Những niềm tin sai lầm trước khi du học

0

SSDH – Có những niềm tin sắt đá lại hóa sai lầm trong quá trình tìm hiểu thông tin trước khi đi du học.

 2.jpg

 

Tớ sẽ nhanh chóng kiếm được việc làm thêm

 

Rất nhiều bạn lên đường du học với “vốn liếng” trong tay khá khiêm tốn, chỉ đủ sống trong thời gian một vài tháng ở nước ngoài. Những người bạn này có thể là do điều kiện gia đình không cho phép, một phần cũng có thể do hồn nhiên nghĩ kiếm việc làm thêm không khó, nên đã vô tình bước vào một cuộc sống du học nhiều trắc trở mà không hay biết.

 

Bạn không thể biết trước được những bất trắc sẽ xảy ra với mình. Quang Thành (du học sinh ngành Kinh tế ở Pháp) đã bị mất 2000€ ngay từ khi mới chân ướt chân ráo sang Pháp. Chỉ còn lại 1/3 số tiền mang theo để xoay xở mọi thứ trong vòng 9 tháng còn lại, anh bạn nghĩ ngay đến chuyện đi kiếm việc làm thêm. Nhưng, xin việc làm thêm ở nước ngoài không hề đơn giản như bạn tưởng. Lúc mới sang, ngôn ngữ bản địa chưa thông thạo, bạn rất khó đi dạy thêm hay làm những công việc liên quan đến bàn giấy. Chưa kể, bạn cũng sẽ mất gần vài ba tháng đầu để hoàn tất thủ tục giấy tờ (ở Pháp là thủ tục xin “Giấy cư trú” – Titre de séjour) mới được làm thêm hợp pháp. Quang Thành đã phải trải qua một năm đầu tiên với đủ mọi công việc làm thêm: nhà ăn sinh viên của trường, khu rửa chén ở một trại hè, dạy tiếng Việt cho trẻ em. Trong đó, hai trong số ba công việc kể trên đều do người quen giới thiệu. Thử hỏi một người mới sang, không người quen thân thích nơi bản xứ, liệu bạn có xin việc dễ dàng hay không?

 

Một lí do quan trọng nữa là bạn không thể hiểu được ảnh hưởng của làm thêm với việc học một khi chưa đặt chân sang đây. Ở nước ngoài, bạn không thể tự túc phương tiện đi lại như ở Việt Nam nên việc di chuyển từ chỗ làm đến trường cũng ngốn của bạn kha khá năng lượng và thời gian, đặc biệt là ở những thành phố lớn. Có rất nhiều sinh viên chọn phương án nghỉ học để đi làm, dần dần thói quen này sẽ được lặp lại với tần số nhiều dần đều và bạn sẽ trượt dần trên “mặt trận” học hành.

 

Làm thế nào? Bạn nên tìm hiểu kĩ càng thông tin làm thêm qua các mạng lưới trước ki du học (nhà trường, hội sinh viên, trang web kiếm việc làm thêm của thành phố, Hotcourses). Một khi đã kiếm được việc làm, bạn nên phân bổ thời gian cho hợp lí, không cố làm quá mà thành “quá cố” trong việc học. Cuối cùng, nên xác định rõ ràng đi làm thêm chỉ để kiếm thêm chứ không phải để… làm giàu. Hơn nữa, bạn còn có ba tháng ròng vào dịp nghỉ hè (tùy quốc gia) để kiếm tiền cơ đấy!

 

Qua “ải” ngôn ngữ, tớ đã đủ trình theo học rồi!

 

Nhiều bạn vẫn nghĩ việc có được tấm bằng tiếng trong tay là đã đủ khả năng theo học ở nước ngoài rồi. Quan điểm này hoàn toàn sai vì ngoại ngữ đời sống không hề giống như ngoại ngữ hàn lâm mà bạn học đâu. Minh Yên (du học sinh Y khoa ở Mỹ) kể rằng cô bạn rất khó có thể hiểu hết mỗi khi nghe những người bạn Mexico nói tiếng Anh. Trong cuộc sống của đất nước bạn đang theo học, đôi khi bạn sẽ phải làm việc với những người nhập cư dù đã sống lâu năm nhưng vẫn giữ lại cho riêng họ một cách phát âm với chất giọng riêng. Theo Trang Phương Trinh (du học sinh Mỹ) “chính điều này làm nên sự đa dạng của ngôn ngữ”.

