Vụ gian lận tuyển sinh phơi bày “cửa hậu” học thức giới nhà giàu Mỹ

0

Sẵn sàng du học – Bê bối đánh dấu đầu năm 2019 đen tối với nền giáo dục Mỹ, nhưng sâu xa là những bất công đã tồn tại hàng trăm năm qua.

Đường dây quy tụ người nổi tiếng

Ngày 12/3/2019, 33 phụ huynh – bao gồm nhiều gương mặt nổi bật về điện ảnh, luật, tài chính, thời trang, ngành công nghiệp thực phẩm và các lĩnh vực khác – đã bị truy tố vì tham gia chương trình hối lộ và lừa đảo để giành quyền nhập học cho con cái họ vào các trường đại học danh tiếng của Mỹ mà chúng vốn không đủ điều kiện để xét tuyển.

Thông qua một người môi giới, những phụ huynh này được cho là đã hối lộ các huấn luyện viên thể thao của nhiều trường đại học, bao gồm cả các trường uy tín như Yale hay Georgetown, để mang về cho con mình chứng nhận tuyển dụng vào một đội thể thao dù học sinh đó thậm chí chưa bao giờ chơi môn thể thao này. Theo quy định hiện hành của nhiều trường tại Mỹ, sự chứng thực như vậy của các huấn luyện viên sẽ giúp học sinh được nhận vào đại học trong nhiều trường hợp.

Bên cạnh đó, chứng nhận là người khuyết tật cũng được các phụ huynh tại Mỹ “săn đón” bởi nó cho phép học sinh hưởng nhiều ưu tiên khi làm các bài kiểm tra tiêu chuẩn vào đại học Mỹ là SAT hay ACT. Chẳng hạn trong trường hợp nữ diễn viên nổi tiếng Hollywood Felicity Huffman, người đã thừa nhận các tội danh vào hôm 8/4, đã trả 15.000 USD cho một nhà tư vấn tên Rick Singer dưới dạng một khoản quyên góp từ thiện để tăng điểm SAT cho con gái bà. Nữ diễn viên 56 tuổi ban đầu được cho là đã thảo luận kế hoạch gian lận với con gái mình, tuy nhiên cuối cùng bà này đã phủ nhận.

Một số huấn luyện viên nổi tiếng cũng đã bị buộc tội, bao gồm cả huấn luyện viên quần vợt lâu năm Gordon Ernst, được cho đã nhận hối lộ 2,7 triệu USD để chỉ định ít nhất 12 tân sinh viên cho Georgetown. Ernst – người cũng từng huấn luyện riêng cho cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và các con gái của bà – đến nay vẫn không thừa nhận tội danh.

Gia đình Hollywood William Macy - Felicity Huffman đối mặt cáo buộc 'chạy điểm' cho con gái và cũng là một đầu mối chính trong đường dây gian lận chấn động.

Gia đình Hollywood William Macy – Felicity Huffman đối mặt cáo buộc 'chạy điểm' cho con gái và cũng là một đầu mối chính trong đường dây gian lận chấn động.

Hệ thống của sự bất công

Vụ bê bối này được xem là một khoảnh khắc đen tối trong lịch sử giáo dục đại học Mỹ, khi nó phơi bày các tiêu chuẩn tuyển sinh thiếu minh bạch tạo ra vô số "cửa hậu" bất công với học sinh, sinh viên. Theo đó, học sinh nộp đơn vào đại học Mỹ đang đối mặt với một bộ tiêu chí và tiêu chuẩn nhập học nhưng lại không hiểu rõ về bản chất các đánh giá này. Vì vậy, ngay cả những sinh viên đáp ứng các tiêu chí đã nêu vẫn có thể bị từ chối vì những lý do mà họ sẽ không bao giờ biết.

Đường dây gian lận tuyển sinh đại học lớn nhất từng bị Bộ Tư pháp Mỹ truy tố lần này cũng đã làm bật nổi xu hướng gây tranh cãi hiện nay tại Xứ Cờ hoa, rằng các vận động viên có được lợi thế to lớn trong quá trình tuyển sinh nhiều hơn nhiều so với các sinh viên dân tộc thiểu số. Đáng nói, tại các trường đại học ưu tú của nước này, hầu hết sinh viên được tuyển dưới dạng chứng nhận vận động viên thường không tham gia các môn thể thao phổ biến như bóng rổ hay bóng đá, mà thay vào đó là các môn thể thao đắt đỏ như chèo thuyền hay quần vợt. Chính thực tế này đã làm dấy lên nghi vấn về các ưu tiên thể thao của đại học Mỹ đang mang lại lợi ích cho con em giới nhà giàu, có điều kiện hơn rất nhiều so với những cầu thủ bóng đá hay bóng rổ – thường là người Mỹ gốc Phi.

Nhìn lại quá khứ, hệ thống tuyển sinh đại học phức tạp và ít nhiều bất công của Mỹ có nguồn gốc từ chủ nghĩa bài Do Thái từ đầu thế kỷ XX. Điều này đã từng được thể hiện trong cuốn sách nói về lịch sử tuyển sinh của 3 trường đại học danh giá nhất nước Mỹ – Harvard, Yale và Princeton – của tác giả Jerome Karabel, xuất bản năm 2005. Theo đó, bài kiểm tra tuyển sinh của các trường này từng tập trung nhiều vào khả năng đọc và viết tiếng Latin và tiếng Hy Lạp.

Trong khi thời điểm cuối thế kỷ XIX và đầu XX, những môn học này chỉ được dạy vào một số ngày nhất định tại các trường nội trú của những người da trắng theo đạo Tin lành Anglo-Saxon giàu có, mà tuyệt nhiên không có sự tham gia của những học sinh nghèo người Do Thái. Chỉ đến khi những năm 1960, các trường đại học của khối Ivy League mới bắt đầu bác bỏ chủ nghĩa bài Do Thái, mặc dù những định kiến tương tự đối với các ứng viên người Mỹ gốc Á vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Kinh tế Đô thị

Share.

Leave A Reply