Trường New Zealand hỗ trợ học sinh, sinh viên thời dịch

0

Sẵn sàng du học – Với thế mạnh công nghệ, hệ thống giáo dục linh hoạt, tinh thần Kaitiakitanga (hỗ trợ, bảo vệ thế hệ tương lai), trường New Zealand có phương án đảm bảo học tập.

Ứng dụng công nghệ, cung cấp thiết bị, linh hoạt thời gian học

Theo khảo sát của Đại học Công nghệ Auckland (AUT), 6% sinh viên không có máy tính để bàn, xách tay hoặc máy tính bảng phù hợp cho mục đích học tập trực tuyến. Hơn 17% sinh viên không có truy cập internet băng thông rộng ở nhà. Vì vậy, trường đã trang bị 1.500 máy tính xách tay và 4.000 gói internet băng thông rộng cho sinh viên có nhu cầu để đảm bảo chất lượng khi học trực truyến.

Ông Derek McCormack, Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Auckland cho biết, hỗ trợ này nhằm giúp các em có thể truy cập các tài nguyên kỹ thuật số của trường khi đất nước phong tỏa.

Nhiều trường còn tận dụng thế mạnh công nghệ hỗ trợ hoạt động học tập cho sinh viên. Điển hình như Học viện Whitireia ứng dụng công nghệ Thực tế Ảo trong đào tạo trực tuyến vào giờ học thực hành của sinh viên ngành Điều dưỡng. Phil Hawes, Quản lý chương trình tại Học viện Whitireia cho biết, công nghệ có thể lập trình các tình huống như thực tế. Sinh viên căn cứ phản ứng của bệnh nhân ảo, bác sĩ ảo để thực hành từng kỹ năng cụ thể.

Giáo viên giới thiệu công nghệ Thực tế Ảo Vsim cho giờ học thực hành của sinh viên ngành Điều dưỡng, Học viện Whitireia. Ảnh: Học viện Whitireia.

Giáo viên giới thiệu công nghệ Thực tế Ảo Vsim cho giờ học thực hành của sinh viên ngành Điều dưỡng, Học viện Whitireia. Ảnh: Học viện Whitireia.

Hồ Sỹ Tuấn Khang (du học sinh trường trung học Mount Albert Grammar School) chia sẻ, ngay khi vừa bắt đầu học trực tuyến, giáo viên đã email thông tin chi tiết về các website và ứng dụng học trực tuyến của trường để mọi người làm bài tập và nhận thông tin cần thiết trong lớp. Thời khóa biểu được tinh giản từ 50 phút thành 25 phút mỗi tiết để có thời gian trao đổi riêng với giáo viên về bài học.

Chăm sóc sức khỏe tinh thần qua các kênh khác nhau

Nhiều trường kết nối chặt chẽ với bộ phận chăm sóc sinh viên và gia đình homestay để đảm bảo các em luôn cảm thấy được kết nối và an toàn trong suốt giai đoạn này. Mới đây, Đại học Otago vừa triển khai trang thông tin "Ask Otago". Sinh viên có thể gọi điện thoại hàng ngày để được chia sẻ, nhận lời khuyên và động viên trong đại dịch. Nhờ "Ask Otago", trường đã giữ liên lạc với 1.506 sinh viên qua email, 373 qua điện thoại và 24 nhân viên qua email và điện thoại.

Trang "Ask Otago" nhận được nhiều ủng hộ tích cực từ sinh viên của trường. Ảnh: ENZ.

Trang "Ask Otago" nhận được nhiều ủng hộ tích cực từ sinh viên của trường. Ảnh: ENZ.

Đại học Massey cũng thường xuyên gọi điện thoại cho sinh viên để hỏi thăm và đảm bảo các em cảm thấy được kết nối, giúp đỡ và chăm sóc trong thời điểm khó khăn này.

Chị Lê Thiên Tâm, Quản lý của bộ phận Marketing và Truyền thông tại trường UC International College cho biết, nhà trường triển khai các chương trình gồm online campus – nơi sinh viên có thể tương tác với nhau và với thầy cô trong trường. Webinar (hội thảo trực tuyến) cập nhật thông tin về mùa dịch, hỗ trợ tư vấn trị liệu tâm lý, tổ chức các hoạt động khuyến khích bạn trẻ tự chăm sóc sức khỏe và duy trì tinh thần lạc quan. Nhà trường thực hiện các khảo sát để hiểu hơn về tình hình của các bạn, những lo lắng, căng thẳng sợ hãi nếu có vì Covid-19 để hỗ trợ kịp thời.                

Hỗ trợ tài chính cho sinh viên gặp khó khăn

Những sinh viên gặp khó khăn vì dịch bệnh có thể nhận được chính sách hỗ trợ của nhà trường. Đơn cử như Đại học Otago lập quỹ hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn, theo đó nhà trường cam kết đầu tư 1,5 triệu NZD ban đầu cho quỹ. Giáo sư Harlene Hayne, Phó Hiệu trưởng Đại học Otago sẽ trích 20% lương của bà trong 6 tháng tới góp vào quỹ và kêu gọi các thầy cô, nhân viên, cựu sinh viên của trường cùng hưởng ứng. Quỹ sẽ mở cho tất cả học sinh của trường và yêu cầu sinh viên chứng minh khó khăn mà bản thân đang gặp phải.

Đại học Auckland cũng thành lập một quỹ hỗ trợ cho các nghiên cứu sinh tiến sĩ gặp khó khăn về tài chính vì ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19. Quỹ này sẽ nhận đơn yêu cầu hỗ trợ vào mỗi tuần. Những cá nhân được duyệt sẽ nhận gói hỗ trợ cho mỗi hai tuần và quỹ sẽ xem xét lại hoàn cảnh, nhu cầu cấp thiết của mỗi trường hợp theo định kỳ.

Khuyến khích sinh viên nâng cao sức khỏe

Nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cũng là một trong những cách các trường khuyến khích học sinh, sinh viên phòng tránh Covid-19. Tại trường Đại học Auckland, Quang Huy, sinh viên năm nhất cho biết: "Nhà trường gửi email hỏi thăm sức khỏe và cập nhật về tình hình dịch bệnh hằng tuần cho sinh viên. Mình vẫn tích cực tập thể dục thể thao tại nhà, nấu ăn và tham gia một vài hoạt động do nhà trường tổ chức để giữ tinh thần lạc quan, bình tĩnh trong suốt thời gian cách ly".          

Thời tiết mát mẻ và khung cảnh mùa thu xinh đẹp của New Zealand hiện tại rất phù hợp cho việc chạy bộ ở gần nhà hoặc trong khuôn viên trường. Ảnh: Vinh Tran Phuc.

Thời tiết mát mẻ và khung cảnh mùa thu xinh đẹp của New Zealand hiện tại rất phù hợp cho việc chạy bộ ở gần nhà hoặc trong khuôn viên trường. Ảnh: Vinh Tran Phuc.

Học sinh, sinh viên tại New Zealand nói chung và cộng đồng sinh viên quốc tế nói riêng đã nhận được nhiều hỗ trợ tích cực về tinh thần, thể chất và tài chính trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua. Dù đã nới lỏng phong tỏa toàn quốc xuống cấp độ 3, Chính phủ New Zealand và nhà trường vẫn theo dõi sát sao để có những biện pháp kịp thời, giúp các bạn trẻ an tâm ổn định việc học và cuộc sống trong tương lai.

Thái Hải (SSDH) – Theo VnExpress

Share.

Leave A Reply