Phụ huynh chia sẻ kinh nghiệm giúp con tự tin khi du học

0

Sẵn sàng du học – Cho con du học, chắc chắn phải là một quá trình chuẩn bị của cả gia đình. Cha mẹ không chỉ tích lũy tài chính, bồi đắp kiến thức cho con đủ tự tin ứng tuyển, mà còn xây dựng kỹ năng mềm để con bước ra khỏi vòng tay mình an toàn nhất có thể.

Nguyên tắc "thẩm thấu"

Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề kỹ năng bảo vệ bản thân khi đi du học trở nên nóng thời gian qua. Đã có nhiều vụ liên quan đến sức khỏe, tính mạng của du học sinh Việt Nam, mà mới đây nhất là vụ nữ sinh Việt mất tại Đức khi vừa từ Phần Lan sang Đức theo diện trao đổi sinh viên, đang trở thành mối lo ngại về sự an toàn của gia đình có con đã, đang, và sẽ đi du học.

Anh Trần Thanh Hải – một phụ huynh ở Hà Nội có con sắp đi du học, và cũng làm việc liên quan nhiều đến lĩnh vực tư vấn du học, cho rằng thực tế mà anh nhìn thấy khi tiếp xúc với phụ huynh có con đi du học là họ vẫn quá chủ quan về vấn đề bồi đắp kỹ năng cho con.

 

Du học là bước ngoặt của cả con cái và bố mẹ khi con phải sống tự lập hoàn toàn, đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

Du học là bước ngoặt của cả con cái và bố mẹ khi con phải sống tự lập hoàn toàn, đối mặt với nhiều rủi ro. Ảnh minh họa

“Qua tiếp xúc trao đổi, tôi thấy nhiều cha mẹ khi định hướng cho con đi du học hầu như dành phần lớn quan tâm đến việc con có đỗ trường này trường kia không, học phí của các trường ra sao… Cha mẹ vẫn còn hời hợt trong việc chú ý đến các kỹ năng cần thiết trước khi con đi du học. Nhiều người bị cuốn vào mưu sinh, 24 giờ trong một ngày sẽ bị chia cắt ra, phân bổ nhiều vào việc kiếm tiền. Giáo dục con vì thế ít được ưu tiên” – anh Hải chia sẻ.

Là một ông bố của ba người con, trong đó có con đầu sẽ sang Mỹ du học vào tháng 8 tới, anh Hải cho rằng, bồi đắp kỹ năng mềm cho con khi con rời khỏi vòng tay mình tới một đất nước xa lạ, phải là một quá trình.

Theo anh Hải, tùy cá tính, tính cách của từng bạn để bố mẹ có định hướng nhất định cho con. Giáo dục là một quá trình, đòi hỏi gia đình phải luôn theo sát. Theo tôi hình thức mãn nhãn và thẩm thấu là giáo dục hành vi. Đó là môi trường sống trong gia đình, con cái nhìn thấy bố mẹ để noi gương, hình thành lối sống.

“Sự quan tâm của bố mẹ, hoặc các ý tưởng của bố mẹ phải “cài đặt” đưa vào trong cuộc sống hàng ngày để con dần thẩm thấu chứ không phải là trước khi con đi một năm, hay vài tháng, bố mẹ sẽ dạy con ào ào theo từng chủ đề, rằng con phải tự lập. Con sẽ không thể nào tiếp nhận hết tất cả những sự chỉ dạy ấy, và lúc ấy bố mẹ cũng xác định là đã quá muộn để dạy con rồi” – anh nói.

Với con gái, anh Hải cho rằng, cần đặc biệt hơn một chút vì thường dễ tổn thương hơn con trai. Đặc biệt cần chú trọng về kỹ năng phòng ngừa rủi ro, xử lý tình huống để rèn thói quen tự lập.

Anh Hải cho rằng, một số hoạt động phù hợp để rèn thói quen tự lập của con là cho con tham gia trại hè, hay đơn giản là cho con về quê, đi chơi với nhóm bạn mà không cần bố mẹ theo cùng.

“Bố mẹ có thể đặt ra những tình huống giả định để con xử lý khi con ở một mình để con tập dượt. Một số khóa học về kỹ năng cũng cần thiết, có thể tìm hiểu để đăng ký cho con học. Điều quan trọng nữa là bố mẹ cần tìm hiểu kỹ môi trường sống ở quốc gia mà con sẽ theo học từ các kênh sách báo, tivi, người quen… Đặc biệt, tìm hiểu những bạn bè mới của con, cần phải giữ liên lạc với nhóm bạn đó để có việc gì cấp bách có thể liên hệ được ngay” – anh Trần Thanh Hải cho biết.

Kinh nghiệm từ gia đình có hai con gái tự săn học bổng du học Anh và Singapore

Khi nhắc đến hai cô con gái đều đã đi du học và hiện khá thành đạt ở Hà Nội (25 và 27 tuổi), chị Nguyễn Thị Vân (TP.Vinh – Nghệ An) luôn nói vui rằng, điều mà chị luôn lo lắng nhưng hai con gái của chị đều làm rất tốt, chính là tạo cho mình cuộc sống tự lập và chủ động. Lối sống ấy được “tôi mài” từ những ngày hai con lên cấp THCS.

“Trước đây gia đình tôi sống ở ngoại thành. Vì hai con đều học khá nên lên cấp II, các con muốn học ở TP.Vinh để theo kịp chúng bạn. Thế là từ đó, hai chị em đã học cách tự lập, cô chị hơn cô em hai năm, lên thành phố trước để tạo tiền đề cho cô em. Một mạch đến hết cấp III, rồi vào ĐH ở Hà Nội, mẹ con chúng tôi hầu như đều phải sống xa cách” – chị Vân chia sẻ.

Chính vì có nhiều năm sống độc lập, không còn có sự bảo bọc của bố mẹ nên hai con của chị Vân đều cảm thấy thoải mái trước khi đi du học. Khổ trước, sướng sau, vợ chồng chị Vân dù lo lắng nhưng không quá căng thẳng khi con gái út du học tận Anh, còn con gái cả thì tự tìm học bổng và học ở Singapore mà không cần bố mẹ hỗ trợ tài chính. Hiện tại hai con gái chị Vân đều tự lo cho cuộc sống của mình, thậm chí còn gửi tiền về biếu bố mẹ hoặc mời bố mẹ đi du lịch cùng khi có điều kiện.

“Xa con nhưng cần theo sát con, bằng cách chú ý đến tâm trạng của con để kịp thời động viên gần gũi bên con. Thuận lợi của tôi là chị em gần gũi bảo ban nhau nên yên tâm phần nào, nhưng tôi nghĩ nếu như không có quá trình sống tự lập sớm, các con tôi đã không hoàn thành việc đi du học nhẹ nhàng như vậy. Nếu muốn xác định con đi du học thì bố mẹ cần lên kế hoạch càng sớm càng tốt, từ đó con sớm được tự lập theo sự định hướng của mình, mọi việc sẽ thuận lợi hơn khi các con rời xa vòng tay của cha mẹ” – chị Vân chia sẻ.

Share.

Leave A Reply