Xu thế du lịch mới ở Trung Quốc: Tour cho học sinh thăm các đại học danh tiếng

0

Sẵn sàng du học – Ngành dịch vụ du lịch kết hợp giáo dục đang nở rộ ở quốc gia tỉ dân. Chỉ tính riêng năm ngoái, ngành này đã thu về 4,5 tỉ USD doanh thu. Theo dự đoán, con số này sẽ tiếp tục tăng khoảng 30% mỗi năm trong vòng 10 năm tới. Theasiadialogue vừa cho hay.

Học sinh Trung Quốc thăm ĐH Harvard, Mỹ

Học sinh Trung Quốc thăm ĐH Harvard, Mỹ

Giúp con cái tiếp xúc với nền giáo dục hiện đại

Thống kê cho thấy năm 2018, hơn 650.000 học sinh Trung Quốc đã tham dự các khóa học ngắn ngày ở nước ngoài, tăng 30% so với hai năm trước đó. Trong kỳ nghỉ hè vừa qua, lượng học sinh Trung Quốc tới tham quan học xá và giảng đường của các trường đại học hàng đầu thế giới tăng mạnh, do nhiều bậc phụ huynh tầng lớp trung lưu nước này muốn con cái được sớm tiếp xúc với tinh túy của nền giáo dục hiện đại của phương Tây. Số lượng những chuyến học hè ngắn ngày ở nước ngoài đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm gần đây, điều đó đồng nghĩa với lượng sinh viên Trung Quốc du học sẽ tăng gấp đôi trong những năm tới, Joe Chiu, giám đốc trung tâm tiếng Anh quốc tế EF dự đoán. Anh và Mỹ vẫn là hai quốc gia thu hút đông học sinh Trung Quốc nhất, xếp sau là Australia, Canada và Singapore, ông Chiu nói.

“Những ngôi nhà ở đó có bề dày lịch sử đến hàng thế kỷ. Chỉ cần chạm tay vào mỗi hòn, mỗi viên gạch, mình có thể cảm thấy được hơi thở của ngôi trường này… Mọi vật ở đây đều ẩn chứa những câu chuyện, những thành tựu vĩ đại và những phát kiến lớn”, cô bé Chen Mingxuan viết trong nhật ký hành trình. Oxford và Cambridge chưa bao giờ là mơ ước của Chen Mingxuan, một học sinh cấp hai ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc. Nhưng trong kỳ nghỉ hè vừa qua, sau khi được cha mẹ cho đi tham quan hai trường đại học hàng đầu của Anh này, cô bé đã thay đổi hoàn toàn suy nghĩ. Cha mẹ cô học sinh 15 tuổi quyết định chi một khoản tiền lớn để cô con gái có một chuyến nghỉ hè thú vị ở Anh. Điểm nhấn của chuyến đi là tour tham quan hai trường đại học hàng đầu xứ sở sương mù. Mục đích của chuyến đi không chỉ để các thiếu niên như Chen trải nghiệm văn hóa mà còn để giúp định hướng con đường học hành, theo South China Morning Post.

“Có rất nhiều nhóm học sinh Trung Quốc như chúng cháu tới đó tham quan”, Chen cho biết các nhóm đông tới nỗi rất khó để chụp được một bức ảnh đẹp. Ông Liu, phó tổng giám đốc công ty giáo dục tại Thượng Hải, chuyên tổ chức các chuyến đi học ở nước ngoài cho học sinh Trung Quốc từ năm 2006, cho biết lượng khách hàng tăng ít nhất 70% mỗi năm. Mùa hè 2018, công ty này gửi hơn 450 học sinh Trung Quốc tới các trường đại học hàng đầu ở Anh và Mỹ. Một chuyến đi kéo dài ba tuần tới Anh, bao gồm tham quan trường đại học Oxford, Cambridge và Imperial College London cùng với các buổi nói chuyện với đại diện của trường, tốn khoảng 7.500 USD.

Trải nghiệm giúp định hướng con đường học hành

“Sau chuyến đi, các em trở về tự tin hơn và càng cảm thấy có động lực để tập trung vào việc học,” ông Liu cho biết chuyến tham quan sẽ giúp bọn trẻ hiểu phần nào về môi trường học tập ở nước ngoài cũng như sớm chọn được ngôi trường hợp phù hợp với mình.

Lượng học sinh đổ về tham quan các trường đại học lớn đến mức một thành viên hội đồng trường Oxford đã thốt lên trên mạng xã hội Twitter rằng vào mùa hè, khuôn viên nhà trường đã biến thành “địa ngục của đám khách du lịch”. Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử 700 năm tồn tại của nhà trường, đại học Cambridge đã phải đóng cửa không cho công chúng vào thăm sau khi sinh viên và cán bộ trường phàn nàn về những chuyến xe buýt chở hàng trăm học sinh châu Á, chủ yếu đến từ Trung Quốc và Nhật Bản, bất ngờ xuất hiện và làm rối loạn cả khu học xá. Thậm chí, một số em học sinh còn xộc vào tận buồng ngủ của các sinh viên Cambridge.

“Tôi gặp đồng hương của mình ở khắp mọi nơi. Đâu đâu cũng nghe thấy tiếng Trung Quốc”, theo anh Wang, người Bắc Kinh, vừa trở về từ chuyến tham quan trường đại học Oxford cùng cậu con trai 5 tuổi. Mới đây, Nancy Zhao, người Thượng Hải, dẫn con trai tham quan trường đại học Harvard nhưng có vẻ cậu con trai 10 tuổi không tỏ ra hào hứng với chuyến đi. “Nói thật, trông thằng con tôi có vẻ chẳng có ấn tượng gì về trường. Nó chỉ biết Harvard là một trường đại học hàng đầu thế giới. Thế thôi”. “Cá nhân tôi lại cực thích ngôi trường này. Tôi thích từng khu nhà nhuốm màu lịch sử ở đây, khác hẳn những tòa nhà hiện đại của các trường đại học ở Trung Quốc”, Zhao nói. Dẫu vậy, Zhao vẫn cảm thấy tiếc nuối vì không có cơ hội tham quan nốt Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), một viện đại học nghiên cứu tư thục ở thành phố Cambridge, bang Massachusetts, được xếp vào hàng danh giá nhất nước Mỹ. Theo cô được biết, MIT không cho phép du khách vào khuôn viên nhà trường. “Chồng tôi lúc nào cũng muốn con trai chúng tôi sẽ theo học ngành công nghệ và khoa học. MIT là trường đỉnh nhất trong lĩnh vực này. Vậy nên, trong chuyến đi vừa rồi, ước gì con tôi được đi tham quan trường một vòng”. “Tôi tin rằng chuyến đi tới các trường đại học hàng đầu thế giới này rồi sẽ hằn sâu trong trí nhớ của thằng bé và nhờ đó sau này lớn lên, nó càng có cảm hứng học tập chăm chỉ hơn”, Zhao tâm sự.

Thái Hải (SSDH) – Theo Báo Văn Hóa

Share.

Leave A Reply