Tiến sĩ ở Pháp thi trượt viên chức trường Ams chia sẻ về sốc văn hóa ngược

0

Sẵn sàng du học – Nhân sự kiện “Ngày hội Giáo dục châu Âu”, thầy giáo Đặng Minh Tuấn – một cựu du học sinh xuất sắc tại Pháp nhưng thi viên chức lại không đỗ vào Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam năm 2014 đã có những chia sẻ về hội chứng 'Sốc văn hoá ngược'…

Tiến sĩ tại Pháp Đặng Minh Tuấn đang chia sẻ về “sốc văn hóa ngược”.

Tiến sĩ tại Pháp Đặng Minh Tuấn đang chia sẻ về “sốc văn hóa ngược”.

Mọi người thường nghe đến “sốc văn hóa” khi sang sinh sống học tập tại một đất nước khác nhưng ít ai để ý rằng khi du học sinh trở về sinh sống và lập nghiệp trên chính quê hương mình thì họ cũng lại phải đối mặt với “sốc văn hóa” lần nữa, thậm chí còn khó khăn hơn rất nhiều.

Sốc do chưa chuẩn bị sẵn sàng tâm thế

Anh Trịnh Xuân Tuân từng du học ngành Trí tuệ nhân tạo tại Thụy Điển cho biết, ngay lúc bước chân xuống sân bay Nội Bài, anh đã choáng váng bởi sự ồn ào, chen lấn bất lịch sự của một số người ở đây. Nhưng đó mới chỉ là khởi đầu của chuỗi sốc sau này.

“Tôi đã từng trải qua một thời gian dài thất nghiệp ở nhà, đi xin việc nơi nào cũng không nhận cho dù trước khi du học tôi có vị trí làm việc rất thuận lợi. Tôi đã trầm cảm khi gặp những vấn đề từ “sốc ngược”, anh Xuân Tuân nói thêm.

Tiến sĩ tại Pháp Đặng Minh Tuấn chia sẻ: “Khi các bạn du học ở châu Âu về, các bạn tự tin có nền tảng, kiến thức tốt. Nhưng đó không phải là tất cả. Có nhiều chuyện xảy ra không như ý muốn đó không phải vấn đề xuất phát từ bạn mà là do xã hội.

Cách đánh giá năng lực của mỗi người khác nhau nhưng theo tôi, tựu chung là có hai khía cạnh kiến thức và sự ảnh hưởng của bạn đến xã hội.

Nếu xét lỗi từ chính bản thân thì là do du học sinh chưa tìm hiểu về thông tin, tình hình nước nhà, công việc mình thích và chưa sẵn sàng về tâm thế để mở lòng “tái hòa nhập” với cuộc sống mình từng thấy thân quen nhưng nó đã không còn như trước nữa”.

Giải pháp chống sốc

Trước hết mỗi du học sinh (DHS) cần nhận thức được sự thay đổi của chính bản thân mình.

Chị Nguyễn Thái Thanh (cựu DHS Ireland) chia sẻ: “Tôi đã từng hay phê phán, chỉ trích, đánh giá, có định kiến với mọi thứ khi tôi chưa du học. Du học đã giúp tôi thay đổi thái độ, hành vi của mình. Dần dần, tôi không còn định kiến nữa. Thế nên, về nước, tôi đã áp dụng cảm quan ấy cho cuộc sống của mình, tôn trọng mọi sự khác biệt văn hóa cũng như trình độ phát triển để tôi nhanh chóng thích nghi hơn.”

Cựu DHS Thụy Điển Xuân Tuân cho rằng, sinh viên không nên giới hạn khả năng và vị trí của mình.

“Không có công ty nào trong nước tuyển dụng nên tôi đã nộp hồ sơ cho nước ngoài. Và tôi đã được nhận vào Silicon Valley.

Nói như thế không phải khuyên các bạn chỉ nộp cho công ty nước ngoài. Mà điều tôi muốn các bạn hiểu là đừng giới hạn mình ở một nơi.

Bạn có nhiều cách phát triển, có thể vào Nhà nước, nộp hồ sơ cho các công ty tư nhân hoặc công ty nước ngoài, miễn là ở nơi đó các bạn áp dựng được kiến thức, kỹ năng của mình”, anh Xuân Tuân nói.

Anh Đặng Minh Tuấn kết luận, du học không chỉ là học kiến thức chuyên môn mà còn học cách sống.

“Điều học được từ châu Âu về là khả năng quyết định, khả năng giải quyết các vấn đề khó khăn. Khi về nước, chúng ta chưa giải quyết được khó khăn xung quanh mình thì tức là chúng ta chưa học được những kiến thức chúng ta cần phải học.

Trước khi về nước, DHS phải tìm hiểu thông tin từ các bạn trong nước, người thân về công việc, vị trí làm việc mình muốn. Mỗi nơi, mỗi tập thể có một văn hóa riêng vì thế, các bạn nên tìm hiểu văn hóa ấy.

Sau khi ra trường, nếu có cơ hội, tôi nghĩ DHS nên làm một năm ở nước ngoài. Lúc đó, hồ sơ của các bạn sẽ tốt hơn vì các bạn đã có kinh nghiệm thực tế.

Quan trọng là DHS đừng nản chí và hãy tự tin vào bản thân”, anh Đặng Minh Tuấn chia sẻ.

Thái Hải (SSDH) – Theo Dân Trí

Share.

Leave A Reply