 

Tuy nhiên, đó chỉ mới là một lát cắt riêng của đời sống du học. Quan trọng nhất vẫn là việc hiểu bài ở trường phải không? Thật ra, việc đạt mức điểm “sàn” (chẳng hạn IELTS 5.0 hay TCF 350) chỉ để giúp bạn chứng minh rằng mình có đủ điều kiện nhập học, giống như khi bạn đạt đủ điểm trung bình để qua môn ở Việt Nam vậy. Vì thế, nhiều du học sinh đã rơi vào hoàn cảnh “vịt nghe sấm” vào thời gian đầu du học.

 

Phải làm gì? Nếu chưa đi học ngay, bạn vẫn còn thời gian để rèn luyện thêm. Hãy mạnh dạn tham gia những Câu lạc bộ, trung tâm văn hóa của nước bản địa hay đi làm tình nguyện với những bạn trẻ nước ngoài để tạo cơ hội thực hành. Xem phim, nghe nhạc, lướt web những trang tin viết bằng tiếng nước ngoài cũng là một phương pháp hiệu quả. Một khi đã đặt chân đến nước ngoài, hãy làm them những lời khuyên của Hotcourses trong bài Làm thế nào để giỏi ngoại ngữ khi… đi du học?

 

Tớ chẳng bao giờ có vấn đề về sức khỏe

 

Bạn hoàn toàn có lí do để tự tin về sức khỏe của mình và sự thực là việc đổ bệnh ở nhà thật ra cũng không quá… ghê gớm lắm – bạn có gia đình, bạn có thể thoải mái trình bày bệnh tình của mình với bác sĩ – bạn không ở trong hoàn cảnh “túng tiền”… Nhưng một khi đặt chân tới xứ lạ, bạn sẽ không thể làm quen với môi trường sống ngay lập tức được. Mùa Đông đầu tiên sẽ khiến một người khỏe như văm ở Việt Nam lăn đùng ra ốm vì không được trang bị đủ đồ ấm hay giày bốt không thấm nước. Hạnh, một cô bạn vốn là dân phượt ở Việt Nam đã xỉu ngay trên xe bus không phải vì có vấn đề gì về sức khỏe mà đơn giản vì cô bạn bị “sốc lạnh”, theo lời anh nhân viên cứu hộ.

 

Du học sinh Âu châu vẫn hay kháo nhau nên ăn pho-mát và bơ sữa để giữ ấm vào mùa lạnh, chưa kể sữa còn giúp làm mềm mại những vùng da khô vào mùa Đông. Những điều kể trên tất nhiên chỉ là một trong hằng hà sa số những bí kíp “sống sót” nơi đất khách. Chưa kể, những tai nạn cũng có thể bất ngờ xảy ra như tai nạn khi đi bơi, tai nạn giao thông, tai nạn khi chơi thể thao…

 

Giữ sức khỏe thế nào? Trước khi lên đường, bạn nên khám tổng quát và tiêm vaccin đầy đủ ở Việt Nam. Bạn cũng nên mang theo một số thuốc thông thường như thuốc nhỏ mắt, thuốc ho cảm, thuốc đau bụng… Tuy nhiên, khi gặp những triệu chứng lạ, đừng ngần ngại gọi cấp cứu hoặc nhập viện ngay. Nếu có điều kiện, bảo hiểm sức khỏe nên là thứ bạn nên mạnh tay “đầu tư” vì quan trọng nhất là sức khỏe của bạn. Ở một số quốc gia có nền an sinh Xã hội cao như Pháp, hãy chủ động chọn bác sĩ riêng để đi khám thường xuyên mỗi 6 tháng vì bạn đã được Xã hội chi trả (ít nhất là 60%).  

 

Đông Đức (SSDH) – Theo Hotcourses

 

Share.

Leave A Reply