Sẵn sàng du học – Nhiều người vẫn nói, cuộc sống là một chuỗi những tháng ngày bi thương. Ai trưởng thành mà chẳng trải qua một vài nỗi đau, dù là lớn hay bé.
Khi tổn thương, mọi người đều cảm thấy chán ghét bản thân, chán ghét cuộc sống. Muôn vàn câu hỏi đặt ra chỉ với mục đích, rằng tại sao cuộc sống lại khó khăn như thế, tại sao bản thân phải chật vật hứng chịu bi thương như vậy. Có người vì chẳng thể chịu nổi những đau thương nên quyết định bỏ bê cuộc sống, buông lơi bản thân. Thế nhưng cũng có người trở nên mạnh mẽ hơn, vực dậy được tinh thần để tiếp tục bước về phía trước.
Đa phần mọi người đều nghĩ rằng khổ đau khiến chúng ta trở nên yếu đuối hơn, khiến chúng ta đắm chìm trong buồn tủi. Chẳng mấy ai thấy được bài học mà người thầy “tổn thương” đem lại, chẳng mấy ai nhìn nhận được điểm sáng của chuỗi ngày cùng cực, bi thương. Đến một ngày, khi thoát khỏi những đau thương, khi đã mạnh mẽ và trưởng thành hơn, khi nhìn lại, bạn sẽ thấy được những thương tổn khi xưa đã dạy chúng ta những gì.
CUỘC SỐNG THỰC SỰ RẤT QUÝ GIÁ
Theo lẽ thường, những người đang chịu tổn thương hay buồn đau đều có xu hướng cảm thấy chán ghét cuộc sống hiện tại. Họ nghĩ rằng cuộc sống thật không công bằng, chẳng có gì tốt đẹp với họ hoặc giả niềm đau như khiến họ muốn chết đi, ngay lập tức. Chìm vào bi thương, người ta nghĩ đến những điều khiến họ đau đớn, có mấy ai thực sự nghĩ về niềm vui, niềm hạnh phúc khi bản thân đang ngập ngụa trong “vũng lầy” của khổ đau. Tất cả đều quên rằng, cầu vồng thường xuất hiện sau mưa và họ nên hạnh phúc như thế nào.
Bạn biết đấy, đời người hữu hạn. Đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta rồi sẽ chết đi, trở về với cát bụi. Trên đời, chẳng bao giờ tồn tại thứ gọi là “trường sinh bất tử”. Thế nhưng, bạn có bao giờ nghĩ rằng, bản thân mình đã sống như thế nào để không cảm thấy hối tiếc khi nhắm mắt xuôi tay?
Bỗng một ngày, đứng trước những tổn thương, bạn nghĩ về cái chết. Nếu đã vậy, hãy một lần tự vấn bản thân, rằng:
- Bạn đã hạnh phúc với cuộc sống và cách sống này hay chưa?
- Ước mơ của bạn, cuối cùng đã được thực hiện chưa?
- Bạn đã từng nói lời yêu thương dành cho người thân yêu bên cạnh?
- Tất thảy những gì bạn có được ngay lúc này, có khiến bạn hài lòng hay không?
Nếu câu trả lời là “Chưa từng” hoặc “Không hề”, hãy tự xem xét lại bản thân mình. Rốt cuộc, trong ngần ấy thời gian, bạn đã làm gì với cuộc sống của mình?
Những người trải qua vài lần đớn đau, lừa dối, tổn thương cuối cùng cũng nhận ra được một điều, rằng chẳng có gì quan trọng hơn bản thân và cuộc sống của chính mình.
SỢ HÃI LÀ DẤU HIỆU CỦA TRƯỞNG THÀNH
Dù muốn dù không, bạn cũng chẳng thể nào phản đối sự thật này. Trải qua những nỗi sợ hãi, niềm tổn thương, bạn sẽ có cái nhìn thấu đáo cũng như trưởng thành hơn. Theo thời gian, mối lo sợ trước đây không còn nữa. Và sau một khoảng thời gian dài hứng chịu những tổn thương cùng nỗi mất mát, bạn cuối cùng cũng nhận ra rằng, chẳng có nỗi đau nào là mãi mãi. Sau này, khi nhìn lại những gì đã từng, bạn có thể nghĩ rằng tại sao bản thân lại khờ khạo như thế. Hoặc giả, bạn cũng có thể mỉm cười và cảm ơn những gì mà quá khứ đã đem đến. Vì nhờ có những tổn thương đó mà bạn mới trưởng thành và tuyệt vời như ngày hôm nay.
ĐỒNG CẢM LÀ SỢI DÂY KẾT NỐI THẦN KỲ
Có phải lúc tổn thương, bạn thường cáu ghét và nói với người xung quanh rằng: “Hãy tránh xa tôi ra, tôi muốn được yên tĩnh một mình”. Thế nhưng, thẳm sâu trong lòng, bạn lại mong muốn ai đó thấu hiểu và ở cạnh bạn. Chẳng cần nói gì, chẳng cần làm gì, chỉ cần im lặng ở bên, vậy là đủ. Thực tế, những lúc tâm trạng bất ổn, một mình hứng chịu những tổn thương, đau đớn, ai trong chúng ta cũng đều mưu cầu sự đồng cảm. Dù đó là người thân yêu hay một người lạ mà bạn chẳng hề quen trước đó. Như một sợi dây thần kỳ, sự đồng cảm khiến chúng ta xích lại gần nhau hơn, giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn và mau chóng vượt qua những đau thương.
Nếu như, người bạn yêu thương đang bị giày vò và khổ đau, hãy đừng ngần ngại mà nói với người ấy, rằng:
- Bạn yêu họ, mong muốn những điều tốt đẹp sẽ đến với đối phương (chẳng cần biết với họ, bạn là người như thế nào).
- Thừa nhận với người đó việc làm sai lầm của bạn và nói lời xin lỗi.
- “Tôi có thể hiểu nỗi đau này, nếu cảm thấy không ổn hãy khóc đi. Có tôi đây rồi”.
Cá Domino (SSDH) – Theo elle