt vời để học các kĩ năng mới, tận dụng các sáng kiến của chính phủ và gặt hái những kinh nghiệm quý báu.

Thị trường việc làm tại châu Á chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của không ít sinh viên sắp tốt nghiệp trên khắp châu Á. (Nguồn: THX)

Thị trường việc làm tại châu Á chịu tác động bởi đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực lên tâm lý của không ít sinh viên sắp tốt nghiệp trên khắp châu Á. (Nguồn: THX)

Khi công ty đặt xe trực tuyến Uber thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự, Gavin Ng – nghiên cứu sinh Tiến sĩ người Singapore tại Đại học Illinois (Mỹ), tự trấn an bản thân trước hàng loạt tin tức tiêu cực.

Dù vậy, nỗi lo sợ của Gavin cuối cùng cũng trở thành hiện thực khi anh nhận được cuộc gọi thông báo rằng vị trí chuyên gia dữ liệu mà anh đã trúng tuyển tại Uber bị hủy bỏ. “Điều này thực sự rất buồn, nhưng tôi hiểu rằng đó là chuyện kinh doanh thường tình – không có gì nặng nề cả”, Gavin nói.

Nghiên cứu sinh 29 tuổi sau đó đã không nhận được lời mời làm việc nào, trong khi thị thực sinh viên cũng gây không ít phiền toái cho anh. Gavin chia sẻ: “Hiện tại, tôi không có bất cứ lời mời làm việc nào, nên tôi thực sự không dám chắc mình sẽ nhận được những cơ hội tốt. Tôi cũng chưa có kế hoạch cụ thể, đồng thời đang lâm vào một tình huống phức tạp liên quan đến thị thực sinh viên cũng như chuyện học Tiến sĩ”.

Hàng triệu người trẻ gặp khó

Gavin là một trong số hàng triệu người trẻ trên khắp châu Á nói riêng và thế giới nói chung đang đối mặt với khó khăn khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế, buộc các công ty phải cắt giảm nhân sự, ngừng tuyển người mới, cắt lương,…

Những người mới tốt nghiệp thậm chí còn viết hashtag #offerrescinded (“Lời mời làm việc bị hủy bỏ”) trên mạng xã hội LinkedIn, nơi vốn hay được những người tìm việc sử dụng để kết nối với nhà tuyển dụng.

Shrish Pandey, sinh viên Đại học Kĩ thuật Punjab (Ấn Độ), tưởng đã nắm chắc vị trí chuyên viên phân tích dữ liệu tại một hãng hàng không Mỹ sau đợt tuyển dụng hồi năm ngoái. Tuy nhiên, “vì dịch bệnh Covid-19, hãng đã hủy bỏ tất cả thư mời làm việc trên toàn cầu”, Shrish viết.

Xingcheng Sun, một sinh viên tốt nghiệp ngành Khoa học máy tính tại Đại học Nam California (Mỹ) vào mùa Hè này, đã kể lại việc lời mời anh làm việc tại công ty cho thuê văn phòng WeWork bị hủy bỏ như thế nào. Theo Sun, chỉ còn 2 ngày nữa là anh tốt nghiệp và có thể bắt đầu công việc sớm, nhưng công ty không hề gọi đi làm.

Chính phủ các nước vào cuộc

Trước tình hình hiện nay, nhiều chính phủ và cơ sở giáo dục trên khắp thế giới cũng đang vào cuộc để giúp đỡ những sinh viên mới tốt nghiệp. Trung Quốc triển khai chiến dịch 100 ngày gồm việc mở rộng tuyển dụng cho các doanh nghiệp, trường học công, đồng thời tăng trợ cấp cho các công ty nhỏ.

Đại học Trung văn Hong Kong (Trung Quốc) thành lập một quỹ để tạo ra khoảng 100 công việc cho sinh viên. Đây là một phần trong kế hoạch của trường nhằm làm giảm nhẹ ảnh hưởng của các cuộc biểu tình chống Chính phủ ở đặc khu hành chính cũng như dịch bệnh Covid-19. Trong khi đó, các cựu sinh viên của Đại học Baptist Hong Kong (Trung Quốc) lại cung cấp hàng trăm công việc bán thời gian và vị trí thực tập cho sinh viên. Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ ở đây được dự đoán có thể đạt mốc hai con số.

Ở Australia, nơi tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 5 này đạt mức cao nhất trong 5 năm qua với 13,8%, Thủ tướng Scott Morrison cam kết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp 130 tỷ AUD để duy trì công ăn việc làm.

Singapore đã tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng và kinh nghiệm của sinh viên tốt nghiệp. (Nguồn: AP)

Singapore đã tập trung vào việc nâng cao các kỹ năng và kinh nghiệm của sinh viên tốt nghiệp. (Nguồn: AP)

Còn ở quốc đảo Singapore, trọng tâm được đặt vào sự tiếp cận giáo dục – đào tạo, với việc 6 trường đại học cùng cung cấp cho 16.000 sinh viên mới tốt nghiệp cơ hội học thêm 4 môn miễn phí. Những tân cử nhân còn được nhận 70% trợ cấp học phí khi theo học các khóa dạy kĩ năng tại SkillsFutureSingapore – một cơ quan chính phủ chuyên giúp đỡ người lao động nâng cao kĩ năng làm việc.

Kĩ năng cần cho thế giới hậu đại dịch

Kitty Tan, Giám đốc Công ty tư vấn tuyển dụng EPS (Singapore), khuyên những sinh viên mới tốt nghiệp không nên “đánh cược” vào 1-2 vị trí nhất định mà nên tìm kiếm nhiều cơ hội mới. “Tùy thuộc vào ảnh hưởng của dịch bệnh, các công ty có thể không tuyển mới, thậm chí hủy bỏ những vị trí đã có người ứng tuyển thành công”, Tan nhận định.

Một số người khác lại cho rằng giai đoạn hiện nay là cơ hội cho các sinh viên mới tốt nghiệp thực hiện những điều có ý nghĩa cho bản thân, vốn giúp họ dễ kiếm việc làm hơn khi nền kinh tế phục hồi.

Ian Lee, Trưởng khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Tập đoàn cung cấp nhân sự Adecco, nói rằng các sáng kiến của chính phủ như Singapore sẽ cho phép sinh viên đạt được “kinh nghiệm, kĩ năng cần thiết trong một thế giới hậu dịch bệnh”.

Ông nhận định: “Các công ty sẽ tiếp tục tuyển dụng trong dài hạn. Chúng tôi đoán chắc rằng các nhà tuyển dụng sẽ tìm kiếm những thứ bên ngoài điểm số và kiến thức sách vở”.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Quốc Tế

Share.

Leave A Reply