SSDH – Tham khảo một số tips dưới đây để tìm được hứng thú với môn học mà bạn vẫn cho rằng tẻ nhạt nhé!
Bạn không phải là một kẻ lười học, nhưng cũng không phải là mọt sách, lúc nào cũng hứng thú với sách vở. Bạn coi việc học là nghiêm túc nhưng không tránh khỏi việc lơ là một số môn mà bạn không hứng thú. Vậy làm sao để tìm được hứng thú với những môn học bạn cho là tẻ nhạt đó. Tham khảo một số tips dưới đây nhé.
1. Nhìn nhận môn học một cách nghiêm túc và đúng đắn
Để tìm được hứng thú với môn học, đầu tiên bạn cần phải biết được tác dụng của nó với mình. Mỗi môn học được đưa ra trong chương trình học của bạn đều có một mục đích riêng với sự cân nhắc rất kĩ lưỡng của ngành giáo dục.
Bạn không cần tìm hiểu những điều quá xa xăm, trừu tượng làm gì. Nếu muốn hiểu nhiều hơn về môn học, hãy nhìn theo nhiều khía cạnh khác nhau bằng cách tham khảo tài liệu từ sách báo ở thư viện trường, mạng internet hoặc những anh chị thế hệ trước đã học qua nó.
2. Dành cho nó thời gian nhất định trong ngày
Dù việc tập trung học môn học bạn không thích là một việc khá khó khăn, nhưng nếu đã quyết tâm cải thiện tình hình, hãy dành cho môn học ấy một khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Trong khoảng thời gian ấy hãy thật tập trung để tìm hiểu môn học chứ đừng để việc khác làm bạn ngó lơ hay ngủ gật trên bàn học nhé.
Đến một khoảng thời gian nhất định, bạn sẽ cảm thấy môn học trở nên gần gũi với mình hơn. Hãy liên kết những điều lạ lẫm, tẻ nhạt trong môn học với những điều quen thuộc trong cuộc sống. Điều này sẽ khiến bạn ghi nhớ kiến thức nhanh hơn rất nhiều.
3. Tham khảo ý kiến thầy cô
Đừng bao giờ ngại tham khảo thêm ý kiến của thầy cô. Điều này làm hạn chế tư duy và tầm hiểu biết của bạn. Thời gian tiết học trên lớp rất ngắn ngủi, chỉ đủ để thầy cô truyền đạt lại những kiến thức cơ bản. Việc tìm tòi và phát huy những kiến thức đó như thế nào phụ thuộc rất nhiều vào sự cố gắng, chăm chỉ của bạn.
Nếu có những điều làm bạn khó hiểu trong bài giảng, hoặc bạn cảm thấy chưa hợp lý, hãy mạnh dạn nói điều đó với thầy cô. Thầy cô sẽ không ngần ngại mà chỉ dạy cho bạn. Không chừng, thầy cô lại cảm thấy vui hơn bởi học trò thực sự hứng thú với môn học của mình đó.
4. Tìm đối tượng học cùng
Bất kì ai cũng có sở thích, sở trường riêng của mình. Ưu thế của bạn là môn học này thì môn học không đem lại hứng thú cho bạn sẽ là ưu thế của một người khác. Hãy tìm đến một người bạn như vậy để cùng trao đổi kiến thức. Chắc chắn rằng người bạn ấy sẽ không từ chối yêu cầu của một người ham học hỏi như bạn đâu.
Khi ấy đừng ngại ngùng hay e dè gì, hãy tận dụng hết những cơ hội bạn có để học hỏi, tìm hiểu lại môn học này theo một cách gần gũi nhất từ bạn học của mình nhé. Bạn sẽ nhận thấy được tiến bộ rõ rệt đấy.
5. Chăm chú nghe giảng và ghi chép đầy đủ
Điều cuối cùng bạn cần làm là chăm chú nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ. Bài giảng của thầy cô lúc nào cũng đi liền với những ví dụ thực tiễn làm bạn dễ liên tưởng. Bạn cũng có thể trực tiếp đặt ra những câu hỏi về những vấn đề còn khúc mắc với thầy cô trên lớp. Việc này sẽ giúp bạn nắm bắt kiến thức nhanh hơn so với đọc sách nhiều đấy.
Ghi chép bài đầy đủ cũng là một bước quan trọng để bạn lưu lại kiến thức theo cách của riêng mình. Bạn tự hỏi kiến thức thầy cô giảng có khác gì trong sách đâu, sao phải ghi lại làm gì? Nhưng suy nghĩ đó là hoàn toàn sai lầm đó. Việc ghi lại bài giảng của thầy cô không phải làm theo một cách máy móc. Hãy trình bày nó theo cách bạn hiểu, ghi lại tất cả những gì bạn cho là cần thiết. Như vậy thì đến khi về nhà mở sách ra, bạn sẽ dễ dàng biết được điểm nào là trọng tâm, điểm nào cần tìm hiểu nhiều hơn.
Kết
Thực hiện đầy đủ 5 bước trên, đảm bảo bạn sẽ có tiến bộ rõ rệt trong môn học này. Có khi bạn lại phát hiện ra rằng: “Môn học này cũng thú vị đấy chứ! Sao trước đây mình không nhận ra điều đó nhỉ?” Các bạn biết không, không có môn học nào là nhạt nhẽo, chỉ là ta có thực sự dành tâm huyết để tìm hiểu nó, làm quen với nó hay không mà thôi. Đừng bao giờ bỏ qua bất cứ điều gì khi bạn chưa cố gắng hết mình, bạn nhé!
Thục Uyên (SSDH) – Theo Kênh 14